NSƯT - Đạo diễn Lê Thụy: Mười năm “Trang điểm ” cho Chuông vàng vọng cổ

10 năm là ngắn với một cuộc thi, nhưng với hành trình sáng tạo của một con người thì lại khá dài, và rất thử thách. Hành trình tiếp theo của CVVC sẽ tiếp tục có sự đồng hành của người đạo diễn tài ba này hay không, điều đó không còn quan trọng.


CVVC 10 năm nở hoa

Cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ (CVVC) được tổ chức đầu tiên vào năm 2006 với tên gọi đầu tiên là Ngôi sao VC truyền hình. Ra đời trong bối cảnh sân khấu cải lương của TPHCM gần như không còn hoạt động, cuộc thi đã tạo được một tiếng vang lớn và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của quí khán giả. Và trong suốt 10 năm, hoạt động thường niên của cuộc thi đã tạo cho đời sống sân khấu cải lương TPHCM một luồng sinh khí mới, đầy hào hứng và say mê. Cuộc thi không chỉ tìm kiếm được một đội ngũ hùng hậu các giọng ca trẻ bổ sung vào đội ngũ NS thành phố; mà còn tạo nên một phong trào, thu hút các bạn trẻ yêu mến bộ môn nghệ thuật này không quay lưng, bỏ mặc nó giữa làn sóng cuồn cuộn của những hình thức giải trí mới.

Với mục đích tìm kiếm và phát hiện những giọng ca hay, mới lạ, góp phần tôn vinh cho nghệ thuật Đờn ca tài tử nói riêng và sân khấu cải lương nói chung, đồng thời bổ sung thêm nhân tố mới vào đội ngũ nghệ sĩ cải lương cả nước; qua 10 năm, cuộc thi đã tìm được 9 gương mặt Chuông Vàng, 9 Chuông Bạc, và hơn 100 giọng ca mới, hay - từ hơn 8000 thí sinh tham gia dự thi. Những giọng ca ấy đã mang lại sự mới mẻ, trẻ trung cho những chương trình của Đài Truyền hình TP nói riêng và SKCL nói chung. Ngược lại, những thí sinh trưởng thành từ cuộc thi CVVC cũng đã có được hành trang khá tốt và những cơ hội để đến với nghề, chuyển từ văn nghệ phong trào sang con đường sân khấu chuyên nghiệp. 
 
Không phụ lòng mong mỏi của khán giả xem đài cũng như sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp, Chương trình Chuông vàng vọng cổ truyền hình được tổ chức mỗi năm một quy mô hơn, hấp dẫn hơn. 
 
Từ khu vực Nam Bộ, từ năm 2009, Cuộc thi đã mở rộng đến khắp các địa phương trên cả nước, tạo nên một dòng chảy xuyên suốt và thống nhất trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống đồng; thời kết nối tình cảm tri âm tri kỉ của người ca và người thưởng ngoạn trên khắp miền đất nước. Các thí sinh ở miền Bắc miền Trung đã đến, đã tranh tài thật vững vàng ở cuộc thi và đã đạt được nhiều giải thưởng trong đó có giải thưởng CV. (Nguyễn Văn Mẹo (Bình Định - CV năm 2011, Nguyễn Văn Đáng (Nhà hát CL VN- giải 3 - 2012), Nguyễn Minh Hải (Nhà hát cải lương VN - giải 3 - 2013), Nguyễn Thị Lý (nhà hát CL Việt Nam - giải 3, 2014)
 
Hành trình 10 năm, biết bao kỉ niệm buồn vui, và cũng có biết bao trăn trở, từ mục đích ban đầu là tìm kiếm, Đài truyền hình TPHCM đã thực hiện tiếp công tác duy trì, phát triển cho những tài năng non trẻ đó bằng sân khấu Ngân Mãi CV, biểu diễn định kỳ mỗi tháng, vừa phục vụ công chúng yêu cải lương, vừa là trường học để các thí sinh được rèn luyện, học nghề. Từ sân khấu Ngân Mãi CV và các chương trình khác của HTV, các thí sinh của CVVC đã dần trưởng thành, trở thành diễn viên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước; tiếp tục đạt được những giải thưởng cao khác và thành danh trên con đường nghệ thuật, như các nghệ sĩ: Hồ Ngọc Trinh, Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Trần Thị Thu Vân, Trần Thị Mỹ Vân…Và những gương mặt ấy thực sự là những đóa hoa đã khoe hương tỏa sắc trong vườn hoa nghệ thuật cải lương.
 

