Cho đến nay đã hơn 10 năm rồi mà tôi không thể nào quên được buổi sinh hoạt của các nhà báo vào chiều ngày 31/10/2003 tại câu lạc bộ báo chí (12 Lý Đạo Thành, Hà Nội), người ta nói chưa bao giờ ở đây trở nên đông đúc và sôi nổi như khi được nghe GS Hoàng Chương Tổng giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy NTDTVN nói về vẻ đẹp của nghệ thuật dân tộc – một đề tài mà hầu hết các thế hệ nhà báo trong câu lạc bộ đều quan tâm, đều hào hứng theo dõi và vỗ tay liên tục.
Bằng nghệ thuật nói có duyên với kiến thức nghệ thuật sâu rộng, GS Hoàng Chương đã chuyển tới những nhà báo có mặt hôm đó nhiều vấn đề tưởng chừng như đã cũ, như lịch sử và đặc trưng của nghệ thuật tuồng, chèo, múa rối nước.v.v…Những vấn đề đang đặt ra, đang được nhiều nhà báo quan tâm:
Tuồng có phải là cái bóng của hý khúc Trung Quốc không? – Tuồng truyền thống và tuồng hiện đại khác nhau cái gì và tiêu chuẩn nào để gọi chúng là nghệ thuật truyền thống? Tuồng, chèo, múa rối nước và nhã nhạc cung đình (Huế) có thế trở thành di sản văn hóa thế giới?. Diễn giả còn cho biết vì sao kịch Nô (Nhật) và Côn Khúc (Trung Quốc) lại được công nhận là di sản văn hóa thế giới, còn tuồng, chèo…Việt Nam lại không được đề xuất với UNESCO? Đây là vấn đề rất mới nên cũng được mọi người quan tâm. Bằng cách vừa nói chuyện vừa biểu diễn minh họa (hát, múa…). Là người sinh ra trên đất tuồng Bình Định, nhiễm tuồng từ bé GS Hoàng Chương đã làm cho người nghe dễ hiểu và bị cuốn hút từ đầu đến cuối. Bởi phần động, các diễn giả chỉ nói mà không diễn được nên dù có nói hay mà kéo dài cũng dễ làm cho người nghe buồn ngủ, hoặc nói chuyện riêng - Ở đây GS Hoàng Chương đã nói liên tục trong 2 tiếng đồng hồ không giải lao mà người nghe vẫn thích thú bởi lý luận và thực hành đã được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, nhiều hàm lượng thông tin giúp cho các nhà báo trong câu lạc bộ nhận ra được những giá trị của nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt có NSƯT, Võ sư Trần Hưng Quang (77 tuổi, cũng người Bình Định) một cộng tác viên đắc lực của Trung tâm BT&PHNTDT đã minh họa một số động tác đi ngựa, vuốt râu và động tác võ dân tộc (từ võ sang tuồng) cực kỳ hay nên càng làm cho buổi nói chuyện thật sự phong phú và hấp dẫn. Cũng cách làm này tại buổi tập huấn báo chí với nghệ thuật dân tộc do Bộ văn hóa tổ chức tại Tam Đảo, GS Hoàng Chương nói về Tuồng, NSND Minh Ngọc diễn minh họa đã giúp cho nhiều nhà báo trẻ hiểu được cái hay, cái đẹp của Tuồng. Rất tiếc là cách làm hay này lại không được tiếp tục. Như chúng ta biết, nghệ thuật sân khấu truyền thống, đặc biệt là Tuồng có tuổi đời nhiều thế kỷ, được nghệ nhân, nghệ sĩ nhiều thế hệ chồng sáng tạo, lại tiếp thu được một số yếu tố hay của hý khúc Trung Quốc nên đã trở thành nghệ thuật cổ điển và bác học, thành di sản quý của quốc gia, được các nước phương Tây hết sức ngưỡng mộ, năm đó đã mời GS Hoàng Chương sang thuyết giảng về Tuồng. Tại câu lạc bộ báo chí lần này GS Hoàng Chương đã cho các nhà báo thấy rõ hơn giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật Tuồng cụ thể là, trong Tuồng chứa đựng vô vàn cái hay, cái đẹp từ văn học, thơ ca đến nghệ thuật biểu diễn và âm nhạc, võ thuật.v.v…nhưng ngày nay không được giới trẻ yêu thích, vì nhiều lẽ, một là các đạo diễn học “tây” và các nhà văn ta đã biến tuồng gần với kịch nói, mất vẻ đẹp nguyên chất của nó như Bác Hồ đã nói là “Chớ có gieo vừng ra ngô”. Nguyên nhân thứ hai là thị hiếu của người xem (nhất là giới trẻ) bị cuốn hút vào nghệ thuật giải trí hiện đại, nên họ ngày càng xa cách với nghệ thuật truyền thống. Họ không hiểu được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống, rồi chê Tuồng, chèo là cổ lỗ, là khó hiểu, khó xem! Đó cũng là nguyên nhân làm cho tuồng, chèo thưa vắng khán giả. Món ăn ngon và giàu chất dinh dưỡng nhưng nếu không được giới thiệu kỹ càng thì chắc gì đã có người ăn! Nghệ thuật cũng vậy! Ở chỗ này, vai trò của báo chí rất quan trọng, nếu nhà báo am hiểu nghệ thuật truyền thống thì chính họ làm cho thế hệ trẻ cũng hiểu và yêu nghệ thuật truyền thống qua những bài viết hấp dẫn. Ngược lại, nhà báo cũng sính nghệ thuật giải trí mang màu sắc thương mại chỉ chẳng biết bao giờ nghệ thuật truyền thống mới được lên ngôi như thời hoàng kim của nó trong những năm 60,70,80 của TK20?.
Thiết nghĩ trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc, các cơ quan văn hóa, cũng như cơ quan báo chí, truyền thông cần quan tâm việc giáo dục thẩm mỹ, việc tuyên truyền giới thiệu vẻ đẹp của nghệ thuật dân tộc tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch…, đặc biệt chú ý khai thác tiềm năng ở những chuyên gia sân khấu dân tộc vừa am hiểu sâu nghệ thuật dân tộc, vừa có khả năng biểu diễn và truyền đạt thông tin nghệ thuật kiểu các GS Hoàng Châu Ký, Mịch Quang trước đây và GS Hoàng Chương hôm nay không những chinh phục các nhà báo ở Câu lạc bộ báo chí – Hội nhà báo Việt Nam mà còn chinh phục được những trí thức, sinh viên ở nước ngoài. Là một nhà nghiên cứu, nhà quản lý một cơ quan văn hóa dân tộc GS Hoàng Chương còn là một nhà báo có bài viết nhiều nhất về nghệ thuật dân tộc được đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí ở Trung ương và địa phương. Bộ trưởng giáo dục đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: Ông hiểu được những giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam qua những bài nói của GS Hoàng Chương trên đài phát thanh TNVN…Chúng tôi hoan nghênh Câu lạc bộ báo chí – Hội nhà báo Việt Nam đã đi đầu trong việc Tìm hiểu cái đẹp của nghệ thuật dân tộc và quảng bá nghệ thuật dân tộc qua báo chí, truyền thông./.
Lê Thu Hiền