Từ trung tâm Hà Nội, tôi đi theo hướng Đông Nam men theo quốc lộ 21B tìm về quê hương của “chiếc gậy Trường Sơn” - đó là xã Hòa Xá, huyện Ứng hòa, thành phố Hà Nội.
Về tới Hòa Xã, được người dân địa phương chỉ lối, tôi đi chậm theo con đường làng nhỏ hẹp và ngoằn nghèo để tìm về gia đình ông Phùng Văn Quán (74 tuổi) - cha đẻ của chiếc gậy Trường Sơn.
Giữa khung cảnh làng quê thanh bình, tiếng chim hót xen lẫn với tiếng lách cách của khung cửi, ngôi nhà ông Quán dần hiện ra với 4 gian lợp ngói đỏ. Nói về chiếc gậy Trường Sơn năm xưa, ông Quán lặng im một lát rồi kể về những năm tháng đi bộ đội, hành quân chiến đấu.
Ông Quán nâng niu "chiếc gậy Trường Sơn"
Nhập ngũ và tái ngũ
Ông Quán nói: “Ngày 20 tháng 02 năm 1961 tôi lên đường nhập ngũ cùng 31 thanh niên trong xã. Năm 1963 thì xuất ngũ vì bị sốt rét”. Sau hai năm dưỡng bệnh, đến năm 1965, ông viết thư gửi đại tướng Võ Nguyên Giáp để xin tái ngũ và vài ngày sau đó Đại tướng đã hồi âm: “Đồng chí cứ chuẩn bị tinh thần”. Đợt tuyển quân năm 1965, xã Hòa Xã có 8 người lên đường nhập ngũ, trong số đó có ông Quán và hai người bạn thân từ thủa chăn trâu cắt cỏ là Đỗ Tít và Lưu Tiến Long tái ngũ.
Trở lại chiến trường, ông cùng với các đồng đội ban ngày tập chiến thuật bắn, ném lựu đạn… tối đến đeo bao lô hành quân. Đêm nào cũng phải đi. Việc hành quân rất vất vả, nhất là những đêm mưa gió, đường trơn.
Để thực hiện kế hoạch di chuyển thần tốc trên đường Trường Sơn, ông cùng đồng đội thực hiện việc nghỉ tạm (đứng tại chỗ) giữa đường. Trong một lần như thế, ông nảy ra ý tưởng: chặt lấy cây gậy để chống đỡ ba lô đằng sau và ông bèn rút dao găm chặt một cây rừng cứng dài 1,2m làm phương tiện đỡ tạm chiếc ba lô.
Sau sự mách bảo của ông, Đỗ Tít chọn một cây trúc già to bằng ngón chân cái, Lưu Tiến Long chặt một cây tre đực ven đường to bằng cổ tay để chống đỡ bao lô những khi dừng chân. Tranh thủ những lúc nghỉ, ba người bạn thân dùng dao găm để khắc lên chiếc gậy. Ở thân giữa cây gậy của ông khắc dòng chữ: Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cuối gậy dòng chữ nhỏ hơn ghi: “Trường Sơn 1-4-67”. Riêng gậy bằng tre của Lưu Tiến Long được thiết kế một lỗ nhỏ dùng để hút thuốc lào (đoạn hút thuốc dài chừng 40cm).
Vào đến chiến trường, ba người bạn tình cờ gặp được người đồng hương nhập ngũ trước đó là Phùng Tuấn và Phùng Lưu (chú họ của Quán). Tại đây ông Phùng Lưu nói: “Chú chuẩn bị ra ngoài an dưỡng, có cái gì gửi thì gửi”. Suy nghĩ một lát Phùng Quán trao đổi với Đỗ Tít và Lưu Tiến Long rồi quyết định gửi ba cây gậy về để gia đình yên tâm.
Nhận sự ủy thác của đồng hương, Phùng Tuấn và Phùng Lưu đem ba cây gậy về trao cho gia đình. Nhận thức được kỉ vật thiêng liêng từ chiến trường gửi về, UBND xã đã yêu cầu gia đình giao lại để lưu giữ trong nhà truyền thống.
Tháng 7 năm 1967, Nhạc sĩ Phạm Tuyên đi thực tế ở Hòa Xá, được nghe câu chuyện về chiếc gậy Trường Sơn và tận mắt chứng kiến, tay nâng niu chiếc gậy… Nhạc sĩ cảm xúc sáng tác bài “Chiếc gậy Trường Sơn”. Bài hát ra đời nhanh chóng được phổ biến rộng và có sức lôi cuốn thanh niên cả nước hăng hái tòng quân lên đường chiến đấu.