NSUT Lê Thụy – người “trang điểm” cho cuộc thi CVVC

Hành trình 10 năm của CVVC là một hành trình thú vị, hào hứng và đầy cảm xúc. Với mục đích cao cả của mình, cuộc thi đã chinh phục được tình cảm mọi tầng lớp khán giả, nhưng để hình ảnh cuộc thi luôn đẹp và tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng người mộ điệu, là nỗ lực chung của những người thực hiện chương trình, trong đó, vai trò quan trọng nhất thuộc về người Tổng đạo diễn. Và người đã gánh trọng trách ấy trong suốt 10 năm qua chính là NSƯT Lê Thụy.
 
Là một đạo diễn nổi tiếng của kịch truyền hình từ những thập niên 80 với những Nhật Xuất, Hải Thụy Bãi quan, Nhà Búp - bê, Có một điều đáng sợ, Vụ án kẻ đốt đền …. - những vở diễn đã góp phần không nhỏ trong việc đưa khán giả truyền hình đến với chính kịch và đặc biệt là những bi kịch mang tính đương đại. Và sau đó, anh là một đạo diễn nổi tiếng với các chương trình truyền hình trực tiếp và cầu truyền hình. Anh luôn xuất hiện trong mắt mọi người với hình ảnh một lãng tử phong trần, xù xì gió bụi, và những chương trình của anh luôn thể hiện sự khoáng đạt, lãng mạn như con người của anh. Và, ngay từ khi cuộc thi CVVC ra đời, khi đạo diễn Lê Thụy được phân công đảm nhiệm phần Tổng đạo diễn, mọi người hình như e ngại cho anh. Đối với một người con xứ Bắc, CVVCcó vẻ là một mảnh đất mới đầy thử thách. Nhưng ít ai biết rằng, mảnh đất ấy mới nhưng không phải là xa lạ, vì bản thân anh vốn rất yêu những gì thuộc về hồn quê, tinh hoa dân tộc. Và việc khám phá từng câu hò, điệu lý, từng cung bậc hò xự xang xê cống… để tạo nên những chương trình ngọt ngào bản sắc nhưng vẫn hiện đại, sang trọng.. là những trải nghiệm hấp dẫn đối với anh. Mỗi năm một ý tưởng, mỗi năm một thử nghiệm mới lạ.. anh như người họa sĩ say mê “trang điểm” cho cuộc thi những diện mạo, những màu sắc và những cung bậc khác nhau; để CVVC không phải chỉ là một cuộc thi tìm kiếm tài năng khô khan, đơn điệu mà là những đêm trình diễn nghệ thuật hoành tráng, ấn tượng, nhưng vẫn hài hòa giữa tân và cổ, giữa những ca khúc tân nhạc và những câu vọng cổ, những trích đoạn cải lương khiến khán giả luôn bất ngờ, tâm đắc. Chỉ sau 2 năm ra đời, CVVC đã mang đến cho anh giải thưởng Mai Vàng 2008 dành cho đạo diễn có chương trình truyền hình được yêu thích nhất. 

Phát biểu của anh về chương trình này và những điều anh tâm đắc khi làm chương trình.
 
10 năm là ngắn với một cuộc thi, nhưng với hành trình sáng tạo của một con người thì lại khá dài, và rất thử thách. Hành trình tiếp theo của CVVC sẽ tiếp tục có sự đồng hành của người đạo diễn tài ba này hay không, điều đó không còn quan trọng. Bởi lẽ chỉ cần nhắc đến CVVC, người ta vẫn sẽ nhớ như in về một Lê Thụy đầy năng lực, nhiệt huyết và sáng tạo. Một dấu ấn rất riêng của một đạo diễn say nghề và nghiêm túc với nghề. Có lẽ, những đạo diễn sau này sẽ phải cố gắng rất nhiều nếu tiếp tục đảm đương công việc của anh – một công việc lắm gian truân nhưng lại mang đến cho đời đầy những “hoa thơm trái ngọt” của một quá trình “ươm trồng” nghiêm túc, kiên nhẫn lẫn mồ hôi nước mắt .
 
(Hội NSSKVN)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nsut-dao-dien-le-thuy-muoi-nam-trang-diem-cho-chuong-vang-vong-co-a4527.html