Khám phá tiếp vẻ đẹp quyến rũ của Hà Giang (Bài cuối)

Hà Giang là một vùng đất đá cổ xưa vào bậc nhất của Trái Đất. Do đó, Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2010.

Đầu xuân Bính Thân lãng du lên cao nguyên đá Ðồng Văn là dịp để thử lòng can đảm bởi đèo cao vực thẳm. Nhưng đổi lại, chúng tôi được những ngày đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, được tận mắt chứng kiến những con người còn nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Chúng tôi được thả hồn trong tiếng khèn, tiếng sáo đầu xuân gọi bạn tình của những chàng trai dân tộc Mông. Có những bạn đồng nghiệp phải ngẩn ngơ khi rời xa chốn này. 
 
 
Du khách thích thú trước vẻ đẹp kỳ vĩ của “rừng đá” cao nguyên Đông Văn- Hà Giang. Ảnh: Internet
 
Cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng núi đá hiểm trở và hùng vĩ ở cực bắc Tổ quốc, cảnh đẹp tráng lệ và ấn tượng nằm cách thành phố Hà Giang hơn 150km theo quốc lộ 4C. Cao nguyên này ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm.

Điều hấp dẫn khi đến Cao nguyên đá không chỉ tận hưởng không khí trong lành vào sáng sớm tại Đồng Văn, lắng nghe từng nhịp đập của trái tim trên đỉnh cột cờ Lũng Cú- nơi địa đầu cực bắc Tổ quốc; thăm phố cổ thị trấn Đồng Văn gần như còn nguyên vẹn; chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng (Loạt bài viết phát trên Vanhien.vn trong dịp Tết Bính Thân) mà còn rất nhiều điểm quyến rũ du khách:
 
Núi Đôi
 
Núi Đôi là thắng cảnh nằm tại quốc lộ 4C, thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Du khách ghé qua không khỏi trầm trồ trước một tuyệt tác mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này. Giữa những núi đá trùng điệp là hai trái núi có hình dáng hệt như bộ ngực căng tròn của người thiếu nữ.
 
Xung quanh núi Đôi là những câu chuyện thuyền thuyết được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Một trong số đó là câu chuyện tình đầy cảm động của nàng tiên Hoa Đào và chàng trai H'mông tuấn tú. Hai người phải lòng, nên vợ chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh. Nhưng chính vì sự ngăn cản của Ngọc Hoàng mà Hoa Đào đã để lại đôi nhũ của mình nơi hạ giới cho con bú. Tương truyền, nhờ dòng sữa ngọt ngào ấy mà khí hậu nơi đây vô cùng mát mẻ, rau trái luôn xanh tươi.
 
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
 
Những thửa ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì là một trong những ấn tượng không thể bỏ qua khi tới Hà Giang. Cứ mỗi độ thu về, Hoàng Su Phì lại trở thành điểm hẹn của những người yêu du lịch, yêu cái đẹp mặc cho con đường tới nơi đây khá hiểm trở và khó khăn. Với hàng nghìn hecta ruộng bậc thang tuyệt đẹp trải dài khắp thung lũng, Hoàng Su Phì đã được công nhận là di sản quốc gia vào ngày 16/9/2012.
 
Dinh thự vua Mèo
 
Nằm tại thung lũng Sà Phìn, dinh thự vua Mèo chính là ngôi nhà quyền lực nhất vùng đất Hà Giang một thời. Công trình có lối kiến trúc nguy nga, bề thế ấy thuộc sở hữu của dòng họ Vương quyền quý và được xây dựng trong vòng 8 năm mới xong. Không chỉ vậy, dinh thự này còn tọa lạc ở vị trí đắc địa, trên vùng đất hình Kim Quy. Toàn bộ cơ ngơi dựa vào một ngọn núi cao đằng sau, còn phía trước mặt là núi Kim Tự Tháp hay còn gọi là núi Mâm Xôi. Do vậy mà khu dinh thự không bị ảnh hưởng trong những năm chiến tranh và được giữ lại gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.
 
