Đìu hiu di tích

Địa phương muốn “đẩy” lên TP, còn TP không có nhiều kinh phí để trùng tu nên chỉ ưu tiên vài công trình cấp thiết

TP HCM hiện có 165 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó nhiều di tích đã xuống cấp nhưng kinh phí để trùng tu vô cùng eo hẹp. Một số công trình kêu gọi xã hội hóa thành công nhưng cũng chỉ như giọt nước giữa sa mạc khô cằn.

Người dân tự chăm lo

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia lăng Phó Tổng trấn Gia Định Trương Tấn Bửu (đường Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận) có gian thờ chính được trùng tu năm 2006, đến nay tiếp tục xuống cấp. Bên cạnh đó, những bức tường cổ bao quanh lăng mục nát đã lâu.

Chị Lê Ngọc Sương, người coi sóc lăng, cho biết một phần mái che gian thờ hư hỏng, mỗi khi mưa xuống đều bị dột, các vật dụng như lọng che, áo cũng rách nát hết. “Nhìn mọi thứ hư hỏng, chúng tôi muốn tu sửa nhưng do đây là di tích cấp quốc gia nên không thể đụng vô!” - chị Sương trăn trở.




Mộ của tiền hiền Tạ Dương Minh - Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố nằm tàn tạ trong khu dân cư đông đúc

Tại phường 9, quận Phú Nhuận, lăng thờ tướng Võ Tánh (danh tướng thời Nguyễn) ở hẻm 19 Hồ Văn Huê được trùng tu vào khoảng năm 2007, hiện tại cũng đã xuống cấp. Những cột chống lớn của gian thờ chính đều bị nứt toác. Bà Nguyễn Thị Bao, người quản tự lăng, cho biết ngói lợp gian thờ chính hư hỏng, bà báo lên UBND phường 9, phường cử người xuống sửa nhưng ít lâu sau, tình trạng này tái diễn. “Phường có xuống chống dột cho gian thờ 2 lần nhưng mưa xuống cũng y như vậy nên đã báo cáo lên UBND quận để giải quyết. Trùng tu cách nay mới 8 năm mà nó xuống cấp dữ tợn vậy đó!” - bà Bao kể.

Ngôi mộ “gió” của Võ Tánh (mộ không có xác do ông đã tự thiêu) do vua Gia Long cho xây dựng để tưởng nhớ công lao của ông với nhà Nguyễn cũng bị xuống cấp nhưng được ông Mã Văn Chung - người dân gần đó - thường xuyên vào chăm sóc. Ông Chung chăm sóc khu lăng tướng Võ Tánh từ lúc còn hoang sơ, đến nay cây cối mọc xanh mát như trong một công viên. “Hồi đó, tôi quét vôi lăng ông, sau này khá hơn thì sơn nước, còn giờ là sơn dầu, chỗ nào bể là do tôi đắp hết, hễ hư là tôi thuê thợ về sơn sửa, cổng vào khu lăng cũng do tôi sơn lại hết đó!” - ông Chung cho hay.

Hiện nay, những ngôi mộ cổ của các bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất Nam Bộ đa số đều bị hư hỏng nặng. Một số ngôi mộ nếu không có biển ghi rõ di tích kiến trúc thì dễ gây lầm tưởng là mộ hoang. Mộ tiền hiền Tạ Dương Minh là một trường hợp như vậy. Ông là người có công khai sáng vùng đất Thủ Đức, tên hiệu của ông được đặt tên quận Thủ Đức ngày nay. Hiện trạng của ngôi mộ nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc, không có vành đai bảo vệ bên ngoài di tích theo quy định. “Vì mộ sát nhà dân nên không tránh được tình trạng người dân thường xuyên xả rác, bỏ những chậu cây không dùng nữa lên khu mộ, thỉnh thoảng có người coi sóc mộ dọn dẹp sạch sẽ, ngày bình thường chẳng có ai nhang khói, vào dịp rằm mới có người tới viếng” - ông Thái Bá Cởi - tổ trưởng tổ dân phố 41, khu phố 4, phường Linh Chiểu nhà gần ngôi mộ - cho biết.

Khó kêu gọi xã hội hóa


Theo Trung tâm Bảo tồn di tích TP HCM, hiện trung tâm đã đề xuất TP cấp kinh phí sửa chữa khoảng 6 công trình di tích đang xuống cấp nặng. “Đề xuất là vậy chứ không biết có được duyệt không. Hiện kinh phí dùng để tu bổ các công trình rất ít, địa phương thì muốn “đẩy” lên TP, còn TP không có nhiều kinh phí để trùng tu nên chỉ ưu tiên vài công trình cấp thiết, còn lại địa phương phải tự lo hoặc kêu gọi xã hội hóa” - ông Trương Kim Quân, giám đốc trung tâm, cho biết.


Mộ của Phó Tổng trấn Gia Định Trương Tấn Bửu bị bong tróc nhưng người trông coi không dám tự ý tu sửa

Tuy nhiên, theo ông, việc kêu gọi xã hội hóa để có kinh phí tu sửa không nhận được sự quan tâm đồng đều của người dân. Một số vùng ven, người dân còn gắn bó với các di tích nên khi kêu gọi đóng góp kinh phí sửa chữa thì họ rất ủng hộ. Thế nhưng, trong nội thành, người dân không quan tâm. Chỉ có những di tích như chùa nhờ có tiền công quả của bá tánh mới trùng tu lại được hoặc như các hội quán của người Hoa, ban quản lý làm rất tốt việc vận động kinh phí để tu bổ di tích. Với những di tích lăng, mộ như lăng của Trương Tấn Bửu, Võ Tánh, Tạ Dương Minh kêu gọi tư nhân góp kinh phí tu sửa đã khó còn gặp thêm nhiều khó khăn khác. Theo đó, những hợp chất xây dựng mộ từ thời xưa muốn tu bổ phải tìm vật liệu tương ứng, phải tu bổ có khoa học để không phá bỏ hợp chất cấu tạo ban đầu của ngôi mộ. Vì vậy, chỉ có một số rất ít lăng mộ nằm ở khu vực ngay trung tâm như lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt mới được tư nhân đầu tư kinh phí tu sửa.

Theo các chuyên gia về trùng tu di tích, kêu gọi xã hội hóa để san sẻ gánh nặng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng phải tuân thủ theo quy định liên quan đến vấn đề kỹ thuật để không xảy ra sự cố các vật liệu thay mới cho công trình không tương đồng với vật liệu cũ.

Ông Nguyễn Tấn Trọng, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận Phú Nhuận, cho rằng vì ít người biết lăng mộ của các vị danh tướng xưa nên khi mộ xuống cấp khó kêu gọi xã hội hóa. Để làm được điều này còn tùy thuộc vào công tác giáo dục, quảng bá lịch sử các di tích ở mỗi địa phương tới các cộng đồng, các thế hệ trẻ. Trường hợp lăng của danh tướng Võ Tánh, ông Trọng cho biết quận sẽ đầu tư kinh phí để tu sửa vì sắp tới đây, TP sẽ xét duyệt lăng này là di tích văn hóa, lịch sử cấp TP.

Theo Người Lao Động

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/diu-hiu-di-tich-a4484.html