Nghĩa Hồng: Xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều khởi sắc

Nghĩa Hồng là xã miền núi của huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Mặc dù có xuất phát điểm thấp nhưng được sự quan tâm của tỉnh, huyện cộng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận từ phía nhân dân nên địa phương ngày càng có nhiều khởi sắc và đến nay xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Những ngày cuối thu có chút nắng vàng xen lẫn với chút se lạnh, cho nên người khách như chúng tôi đây có thể cảm nhận được sự đổi thay của mảnh đất này. Những con đường đất lầy lội nơi mà cách đây chưa lâu bánh xe còn trượt dài đã không còn, thay vào đó là những tuyến đường thẳng tắp đã được cứng hóa, bê tông hóa, tạo sự thuận tiện trong giao thông, giao thương; những mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, giúp nhiều gia đình từ nghèo khó trở nên khá giả; những công trình “điện – đường – trường – trạm” mới đáp ứng nhu cầu của nhân dân... Đó chính là những gì chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại cho người dân nơi đây.


Nhiều tuyến đường được bê tông hóa thuận tiện trong giao thông

Mặc dù tất bật với bộn bề công việc nhưng khi chúng tôi  bước chân vào, ông Đinh Văn Minh - Chủ tịch UBND xã tay bắt, mặt mừng tiếp chuyện. Nhắc đến sự đổi thay của địa phương, ông cười với sự khiêm tốn “có gì đâu”, nhưng trong nét mặt ấy đủ để chúng tôi nhận thấy được niềm vui và sự tự hào trong ông “Trong 19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới mỗi địa phương sẽ có cách thực hiện khác nhau và Nghĩa Hồng cũng thế, phương châm mà địa phương chúng tôi chọn để thực hiện đó là các tiêu chí có thể nâng cao thu nhập cho người dân, bởi nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng này”.

Những năm qua, các ngành đã tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo trên địa bàn, các giải pháp thực hiện đã được cụ thể hóa bằng những việc làm có hiệu quả như: Tập trung công tác giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động, hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ các nguồn giải quyết việc làm, ưu tiên mở rộng sản xuất kinh doanh dịch vụ nhỏ; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình với hình thức gia trại tại các xóm Hồng Thái; Hồng Lợi; Hồng Thọ… Nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao đặc biệt là mô hình trồng cây ăn quả có múi đem lại năng suất cao như vùng trồng cam Hồng Phú; Hồng Yên; Hồng Thắng…, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ được phát huy tối đa, ngành nghề đa dạng, do đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm hàng năm theo kế hoạch đề ra. Bình quân thu nhập đầu người năm 2011 là 14 triệu đồng thì đến năm 2015 ước đạt 25 triệu đồng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, sự hỗ trợ của cấp trên và đóng góp của nhân dân 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã đã tổ chức đầu tư nâng cấp làm mới được 30km đường xã, liên xã, đường trục thôn xóm, thôn xóm, ngõ xóm, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, 100% hộ gia đình sử dụng điện sáng, sửa chữa và xây thêm phòng học đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho đội ngũ giáo viên và học sinh trên địa bàn, 14/14 xóm có nhà văn hóa đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong xóm.

Tổng giá trị huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 – 2015 lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Qua chuyến đi thực tế tại cơ sở chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về sự tâm huyết của người dân đối với chủ trương xây dựng nông thôn mới. Điều đáng nói là, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng khi được kêu gọi ủng hộ, mở rộng đường làng ngõ xóm, người dân luôn sẵn sàng, hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí, ngày công. Trao đổi với một số người dân nơi đây họ đều có chung suy nghĩ: đóng góp tiền của, công sức xây dựng nông thôn mới trước hết là làm đẹp cho nhà mình, thôn, xã mình và cũng là trách nhiệm của người công dân với công cuộc đổi mới của quê hương.


Đậu Linh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghia-hong-xay-dung-nong-thon-moi-mang-lai-nhieu-khoi-sac-a4611.html