 
Dinh Nhà Vương là điểm dừng chân thú vị khi ghé thăm cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Internet
 
Dinh thự vua Mèo được xây dựng theo kiến trúc cổ của Trung Quốc, có sự kết hợp giữa kiến trúc của người Mông và người Pháp. Toàn bộ dinh thự có ba cung là tiền cung, trung cung và hậu cung bao gồm 4 tòa nhà ngang và 6 tòa nhà dọc. Khu dinh thực này có tổng 64 phòng ở với gần 100 người sinh sống.
 
Năm 1993, dinh thự vua Mèo được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Kể từ đó, ngôi nhà đã tiếp đón hàng nghìn lượt khách tham quan trong nước và quốc tế. Hiện nay, người bán vé vào cổng là một cô cháu gái họ xa của vua Mèo.
 
Chợ phiên
 
Giống nhiều vùng núi khác, Hà Giang cũng có những phiên chợ hấp dẫn du khách ngang qua. Những phiên chợ ở đây chủ yếu là chợ lùi tức chợ họp luân phiên ngược lại các thứ trong tuần, ví dụ tuần này chợ họp chủ nhật thì tuần sau chợ sẽ họp vào thứ bảy, tiếp theo sẽ là thứ sáu... Có thể kể tên những phiên chợ hấp dẫn như chợ phiên trung tâm huyện Quản Bạ, chợ trung tâm huyện Yên Minh... và đặc biệt là chợ tình Khâu Vai (huyện Mèo Vạc).
 
Chợ tình Khâu Vai được họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Do chợ là nơi người ta tìm đến nhau sau một năm xa cách nên ban đầu nơi đây gần như không có người mua bán hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có người phục vụ đồ ăn uống. Hiện nay chợ đã phần nào bị thương mại hóa, trở thành nơi bày bán đủ loại sản phẩm.
 
Hoa tam giác mạch
 
Những cánh đồng tam giác mạch là nét đặc trưng tại Hà Giang. Từ cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 11 hàng năm là mùa khoe sắc thắm của hoa tam giác mạch, loài hoa đặc trưng của vùng cao núi đá Hà Giang. Vẻ đẹp quyến rũ của vùng địa đầu Tổ quốc làm trỗi dậy cảm xúc thăng hoa đối với những người đã quen cuộc sống đời thường nơi phố thị và đánh thức nỗi nhớ trong lòng những ai thích chinh phục bao điều kỳ thú của thiên nhiên.
 
Vùng đất biên cương này như thể khoác màu áo mới mỗi khi mùa hoa tam giác mạch về. Khi mới nở hoa có màu trắng, sau đó phớt hồng và chuyển sang đỏ lúc tàn. Hoa tam giác mạch nhỏ, có cánh chụm lại thành thành hình chóp. Với ba mặt tam giác, loài hoa này giữ một hạt mạch ở trong. Người dân Hà Giang thường lấy bột của quả tam giác mạch làm bánh hay trộn với ngô để nấu rượu.
 
Đó chính là khởi nguồn của ý tưởng lần đầu tiên tổ chức một lễ hội tôn vinh một loài hoa tại Hà Giang, thủ phủ của tam giác mạch. Lần đầu tiên Lễ hội hoa tam giác mạch đã diễn ra tại 4 huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc từ 12/11 đến 15/11/2015. Đây là thời điểm lý tưởng để du khách chiêm ngưỡng hoa và hòa mình vào những hoạt động văn hóa hấp dẫn tại lễ hội như: đêm hội rượu hoa tam giác mạch, trưng bày hoa và các sản phẩm từ hoa tam giác mạch, thi triển lãm ảnh về xứ sở của loài hoa tam giác mạch…thu hút rất đông du khách thập phương.
 
