Công tác xây dựng nông thôn mới ở xã điểm Chi Khê

Trong dịp công tác ở huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) lần này cảm nhận đầu tiên với chúng tôi chính là bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự lan tỏa với đa số người dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp phần nào đáp ứng nhu cầu cho nhân dân. Và xã Chi Khê là một trong những xã như vậy.

Trao đổi với phóng viên, ông Lô Hồng Minh – Chủ tịch UBND xã Chi Khê chia sẻ: “Chi Khê là một trong hai xã được BCĐ xây dựng nông thôn mới của huyện lựa chọn là xã điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện dưới sự chỉ đạo sát sao của các phòng ban chuyên môn của huyện cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã đã triển khai thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” mang lại hiêu quả rõ rệt, thể hiện sự đoàn kết, chung sức hưởng ứng phong trào của nhân dân”.


Ông Lô Hồng Minh – Chủ tịch UBND xã Chi Khê

Ngay sau khi tiếp thu chủ trương ở huyện về UBND xã đã ra quyết định thành lập BCĐ, Ban quản lý đồng chí Bí thư làm trưởng ban chỉ đạo đồng thời phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát đánh giá. Chỉ đạo 13 thôn bản thành lập ban phát triển nông thôn, UBND xã ra quyết định để 13/13 thôn bản thực hiện.

Trong 5 năm đã đạt được một số kết quả rõ rệt, cụ thể, tỷ lệ đường bê tông nông thôn đạt 2/3 (tổng chiều dài đường nội thôn toàn xã theo quy hoạch là 23km, hiện nay đã thực hiện bê tông hóa được 16km. Trong đó làm đường giao thông bê tông theo chương trình nông thôn mới được 11,9km. Đường nội đồng tổng toàn xã có 32,3km đã làm bê tông được 331.8m.

Về tiêu chí thủy lợi, xã đã tập trung nạo vét, khắc phục một số khu vực xung yếu để đảm bảo nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất, tu sửa đập chắn Chằn nằn 150 triệu đồng vốn ngân sách huyện, huy động nhân công nạo vét 200 công, nạo vét kênh mương ở bản Lam Khê, tu sửa đập Liên đình, Chằn nằn… Hệ thống điện đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo an toàn, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn theo quy định.

Xây dựng cơ sở hạ tầng tổng vốn 7 tỷ 760 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 3 tỷ 460 triệu đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 600 triệu đồng, ngân sách xã 500 triệu đồng còn lại do ngân sách Tỉnh cấp. Làm đường giao thông, xây dựng được 3 phòng học, cổng bờ rào trường TH2, trường Mầm non, trường TH1, trụ sở UBND và công trình vệ sinh cơ quan, tu sửa các nhà văn hóa thôn bản, tu sửa cầu treo Lam Khê, làm mới cầu treo Bãi ổi.

Song song với xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội, xã cũng chú tâm thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhiều mô hình kinh tế đã được hình thành mang lại hiệu quả cao. Phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện mở các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt thực hiện các mô hình kinh tế như lớp tập huấn về trồng cỏ voi VA06 kết hợp nuôi bò sinh sản ở Lam Khê với 15 hộ tham gia mô hình. Lớp tập huấn về nuôi lợn thương phẩm kết hợp xây hầm Bioga ở Thủy Khê với 10 hộ tham gia, lớp tập huấn kỹ thuật trồng bí ở thôn Quyết Tiến… Hiện nay xã có 2 HTX sản xuất (HTX sản xuất cây con và HTX dệt thổ cẩm). Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 khoảng trên 14 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29% xuống còn 10,1%.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội cũng được chú trọng xây dựng, tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2010 đạt 62,6%, năm 2015 đạt 66,5%. 13/13 thôn bản đã có nhà văn hóa để sinh hoạt hội họp. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, 8/13 thôn bản đạt làng văn hóa. Chất lượng giáo dục – đào tạo cũng ngày được nâng cao, ¾ trường đạt trường chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục đạt 100%.

Theo ông Minh, trước khi chưa có chương trình nông thôn mới xã đạt 4 tiêu chí, gồm có hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội, giáo dục, bưu điện. Sau 5 năm thực hiện chương trình nông thôn mới xã đạt thêm 7 tiêu chí gồm quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, hình thức tổ chức sản xuất, nhà ở, lao động có việc làm thường xuyên.



 
Trạm y tế xã

Tuy nhiên, là xã miền núi điểm xuất phát thấp về hạ tầng, kỹ thuật thấp, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, sản xuất manh mún, kinh tế - xã hội của xã nhà còn thấp, đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, mức thu nhập thấp so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, nhận thức của một số bộ phận nhân dân có phần hạn chế, do hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới là một dự án nên còn trông chờ sự đầu tư của nhà nước, chưa tự giác trong thực hiện như hiến đất, giải phóng mặt bằng. Một số thôn bản trong thực hiện như làm đường giao thông, công tác quản lý còn hạn chế, việc huy động đóng góp kinh phí để làm đường một số thôn bản còn chia theo khẩu, dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo.

“Đặc biệt, một số tiêu chí cao khó thực hiện được như thu nhập bình quân đầu người, môi trường, giải quyết việc làm lao động trong lúc đó điểm xuất phát nền kinh tế huyện nhà nói chung và xã Chi Khê nói riêng còn khó khăn nên đề nghị cấp trên xem xét để có giải pháp thực hiện các tiêu chí đó. Xã cũng mong muốn đề nghị cấp trên cấp kinh phí để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới”, ông Minh kiến nghị.


Nguyễn Song

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cong-tac-xay-dung-nong-thon-moi-o-xa-diem-chi-khe-a4683.html