30/01/2016 09:34
30/01/2016 09:34
Ca trù “đặc sản” du lịch phố cổ
Ca trù – Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đang dần trở thành một “đặc sản” dành cho khách du lịch phố cổ Hà Nội. Ngày càng nhiều khách du lịch đã dành ra khoảng 1 tiếng đồng hồ trong lịch trình thăm phố cổ của mình để được trải nghiệm và thưởng thức nghệ thuật ca trù – loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.

Điểm đến hấp dẫn
Tiếng đàn, nhịp phách cùng những âm thanh trong trẻo của những câu hát ca trù vang vọng trong không gian cổ kính, trầm mặc của ngôi đền Quán Đế (28 Hàng Buồm, Hà Nội). Các ca nương, kép đàn của Giáo phường ca trù Thăng Long đắm mình trong những câu hát “hồng hồng, tuyết tuyết”, từng bước dẫn dắt du khách trở về không gian ca quán xưa của nghệ thuật ca trù, để du khách hiểu thêm về một di sản văn hóa của Việt Nam.
Trước buổi hát, du khách được nghe giới thiệu sơ lược về nghệ thuật ca trù, về lịch sử phát triển, những thăng trầm của loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, du khách còn được hướng dẫn “luật” nghe ca trù, được tặng những tấm thẻ tre, để nếu bài hát nào nghe thấy hay, thì hãy “thưởng” ca nương bằng cách ném thẻ tre vào chậu phía trước.
Giữa buổi biểu diễn, du khách được dành riêng một khoảng thời gian để tìm hiểu và chơi thử những nhạc cụ được sử dụng trong ca trù như trống, phách, đàn tỳ bà, đàn đáy…
Ben Nemeth cùng bạn gái và Allison, du khách đến từ Mỹ lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch. Đây cũng là lần đầu tiên anh chị được nghe hát ca trù. Cả hai đều rất hào hứng với việc khám phá và tìm hiểu nhạc cụ trong ca trù. Allison thì thử sức với cây đàn đáy, còn Ben lại thích thú khám phá và trải nghiệm với những chiếc trống. Một du khách khác lại tò mò với nhịp sênh, nhịp phách… Cuối buổi biểu diễn, các du khách đều rất hài lòng, nhiều du khách còn luyến tiếc, nấn ná hỏi chuyện, chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ…
“Thật là tuyệt vời. Lần đầu tiên trong đời tôi được nghe hát ca trù. Tiếng hát của các bạn trong trẻo, làm rung động đến tận sâu trong trong tim tôi. Khi nhắm mắt lại, tôi hình dung ra những nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam ngày xưa. Đây là một trong những chương trình nghệ thuật ấn tượng nhất mà tôi được nghe”, Ben chia sẻ.
Nghệ nhân Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long, người phụ trách chương trình biểu diễn cho biết: Đều đặn một tuần ba buổi, vào các tối thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hằng tuần, Giáo phường Ca trù Thăng Long lại bắt đầu những canh hát của mình. Khán giả đến với các canh hát chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Đa số là khách lẻ, nhưng cũng khá đều đặn, thường từ khoảng trên 10-20 khách. Cũng có khi có công ty đưa cả đoàn 30-40 khách đến nghe.
Để ca trù thực sự đến với nhiều du khách
Nhớ lại những ngày đầu biểu diễn, chị Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long không khỏi băn khoăn, lo lắng vì không có khách đến nghe. “Thời kỳ đầu, nhiều hôm biểu diễn không có ai đến nghe. Nhiều hôm đào nương, kép đàn biểu diễn... cho nhau xem. Chúng tôi cũng rất lo lắng. Nhưng với những giá trị độc đáo, chúng tôi tin rằng dần dần, nghệ thuật ca trù sẽ tìm được chỗ đứng, và nó sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo với du khách” - nghệ nhân Phạm Thị Huệ chia sẻ.
Và sau một thời gian dài cố gắng, đến nay, lượng khách đến với các canh hát đã khá đều đặn. Một số khách sạn, công ty du lịch trên địa bàn cũng đã đưa ca trù vào tour tham quan phố cổ. Nhờ vậy, số lượng khách đến với các buổi biểu diễn tăng dần lên. Các chương trình biểu diễn của Giáo phường Ca trù Thăng Long đã trở thành một phần của văn hóa phố cổ Hà Nội. “Mỗi buổi biểu diễn, tôi thường dành thời gian trò chuyện với du khách, tìm hiểu xem cảm nhận của họ về bộ môn nghệ thuật này. Hầu hết du khách đều tỏ ra rất thích thú, họ nói rằng, đây là loại hình âm nhạc đặc trưng của Việt Nam, không giống ở các nước khác. Nhiều người còn ngỏ lời cảm ơn tôi vì đã gìn giữ nghệ thuật này, để họ có cơ hội được thưởng thức khi đến Hà Nội. Có đoàn giáo sư đến từ Phần Lan còn nói, khi về nước, họ cũng sẽ học tập mô hình này để phát triển âm nhạc dân tộc nước họ...”, nghệ nhân Phạm Thị Huệ cho biết.
Không chỉ ở đền Quán Đế, mà ở đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), vào các buổi tối thứ 4, thứ 6 và chủ nhật hằng tuần, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, do ca nương Bạch Vân làm chủ nhiệm cũng có buổi biểu diễn phục vụ du khách. Từ chỗ biểu diễn mỗi tuần một buổi miễn phí mà vẫn vắng, đến nay, dù có bán vé, lượng khách đến nghe ca trù cũng đều đặn và ngày càng đông hơn. Giáo phường Ca trù Thăng Long và Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đều đã tăng số buổi biểu diễn lên ba buổi/tuần. Giáo phường Ca trù Thăng Long diễn vào các tối thứ ba, năm, bảy, còn Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội diễn vào các tối thứ tư, thứ sáu và chủ nhật. Bước đầu có thu nhập, nên các thành viên, nhất là các bạn trẻ cũng yên tâm hơn để gắn bó với nghệ thuật ca trù.
Tuy vậy, nghệ nhân Phạm Thị Huệ cũng không khỏi băn khoăn, bởi số lượng khách đến nghe ca trù vẫn chỉ là khách lẻ, khách vãng lai, chứ chưa được các công ty chú trọng đưa vào trong tour du lịch. Để ca trù thực sự trở thành một nét văn hóa phố cổ, là điểm đến hấp dẫn du khách, rất cần có sự chung tay của các nhà quản lý văn hóa, du lịch, của các công ty du lịch trong việc tạo điều kiện và giới thiệu du khách đến thưởng thức loại hình nghệ thuật này.
“Nếu chúng ta có thể tạo điều kiện để du khách được thưởng thức âm nhạc dân tộc trong một không gian truyền thống, để du khách nghe, cảm nhận và hình dung ra những nét sinh hoạt văn hóa của người Việt xưa, thì nghệ thuật ca trù sẽ trở thành một điểm đến được nhiều du khách yêu thích, mỗi khi đến Hà Nội”, nghệ nhân Phạm Thị Huệ tin tưởng.
Theo Phương Phương (Báo Du Lịch)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ca-tru-dac-san-du-lich-pho-co-a4752.html