Đặc sản ẩm thực ngày Tết của người Sán Chay

Ẩm thực truyền thống của người Sán Chay đã trở thành đặc sản có sức hấp dẫn, thu hút và mời gọi du khách mỗi dịp Tết đến, xuân về.

 


Xôi ngũ sắc của người Sán Chay. Ảnh: Internet

Đã từ lâu, người Sán Chay coi Tết Nguyên Đán là một trong những ngày tết lớn trong năm. So với những ngày lễ khác thì trong dịp Tết Nguyên Đán, đồng bào Sán Chay có những tục lệ khác biệt cả về nghi lễ cúng bái cũng như sinh hoạt ẩm thực. Theo quan niệm của họ, đầu xuân năm mới là dịp để cầu thần linh, tổ tiên ban cho con cháu mọi điều tốt lành trong cả một năm, cũng là dịp để cả gia đình quây quần đoàn tụ nên họ sẽ nấu những món ăn đặc sắc nhất của dân tộc, trong đó không thể thiếu hai món: Xôi ngũ sắc và Bánh vắt vai.

Xôi ngũ sắc

Sự độc đáo trong món xôi ngũ sắc của người Sán Chay không chỉ ở nguyên liệu chế biến mà bao gồm cả sự cẩn trọng, khéo léo của người thực hiện. Về nguyên liệu, phải tìm và lấy được lá cây thau từ tháng 7 đến tháng 10, khi lá vừa đủ độ già. Lá cây thau được giã lọc lấy nước sẽ được màu tím. Màu xanh được lấy từ lá cây gừng; màu đỏ được lấy từ lá cây cẩm hồng hoắc cẩm tía; còn màu vàng được lấy từ củ nghệ hoặc quả dành dành. Đối với từng loại lá, quả, củ đều được nghiền kỹ, lọc lấy nước đặc để dùng. Riêng màu trắng là của chính thứ gạo nếp thơm của vựa nếp Phì Điền. Từng phần gạo được ngâm riêng với từng loại nước màu cho ngấm, trong khoảng 3 canh giờ ( khoảng 6-7 tiếng) thì cho vào chõ để đồ xôi. Khi xôi chín được cho vào khuôn đã có sẵn. Xúc xôi vào từng ngăn ô trong khuôn với 5 màu riêng biệt. 5 màu thường là: Đỏ, đen, trắng, vàng, xanh ( hoặc tím). Những màu tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Dân gian cho rằng, thưởng thức món xôi ngũ sắc là ngũ phúc lâm môn. Nếu khuôn bánh to bằng chiếc mâm thì có thể trang trí các hình và chữ nổi, bằng chữ Hán hoặc chữ Việt. Du khách một lần được thưởng lãm và thưởng thức món xôi ngũ sắc của đồng bào Sáy Chay thì mãi nhớ.

Bánh vắt vai



Đối với người Sán Chay, trong những ngày Tết, không thể không có bánh vắt vai trên bàn thờ tổ tiên. Trong dịp vui xuân, chơi hội, bánh vắt vai được coi là thứ vật phẩm tiện lợi cho các nam thanh nữ tú đường xa vui hát giao duyên. Để làm loại bánh này, nguyên liệu gồm có gạo nếp, đỗ xanh, đường, ngải cứu và lá chuối ( dùng cả tàu lá), những nguyên liệu vốn có sẵn. Gạo nếp vẫn phải là loại nếp Phì Điền nổi tiếng thơm ngon được nghiền nhỏ... Lá ngải cứu luộc bằng nước vôi trong cho bớt vị chát, đắng nghiền nhỏ, trộn cùng bột nếp. Bánh được làm bằng cách nắm viên, ở giữa cho nhân bánh đường, đậu xanh. Dùng tàu lá chuối tươi đã được hơ qua cho khỏi rách để gói. Bánh gói có hai múi vắt sang hai bên thành chiếc bánh, rồi cho vào luộc cách thủy khoảng 2 giờ là bánh chín. Bánh vớt ra, để cho ráo nước. Bánh được làm tách thành hai phần riêng biệt ở hai đầu, giữa thắt lại, có thể vắt vai đi lại nên bà con gọi là Bánh vắt vai.

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dac-san-am-thuc-ngay-tet-cua-nguoi-san-chay-a4393.html