Giảm nghèo ở Lương Nghĩa

Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) là xã vùng sâu, tỷ lệ hộ nghèo cao. Chính vì vậy, công tác giảm nghèo ở nơi đây là một câu chuyện dài mà địa phương đã và đang tập trung thực hiện.

Năm 2007, xã Lương Nghĩa được chia tách từ xã Lương Tâm. Thời điểm ấy, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng nhờ những chính sách ưu tiên của nhà nước, sự hỗ trợ đồng bộ, kịp thời của địa phương, sự quan tâm của các hội, đoàn thể, nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Lương Nghĩa giảm dần qua từng năm. Nếu như năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 23,66% thì hiện tại đã giảm còn 16,15%. Ông Lương Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, chia sẻ: “Mặc dù chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng so với trước đây, đời sống người dân xã Lương Nghĩa đã có nhiều thay đổi. Điều đáng mừng là đa phần người dân nơi đây đã có chuyển biến trong nhận thức, có cách nghĩ, cách làm tích cực để vươn lên thoát nghèo…”.
 
 
Trồng hoa màu đã giúp gia đình bà Thanh có cuộc sống ổn định hơn
 
Một trong những hộ thoát nghèo bền vững điển hình ở xã Lương Nghĩa là gia đình ông Danh Quận ở ấp 10. Từ một hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, nhưng với tính cần cù, chịu khó, gia đình ông bây giờ đã có đời sống kinh tế ổn định và tiêu biểu trong việc chăm lo cho các con ăn học. Hai người con lớn của ông đã tốt nghiệp đại học. Ba người con còn lại của ông, một người đang học đại học, một người đang học cao đẳng và một người đang học trung học phổ thông. Ông Quận chia sẻ: “Sau nhiều năm trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp, đời sống khó khăn, tôi phải cầm cố 2 công đất ruộng. Năm 2010, tôi được nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để chuộc lại đất và 8 triệu đồng để xây dựng mô hình kinh tế. Với 2 công đất trồng hoa màu, mỗi ngày, gia đình tôi thu nhập ổn định 200.000-300.000 đồng”.
 
Không riêng gì gia đình ông Quận, nhiều người dân xã Lương Nghĩa đã thoát nghèo nhờ vận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của nhà nước vào các mô hình làm ăn hiệu quả. Bà Dương Thị Thanh, ở ấp 11, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có đời sống ổn định. Nhưng không may khi gia đình có người bệnh tật phải điều trị nhiều năm liền. Do vậy, tôi phải cầm cố 7 công đất, nên lọt vào danh sách hộ nghèo của địa phương. Năm 2011, được địa phương hỗ trợ vay vốn làm ăn, vợ chồng tôi quyết định chuyển đổi 2 công đất trồng lúa sang trồng hoa màu. Với sự hướng dẫn kỹ thuật của địa phương, hoa màu tôi trồng đều đạt năng suất cao. Mới đây, gia đình tôi thuê 1 công đất để mở rộng mô hình trồng hoa màu. Vợ chồng tôi cố gắng làm ăn và dành dụm để chuộc lại mấy công đất cầm cố trước đây”.
 
Có thể thấy rằng, công tác giảm nghèo của xã Lương Nghĩa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đời sống người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn của địa phương cũng dần khởi sắc. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây vẫn còn cao. Cho nên, công tác giảm nghèo vẫn là một trong những lĩnh vực mà xã sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới. Ông Lương Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của công tác giảm nghèo trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hỗ trợ hộ nghèo cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, địa phương sẽ vận động mạnh thường quân giúp đỡ những hộ nghèo bệnh tật để góp phần cho các đối tượng này có cuộc sống tốt hơn…”.
 
Theo NHƯ NGUYỆT (Báo Hậu Giang)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giam-ngheo-o-luong-nghia-a468.html