Phan Đăng Lưu, nhà cách mạng tiền bối, một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, ông tham gia Hội Phục Việt, rồi trở thành đảng viên Đảng Tân Việt, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng này. Sau đó ông trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), được giao trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (Từ 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (3-1937), Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937-1940).
Phan Đăng Lưu - người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, khôn khéo, bản lĩnh, nhân văn, xả thân vì nghĩa lớn; ông còn nhà báo, nhà văn, một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, đạo đức và nhân cách của ông đã góp phần xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân ở một giai đoạn đầy vẻ vang, đầy bão táp, tạo tiền đề quan trọng tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Những cống hiến to lớn, xuất sắc của Phan Đăng Lưu; tấm gương cộng sản sáng ngời của ông mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, ra sức học tập, noi theo.
Kịch bản vở diễn cải lương được tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết ròng rã gần 1 năm qua, nhằm xây dựng hình tượng cộng sản Phan Đăng Lưu ở giai đoạn lịch sử rất khó khăn. Vở diễn có 7 cảnh với cảnh từ khi Phan Đăng Lưu là nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ về thăm nhà đến khi ông bỏ vị trí một viên chức trong bộ máy của thực dân, trở thành nhà hoạt động cách mạng; những hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu ở Huế, ở nhà tù Buôn Ma Thuột (1929-1936) đến khi ông chỉ đạo đấu tranh nghị trường, báo chí, văn hóa, tư tưởng ở Huế (1936-1939)…cuối cùng có tên Hừng đông tái hiện lại hình ảnh Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi về đến Sài Gòn, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng; kẻ thù đàn áp hết sức dã man; Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do…
Đạo diễn Triệu Trung Kiên bày tỏ, rất lâu rồi Nhà hát Cải lương mới dàn dựng một vở về đề tài đấu tranh cách mạng, xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản. Đạo diễn “Hừng đông” chia sẻ thêm, xây dựng vở diễn về đề tài cách mạng hết sức khó khăn, làm sao giữ được chân khán giả, làm lay động được khán giả. “Lãnh đạo và các nghệ sĩ cảm thấy đây là một trách nhiệm hết sức nặng nề và lo lắng không biết có thuyết phục được người xem hay không”.
“Hừng đông” có những yếu tố mới mẻ trong cách dàn dựng, trong đó đan xen nhiều loại hình nghệ thuật. Ngoài thế mạnh của cải lương, đạo diễn có mời một nhóm nhạc đường phố HUB xuất hiện trong vở diễn như một người kể chuyện và tham gia vào câu chuyện. Thông qua vở diễn, hồn cốt của người Việt, truyền thống văn hóa yêu nước, truyền thống cách mạng sẽ tác động lớn tới nhận thức của họ.
Vở diễn là không gian để các thế hệ đan xen, hòa quyện với nhau về nghệ thuật. Sẽ có rock, dân gian đương đại hòa quyện với cải lương. “Chúng tôi ban đầu cũng lo lắng sự phản cảm, nhưng khi vở đã hoàn thiện, chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi hai nghệ thuật tưởng chừng đối lập nhau lại rất hòa quyện và tạo nên vở diễn xúc động, dung dị”.
Người đảm nhận vai chính Phan Đăng Lưu chính là Quang Khải – chàng Ba trong “Chuyện tình Khau Vai” và Mai Thúc Loan trong “Mai Hắc Đế”. Ngoài việc ép cân, giảm tới 8 kg, Quang Khải còn tập trung rất cao cho vai diễn. Lời của nhân vật trong vở được Quang Khải tiết lộ là rất khó thuộc, khó nhớ và thường xuyên phải học kịch bản tới 2 giờ khuya.
“Hừng đông” là tác phẩm thứ ba sau “Chuyện tình Khau Vai” và “Mai Hắc Đế” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Đạo diễn đánh giá tác giả sau hai vở diễn đã thông thạo lối viết cho sân khấu cải lương, đầy đủ và chi tiết với hơn 100 trang có đầy đủ các dữ liệu lịch sử. Tuy nhiên, đạo diễn rất tiếc khi phải lược bớt đi 50 trang, vẫn giữ nguyên tinh thần xuyên suốt của vở diễn và những chi tiết nhất trong quá trình hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu.
Dù là vở diễn về đề tài đấu tranh cách mạng, hình tượng nhân vật cũng dung dị, mộc mạc, không có những lời máy móc, giáo điều. Theo đạo diễn thì xen kẽ trong vở diễn cũng có những phút giây ghen tuông, vợ chồng có phút giây hiểu lầm tạo nên sự trữ tình cho vở diễn.
“Hừng đông” sau khi công diễn vào tối 7-9/1, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ ghi hình và phát sóng trước Đại hội Đảng.
Theo Vnmedia.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hinh-tuong-chien-si-cach-mang-phan-dang-luu-len-san-khau-cai-luong-a4404.html