Những ngày đầu năm, dù tuổi đã cao nhưng NSƯT Minh Vượng vẫn tất bật đi diễn hài, song song với công việc giảng dạy ở Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội và nhiều trường khác.
Xem khán giả nhí như con - em
Hỏi chị có phải vì cuộc sống chông chênh mà muốn dành thời gian cho công việc để lấp đi những chỗ trống trong cuộc sống hay không, Minh Vượng cười, bảo: “Chị làm vì nghề, vì muốn sẻ chia tiếng cười cho những số phận không may mắn”.
Bên cạnh sân khấu học đường của chèo Hà Nội, Minh Vượng dành thời gian diễn cho làng trẻ em SOS, Trường Nguyễn Đình Chiểu, trong các bệnh viện, diễn hoàn toàn miễn phí. “Tôi dành nhiều thời gian để diễn cho các con, diễn mà rất thương, mắt cứ phải nhìn lên trần nhà, vì nếu nhìn vào đôi mắt trong veo của những đứa trẻ lại xót xa vì không biết tháng sau, năm sau, những đôi mắt ấy có còn trên cuộc đời này? Tôi đau đớn vì điều ấy. Bởi thế, cứ ai mời đi diễn từ thiện thì tôi lại đi, hoàn toàn không nhận tiền, miễn là không trùng giờ dạy của tôi ở Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội” - NSƯT Minh Vượng chùng giọng.
NSƯT Minh Vượng Ảnh: Ngô Bá Lục
Là người của sân khấu kịch Hà Nội, Minh Vượng từng nổi tiếng với những vai diễn gây ấn tượng dưới bàn tay đạo diễn của NSND Doãn Hoàng Giang. Được nhớ tên với vai cụ bà 80 tuổi trong vở “Hà Mi của tôi”, dù có một khởi đầu không mấy thuận lợi về ngoại hình nhưng Minh Vượng vẫn kịp ẵm về cho mình 2 HCV tại Hội diễn Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 1991 với 2 vai bà mối trong vở “Già kén”, Kiều Nhung trong vở “Vợ chồng dởm”. Nhắc đến Minh Vượng khán giả cũng nghĩ ngay đến một cây hài của “Gặp nhau cuối tuần”, “Gặp nhau cuối năm” với nét duyên thầm đầy ấn tượng.
Nhưng giờ Minh Vượng lại “tả xung hữu đột” với sân khấu học đường phục vụ khán giả nhỏ của Nhà hát Chèo Hà Nội như một trụ cột với “Ăn khế trả vàng”, “Khắc nhập khắc xuất”, “Cây đàn thần”... Hỏi chị đâu là lý do của sự thay đổi này, chị bảo tất cả đều là duyên. Với chị, chèo là tình yêu thầm kín. Năm 1971, Minh Vượng đã chọn chèo để bắt đầu sự nghiệp của mình nhưng sau đó vì nhiều lý do mà chuyển sang học Trường Nghệ thuật Hà Nội rồi đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội. Cái gì đã là duyên thì đi đâu rồi cũng quay về, năm 2011, chị trở lại với chèo, mãn nguyện, sung sướng được sống với một dàn diễn viên trẻ rất say nghề, đặc biệt là được hòa vào niềm vui của rất nhiều khán giả nhỏ.
Khỏi phải nói là chị vui đến thế nào trước phản ứng của những đứa trẻ. “Có khi mình đang diễn trên sân khấu, ở dưới khán giả hét lên “Ôi bạn Minh Vượng ơi, bạn đừng ác thế!”, hay khi diễn vai mà các bé thích xong, chúng ùa lên sân khấu khen “bạn diễn vai này tôi thích ghê cơ ấy…”. Đấy, thử hỏi mấy ai đã hơn 60 tuổi đầu mà được cháu mình gọi là bạn” - Minh Vượng hào hứng kể. Chị tâm sự: Khi mình không có con cái thì mình dồn hết tâm sức vào sân khấu thiếu nhi và luôn coi những khán giả nhí như con - em mình.
“Hàng cồng kềnh, dễ đổ vỡ”
Yêu sớm và nhiều mối tình song sau dự định kết hôn bất thành, Minh Vượng nói không với hôn nhân. Chị quan niệm ông trời chẳng cho không ai cái gì, con người ta được cái này mất cái kia. Bệnh tật đầy người, vừa bị thấp khớp vừa bị tiểu đường vừa bị tim mạch nên chị xác định cuộc sống cô đơn một mình từ năm 30 tuổi. Thời trẻ chỉ nặng 43 kg, sau này do thuốc và nội tiết thay đổi khiến chị tăng cân quá nhanh. Chị bảo bệnh tim và khớp quái ác khiến số thuốc Minh Vượng uống vào người còn nhiều hơn số cân nặng của cơ thể.
Dẫu vậy, chị không lấy đấy làm buồn. Với Minh Vượng, nếu ngoại hình xấu, ta hãy bù đắp bằng tính cách và lối sống. Biết đâu vì sự thiếu hụt tình cảm này mà chị được tổ đãi vì dồn hết thời gian cho sân khấu, cho việc biểu diễn. “Ngẫm ra, không gì hạnh phúc hơn trong một tuần, một tháng, một năm được thể hiện rất nhiều thân phận, câu chuyện. Như thế là tôi đã may hơn rất nhiều người” - nữ diễn viên nổi tiếng bộc bạch.
Sống lạc quan, vui cười nhưng thực sự, ẩn sau sự mạnh mẽ ấy là một con người rất yếu đuối. Minh Vượng thừa nhận chị là “hàng cồng kềnh, dễ đổ vỡ”. Chị dễ bị tổn thương, dễ xúc động.
Những người bình thường chọn cách san sẻ niềm vui với gia đình, còn Minh Vượng, khi đã nói không với hôn nhân thì niềm vui, nỗi buồn chị cất dưới đáy lòng. Chị thổ lộ: “Mình có 6 anh chị em, sau giờ diễn, giảng dạy, mình về với gia đình, mọi người đều yêu thương mình. Ở giữa các cháu, các anh chị, mình cũng ấm lòng. Nhưng nếu ai hỏi có cô đơn không thì thực lòng mà nói trong một ngày, một giờ, nỗi cô đơn luôn tồn tại. Mình không may mắn được làm vợ, làm mẹ nên mỗi khi đi đám cưới hay ngày nghỉ, có khi là tan buổi diễn, vợ đi cùng chồng, tình nhân đón tình nhân, mình thui thủi một mình, buồn chứ! Nhưng rồi nghĩ đến việc mình đem đến cho khán giả những tiếng cười và được khán giả yêu quý, mình nghĩ những gì đánh đổi không vô nghĩa”.
Theo Người lao động