Mộ cổ Đô thống chế Trần Công Lại và những giai thoại

Không chỉ đặc biệt ở kiến trúc lăng tẩm dành cho giới quý tộc triều Nguyễn, chủ nhân của ngôi mộ còn được truyền tụng là một vị quan khiêm tốn. Đó là ngôi mộ khoảng 200 năm tuổi của Đô thống chế Trần Công Lại (không rõ năm sinh - mất năm 1824) tại ấp Long Vinh, xã Long Thới, huyện Chợ Lách (Bến Tre).

Giá trị của mộ cổ
 
Trong quá trình khai quật mộ cổ ở Khu phố 2, thị trấn Chợ Lách, đoàn công tác của PGS.TS Phạm Đức Mạnh - Trưởng Bộ môn khảo cổ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh được nhân dân chỉ dẫn khám phá thêm 7 di tích cổ mộ hợp chất ngay trong địa bàn huyện, gồm: mả Bà Chu ở thị trấn Chợ Lách, tương truyền là vợ lẽ của Tả quân Đô đốc Quận công Chu Văn Tiếp (1738-1784) có tên trong “Gia Định Tam Hùng” phò Nguyễn Ánh hy sinh, được Chúa cho chôn tạm ở cồn Cái Nhum; 3 mộ gia tộc cụ Nguyễn Thành Sanh ở ấp Phụng Đức A, xã Phú Phụng; 3 mộ ở ấp Long Vinh, xã Long Thới, trong đó có Lăng Đô thống chế Trần Công Lại.

 
 
Mộ Trần Công Lại mang phong cách kiến trúc kết hợp truyền thống Việt và phương Tây hòa quyện các đặc trưng kiến trúc Phật giáo và Thiên Chúa giáo.
 
Theo PGS.TS Phạm Đức Mạnh, dù khác biệt về hình loại và quy mô nhưng các ngôi mộ trên vẫn có chung chức năng là “đặc quyền” dành riêng cho giới quý tộc Nguyễn có danh tiếng và tài lực toàn vùng này thời cận đại. Đặc biệt, lăng Trần Công Lại mang phong cách kiến trúc kết hợp truyền thống Việt và phương Tây, hòa quyện các đặc trưng kiến trúc Phật giáo, Thiên Chúa giáo.
 
Nằm riêng lẻ dưới tán cây lâu năm bên cạnh Quốc lộ 57, mộ cổ Đô thống chế Trần Công Lại ít người lui tới. Bên trong lăng mộ có nhiều mộ phần khác; cách sắp xếp cũng rất đặc biệt. Mộ ông Trần Công Lại được xây trang trọng ở phía trên cao nhất, kế tiếp là mộ vợ và sau là các con ông.    
 
Mộ cổ Đô thống chế Trần Công Lại hiện nằm trong khuôn viên Dòng Kitô Vua. Đại diện dòng tu này cho biết, mảnh đất mà Nhà dòng đang tọa lạc ở ấp Long Vinh do gia đình ông Trần Công Lại hiến vào khoảng thế kỷ 18. Thỉnh thoảng vẫn thấy có con cháu của ông Trần Công Lại về viếng thăm mộ. Thời gian qua, Nhà dòng vẫn giữ nguyên hiện trạng và vệ sinh sạch sẽ, đồng thời có phương án xây dựng lại hàng rào.
 
Vị quan khiêm tốn
 
Nhắc đến Trần Công Lại, nhiều người lớn tuổi ở Long Thới vẫn còn nhớ nhiều giai thoại hay về vị quan này. Chuyện về chàng thanh niên Trần Công Lại được lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân xã Long Thới. Ông Trần Văn Lẫm ở ấp Long Quới đã ngoài 60 tuổi nhớ như in những câu chuyện xưa do ngoại kể về người thanh niên tên Trần Công Lại.
 
Tương truyền làng An Lương xưa (xã Long Thới ngày nay) có một thanh niên rất khỏe mạnh, tuấn tú là Trần Công Lại, nhà chỉ có hai cha con, cha anh bệnh liên miên, nên anh phải đi làm thuê cho ông Cả Ngò (hay Cả Ngộ). Vườn ông Cả mênh mông chỉ mình anh là người làm vườn duy nhất. Rồi cha anh Lại qua đời, được chôn trên đất nhà nay là khuôn viên Nhà dòng thuộc họ đạo Cái Nhum. Sau ngày đó, anh Lại bỏ đi đâu không ai biết.
 
Một hôm có trát (giấy truyền lệnh của vua) về làng báo chuẩn bị đón đại quan. Làng khẩn trương bắc một cây cầu to qua một bãi bồi để đón quan, cầu được đặt tên là cầu Quan. Không ai ngờ rằng vị quan đó chính là Trần Công Lại. Trước ngày chính thức “vinh quy bái tổ”, quan âm thầm về làng, ăn mặc như một thường dân. Dân làng làm heo, bò chuẩn bị rước quan, anh Lại được giao nhiệm vụ xổ lòng heo, anh ra sông làm rồi mang lên bờ để đó, đi mất.
 
Hôm sau, Trần Công Lại áo mũ chỉnh tề về làng, ai nấy đều ngỡ ngàng và sợ quan phạt nhưng ông rất cởi mở và gần gũi với dân. Dân trong làng thường gọi ông là Quan Vinh trung, ông đốc thúc ban Hội tề (những người làm việc của xã) làm cầu, khai phá đường, đốn cây dựng trường học…
 
Hôm lợp trường học, quan đến xem, quan nói sai, hội tề biết sai cũng không dám cãi, mà làm theo lời; quan ăn vảy cá mè chiên vàng khen ngon, các hội tề lớn tuổi trong làng răng rụng gần hết cũng khen rồi trệu trạo nuốt vảy cá thật khổ sở…
 
Trước khi lên kinh, hội tề xin quan bảo ban vài lời. Quan cảm ơn sự tiếp đãi của ban Hội tề cùng dân chúng ở làng. Quan nói: “Tôi làm quan ở kinh đô, về làng chỉ là dân của làng thôi! Tôi chỉ mong các ông có lòng thương dân, lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, việc học hành, giảm tô, giảm thuế khi mùa màng thất bát, thiên tai. Không nên hà khắc, cậy quyền cậy thế, dung túng bè phái hung hiếp mà dân thêm khổ. Chăn dân cần phải có tâm, có nhận định sáng suốt. Chớ bợ đỡ cấp trên để củng cố địa vị. Không phải  biết ý kiến này là sai mà vẫn cứ làm cốt vừa lòng quan trên. Phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, nhận định đâu là đúng để làm, nhất là việc lợi ích cho dân làng. Khi xưa, tôi bần hàn, tôi nói đúng, các ông cho là sai. Bây giờ tôi nói sai, các ông nhất tề cho là đúng! Điều này khi về kinh tôi vẫn còn mang theo chút lo lắng cho dân chúng làng mình!”
 
Mộ cổ gia đình Trần Công Lại hiện đã được UBND tỉnh đưa vào danh sách công trình, địa điểm đề nghị bảo tồn theo quy định theo Quyết định số 59, ngày 11-1-2016 về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Theo Đồng Khởi Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mo-co-do-thong-che-tran-cong-lai-va-nhung-giai-thoai-a4903.html