Phát triển nông nghiệp ĐBSCL: Tái cơ cấu thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu

Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ vững năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Trong khuôn khổ hội nghị Khoa học và Công nghệ về Nông nghiệp năm 2014 với chủ đề "Hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới" do Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức, các nhà khoa học tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL đặt trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với yêu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thiếu bền vững

Hằng năm, ĐBSCL sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực và đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước thu về ngoại tệ khoảng 1,5-2 tỉ USD/năm. Sản xuất thủy sản chiếm hơn 60% sản lượng cả nước và đóng góp khoảng 80% sản lượng xuất khẩu, thu về ngoại tệ hơn 2,5 tỉ USD/năm. Ngoài ra, ngành chăn nuôi, cây ăn trái, rau màu còn cung cấp một lượng lớn phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Nhìn chung, sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng, phục vụ cho nhu cầu của người dân trong vùng và cả nước, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khẩu, thu ngoại tệ, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho cư dân nông thôn. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Hòa, Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: "Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL giữ vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội song sự phát triển của vùng kém bền vững. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu tăng nhanh nhưng thu nhập của nông hộ không tăng theo tương xứng, thậm chí còn bị giảm ở những vùng sản xuất khó khăn vì bị nhiễm phèn, mặn. Khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn, kể cả ngay tại khu vực nông thôn ngày càng tăng. Trong tương lai, do hội nhập sâu vào WTO và đối mặt với thay đổi khí hậu tác động đến vùng ĐBSCL, trong bối cảnh khả năng thích ứng của nông dân còn yếu, đời sống người dân nông thôn càng gặp nhiều khó khăn".
 
 
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó dự báo trước làm giảm năng suất, chất lượng, gia tăng chi phí đầu tư của nông dân

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó dự báo trước làm giảm năng suất, chất lượng, gia tăng chi phí đầu tư của nông dân. Tiến sĩ Châu Minh Khôi, Trưởng Bộ môn Khoa học đất, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: "Trong quá trình canh tác nông nghiệp, do đáp ứng yêu cầu thâm canh, tăng vụ, việc sử dụng các loại phân bón, hóa chất độc hại khiến đất đai trở nên kém màu mỡ. Cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tác động của xâm nhập mặn làm cho việc canh tác gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông hộ và phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, cơ cấu mùa vụ lúa của ĐBSCL thường xuyên biến động gây khó khăn cho việc quản lý sản xuất nông nghiệp". Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL, nông dân cần bán nông sản còn doanh nghiệp cần mua nguyên liệu. Nhiều trường hợp, đôi bên đều muốn hưởng lợi nhuận cao nhất nhưng lại không "cùng hội cùng thuyền", liên kết thiếu tính bền vững. Lẽ dĩ nhiên, trong cuộc chiến tranh giành lợi nhuận này, nông dân luôn nhận phần thiệt thòi. Chuỗi liên kết lỏng lẻo, thiếu tính bền vững sẽ bộc lộ hàng loạt khuyết điểm trong sản xuất nông nghiệp khi hàng hóa sản xuất ra không có thương hiệu, chất lượng kém và không ổn định, giá bán và lợi nhuận thấp. Làm thế nào để tạo ra cơ hội gia tăng thu nhập cho nông dân theo hướng thị trường chính là yêu cầu đặt ra của chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL.

Thích ứng thị trường

Với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần tạo ra cơ hội để gia tăng thu nhập cho nông dân theo định hướng thị trường. Trong đó, nhà khoa học tham gia nghiên cứu, lựa chọn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu thị trường và phù hợp với từng vùng sinh thái. Chẳng hạn, để thích ứng với những thay đổi về điều kiện canh tác, khí hậu, Bộ môn Khoa học cây trồng, Bộ môn Di truyền giống thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ tập trung nghiên cứu, chuyển giao các loại cây ăn trái như quýt đường không hạt ở Phụng Hiệp-Hậu Giang, mô hình sản xuất chanh đạt chứng nhận Viet GAP tại huyện Cao Lãnh và huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, cải thiện năng suất vườn dừa ở tỉnh Bến Tre… Ở cây lúa có các công trình nghiên cứu về chọn tạo giống lúa đột biến chịu mặn thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Hay các mô hình chuyển đổi từ sản xuất lúa sang các loại cây trồng khác nhằm tăng tính đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho nông dân. Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, diện tích gieo trồng lúa của ĐBSCL khoảng 3,8 triệu ha, với việc canh tác lúa 3 vụ/năm sẽ đối mặt rất lớn với áp lực sâu bệnh. Vì thế, bên cạnh việc gieo sạ từ 3-4 giống lúa chủ lực/ vụ sản xuất, cần có những giống bổ sung, giống triển vọng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng sinh thái. Do đó, nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học về giống lúa, các kỹ thuật canh tác lúa cho nông dân vùng ĐBSCL là rất quan trọng. Đồng thời cũng cần có giải pháp để nâng dần chất lượng gạo Việt Nam để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
 
Khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia vào WTO, ký kết các Hiệp định thương mại như AFTA, TPP… bên cạnh thuận lợi về mở cửa thị trường xuất khẩu, hàng nông sản của ĐBSCL sẽ gặp phải sự canh tranh hết sức gay gắt; chất lượng hàng hóa, dịch vụ phải đạt các tiêu chuẩn của khách hàng, đảm bảo các yêu cầu về thời gian, khối lượng giao hàng… Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: "Vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải tập trung xây dựng nông thôn mới gắn chặt với đầu tư phát triển kinh tế vùng ĐBSCL theo hướng công nghiệp hóa và liên kết trong chuỗi giá trị từng loại nông sản. Để tăng khả năng thích ứng, sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL cần được tổ chức theo yêu cầu thị trường. Theo đó, cần chú trọng khai thác sản phẩm độc đáo của từng vùng sinh thái, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao".
 
Chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được Chính phủ và các ngành, từ cấp Trung ương đến địa phương phát động thực hiện sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Để nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển hiệu quả và bền vững, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Hòa, Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: "Các viện, trường, các cơ quan quản lý nông nghiệp thuộc các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần hợp tác chia sẻ thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như thảo luận về các cách thức tiếp cận mới trong giải quyết những vấn đề liên quan đến quá trình phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Đồng thời, cần tăng cường các chương trình hợp tác giữa các bên liên quan để hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp của toàn vùng theo định hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng ngày càng nhiều xã đạt tiêu chí nông thôn mới".

Theo Báo Cần Thơ Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phat-trien-nong-nghiep-dbscl-tai-co-cau-thich-ung-voi-thi-truong-va-bien-doi-khi-hau-a463.html