Trên địa bàn xã Hòa Xã thành lập các phân đội dự bị và phát động nhân dân tập luyện với phong trào: “Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt suối băng ngàn; Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai; Đã đi là đến, đã đến là đánh thắng”. Các phụ lão thành lập “tổ bạch đầu quân” chuyên làm gậy, đan sọt và mũ rơm phát cho thanh niên tập luyện vào buổi tối. Có tối đi 5 - 10km; Đi từ làng nọ sang làng kia; Đường làng xóm, đường bờ ruộng, đường bờ mương để dễ thích nghi khi vào bộ đội.
Mỗi lần thanh niên Hòa Xá lên đường nhập ngũ, các bô lão lại trao cây gậy khắc dòng chữ: “Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân” thay cho lời nhắn trọn lời thề với Đảng với dân.
Tìm lại chiếc gậy trường sơn
Năm 1968, chiến tranh diễn ra ác liệt đơn vị Phùng Văn Quán đóng quân ở bản Hưng Thi (Hòa Bình), các cánh quân đi vào Nam đều đi qua đây. Một ngày trong rừng, Quán tình cờ nghe được bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” qua radio của đại đội trưởng. Phùng Quán vui mừng và biết rằng “gậy của mình đã về tới quê hương”.
Năm 1970, trong một trận chiến ác liệt, Phùng Quán bị thương và được gửi ra điều trị an dưỡng ở bến đò Cung (Nghệ An). Điều trị ở đó 3 - 4 tháng thì trở về Đoàn 200. Nhưng do vừa sốt rét, vừa bị thương, không đủ sức để tiếp tục trở lại chiến trường nên Phùng Quán được đơn vị cho xuất ngũ (ngày 5 tháng 12 năm 1970 âm lịch). Ngày trở về ông vâng lời mẹ, lập gia đình và sinh được 5 người con: Phùng Thị Vân Anh; Phùng Thị Yến; Phùng Quốc Truyền; Phùng Thị Bích Đạo và Phùng Quốc Phương.
Cuộc sống đè nặng đôi vai người cựu chiến binh thương tật với ảnh hưởng của chất độc da cam. Tích cóp mãi mới dám xây nhà, từ lúc đặt viên gạch xuống móng đến lúc hoàn thành, phải mất 10 năm (từ 1973 đến 1983). Rồi những năm hợp tác xã, bao cấp khó khăn khiến ông không còn tâm trí nghĩ đến "Chiếc gậy Trường Sơn" của mình nữa.
Cho đến một ngày, ông được biết, nhà truyền thống xã phải sửa chữa, 3 chiếc gậy Trường Sơn được đưa về cất tạm trong một căn phòng của Ủy ban xã. Nhớ đến chiếc gậy từng gắn bó với mình, ông ra Ủy ban tìm lại nhưng không thấy. Những lúc rảnh, ông lại lang thang khắp nơi để dò la tin tức về chiếc gậy, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Chỉ được biết trong 3 chiếc gậy, thì chiếc gậy của Đỗ Tít, Quân khu 3 xin về làm kỷ vật; Chiếc gậy tre của Tiến Long, tỉnh đội Hà Tây (cũ) xin về trưng bày ở bảo tàng.
Đến năm 2003, trong một lần cụ Dương (người hàng xóm) chống gậy sang nhà chị Phùng Thị Vân Anh chơi (con gái cả của Phùng Văn Quán). Chị cầm cây gậy, tẩn mẩn ngắm nhìn. Trên cây gậy cũ, bỗng chị đọc được những dòng chữ từng được nghe kể nhiều lần, đặc biệt ở phần trên cùng có khắc tên "Fùng Quán". Chị liền vội báo tin cho bố.
Nhận được tin báo từ con gái, ông lật đật chạy sang nhà cụ Dương xin cụ cho xem cây gậy. Rồi ông vội về nhà, tìm đẵn một cây trúc già làm chiếc gậy đẹp mang biếu cụ Dương và xin chuộc lại "Chiếc gậy Trường Sơn" của mình.
Sau nhiều năm lưu lạc, chiếc gậy trường sơn đã trở về với chủ nhân xưa. Ông coi chiếc gậy như một báu vật vô giá nên tự tay làm một chiếc bao bằng vải để bảo quản, chống mối mọt, bụi bặm. Mỗi lúc buồn vui ông lại mang ra để ôn lại kỉ niệm xưa với những năm tháng hành quân chiến đấu.
Văn Bình