Bãi đá cổ, di chỉ khảo cổ: Cách trung tâm huyện Xín Mần khoảng 17 km, là quần thể những tảng đá có khắc những dấu hiệu trên đó mà theo các nhà khoa học, những hình khắc đó đã có niên đại 2.000 năm. Bãi đá có khoảng 7 phiến đá lớn và 2 cự thạch (tảng đá cực lớn) trên đó có khắc vẽ khoảng 80 hình đa dạng… Bãi đá khắc cổ là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà khoa học và du khách ưa khám phá, tìm hiểu lịch sử.
 
Đặc sản cháo ấu tẩu
 
Cái lạnh trên cao nguyên đá khiến người bản xứ mày mò tìm ra món ăn giữ nhiệt mang tên cháo ấu tẩu. Không giống những loại cháo thông thường, cháo ấu tẩu có vị đắng ngắt nơi đầu lưỡi khiến nhiều người phải lắc đầu. Thế nhưng càng ăn, vị đắng ấy càng hấp dẫn lại khiến ai nấy đều muốn ăn mãi không thôi.
 
Cháo ấu tẩu được nấu từ gạo nếp nương, chân giò lợn và củ ấu tẩu. Củ ấu tẩu mang về rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo một đêm sau đó đem ninh chừng 4 tiếng cho mềm và bở tơi. Sau đó phần ấu tẩu này được trộn cùng gạo và nấu trong nước ninh từ chân giò lợn. Tại một số nơi, ấu tẩu và chân giò lợn được nấu riêng. Khi có khách, chủ quán mới trộn phần cháo trắng và phần chân giò cùng ấu tẩu này lại với nhau.
 
Ấu tẩu là loại củ có tính độc, được người Mông trồng nhiều trên núi. Loại củ này thường được ngâm rượu để thoa ngoài da trị đau lưng hay nhức xương. Trước đây, củ ấu tẩu được dùng nấu cháo để giải cảm. Sau này cháo mới được cho thêm nhiều loại gia vị khác để trở thành đặc sản nơi cao nguyên đá.
 
.....
 
Du lịch, một ngành kinh tế đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho nhiều địa phương trong cả nước. Hà Giang muốn bắt kịp được với xu thế ấy dựa trên tiềm năng sẵn có của mình thì cần sự vào cuộc quyết liệt của nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và người dân.  Trước mắt, Hà Giàng cần tăng cường xúc tiến quản má hình ảnh và mời gọi đầu tư; đề ra chính sách kích cầu phù hợp để khuyến khích sự phát triển du lịch.
 
Dựa vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt, Hà Giang cần bắt tay ngay vào những công việc cụ thể: Hoàn thành trùng tu khu Phố cổ Đồng Văn, quy hoạch các điểm du lịch; chỉ đạo các cơ sở khai thác khoáng sản, thủy điện trên Cao nguyên đá trồng cây, tái tạo môi trường cảnh quan ở những khu vực đang khai thác; tiếp tục mời các nhà khoa học nghiên cứu, phát hiện thêm những di chỉ khảo cổ học đang tiềm ẩn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách; bảo tồn phát triển văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong ngành du lịch, mở các lớp tập huấn nấu ăn, lễ tân, học tiếng nước ngoài để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững. 
 
Trên cơ sở đó, Hà Giang phải khẩn trương khắc phục những câu chuyện bi hài vào những mùa du lịch cao điểm như mùa hoa Tam giác mạch, Chợ tình Khau Vai, mùa lúa ruộng bậc thang chín vàng... khách du lịch ngủ vật vã tại Phố cổ Đồng Văn vì các cơ sở lưu trú đã kín chỗ. Nhà hàng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu thực khách. Giá vé nhà xe tuyến Hà Nội – Hà Giang tăng, dịch vụ cho thuê xe máy tự phát không được kiểm soát, những điểm dừng chân vọng cảnh thưa thớt, sản phẩm du lịch đơn điệu... 
 
Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-tiep-ve-dep-quyen-ru-cua-ha-giang-bai-cuoi-a5058.html