15/01/2016 07:47
15/01/2016 07:47
“Chúa đất” - giấc mơ làm người bình thường
Nhà văn Đỗ Bích Thúy nổi tiếng với biệt hiệu “Người đàn bà viết miền núi”, bởi địa hạt vùng núi phía Bắc dường như đã thuộc về chị, nằm trong tâm tưởng chị.
Tên tuổi Đỗ Bích Thúy gắn với “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Sau những mùa trăng”, “Ngải đắng ở trên núi”… Sau 20 đầu sách đã được phát hành, cuốn tiểu thuyết “Chúa đất” của chị tiếp tục đưa người đọc trở về với núi rừng thân thương của chị.
“Chúa đất” phôi thai từ cuộc trò chuyện của tác giả với một đạo diễn phim truyền hình và chỉ dựa vào gợi ý mơ hồ về truyền thuyết gắn với hiện vật là cột đá hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hà Giang. Sau đó, tác giả viết tiểu thuyết này trong một thời gian ngắn kỷ lục- 17 ngày. Câu chuyện kể về Sùng Chúa Đà- một bạo chúa ở vùng cao Đường Thượng có cuộc đời bất hạnh với bi kịch không thể làm đàn ông. Rơi vào trạng thái bế tắc, khó giải tỏa, khát khao được làm một người đàn ông bình thường, những bức xúc trong người Sùng Chúa Đà kết tủa thành tội ác, bộc phát thành những hành xử quái thai, ma muội và đen tối.
Trớ trêu thay, xung quanh ông ta là những người đàn bà, trong đó có Vàng Chở- một cô gái bản năng hừng hực tuổi xuân. Cái bản năng trong cô như cây ngải đắng, bất chấp mọi thứ, coi thường ngay cả mạng sống của mình để đổi lấy vài phút giây hoan lạc của tuổi xuân. Sùng Chúa Đà còn có một người vợ cả nhẫn nại cả đời âm thầm như cái bóng dâng cuộc đời cho chúa đất. Những thân phận dồn nén sau hàng rào dinh thự Sùng Chúa Đà, lấp ló trong khói thuốc phiện bí ẩn mờ tỏ.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy kể lại: “Theo truyền thuyết, Sùng Chúa Đà có một người vợ bé xinh đẹp, nhưng ông ta là người cực kỳ ghen tuông, không bao giờ cho vợ ra khỏi nhà. Cây cột đá được xem chính là công cụ hành quyết ghê rợn của Sùng Chúa Đà. Bất cứ người đàn ông nào dám trêu ghẹo vợ là ông ta sẽ cho treo lên cây cột đá có đục lỗ để nhét tay người vào, treo cho đến chết”.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho biết: “Tôi đọc một mạch cuốn tiểu thuyết này, không dứt ra được vì bị ám ảnh. Một truyền thuyết cách đây 200 năm, được phục dựng bằng ngôn từ tiểu thuyết trong một hình hài sinh động, nếu không có sự trợ giúp của trí tưởng tượng mãnh liệt, năng lực hư cấu vượt trội thì liệu tác phẩm để lại được những gì trong lòng độc giả? “Chúa đất” được viết bằng thứ văn đẹp, có nhịp điệu riêng, kiến thiết bởi những câu văn ngắn, hoạt”.
Đỗ Bích Thúy nói chị viết cuốn sách này với một niềm thương yêu vô tận cho những người đàn bà. Họ sinh ra không phải để đàn ông hành hạ, lấy làm trò vui. Đàn bà cũng có quyền ước mơ. Và đàn bà sẵn sàng chết để đánh đổi lấy cái gọi là hạnh phúc, cho dù nó chỉ đến trong chớp mắt.
Theo Mai An (Dân Việt)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chua-dat-giac-mo-lam-nguoi-binh-thuong-a4534.html