Thi sĩ Nguyễn Lâm Huệ đã viết những vần thơ đầy cảm xúc như thế, trong một lần đến thăm Sơn Trà Tịnh Viên. Sơn Trà Tịnh Viên thuộc bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía Đông Bắc, đang là một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
Một không gian Việt thu nhỏ
Sơn Trà Tịnh Viên đầy sức hút bởi đây là nơi lưu giữ, bảo tồn các giống tre trúc duy nhất ở Miền Trung. Nơi đây hiện có khoảng hơn 100 giống tre trúc, trong đó có nhiều giống quý hiếm, đặc biệt là những giống có nguy cơ tuyệt chủng như giống trúc đen, trúc vuông.
Chủ nhân của Tịnh Viên là Đại đức Thích Thế Tường, người trực tiếp đi khắp nơi tìm tòi, đưa các giống tre về gây trồng tại đây. Theo lời của Đại đức, cách đây khoảng 10 năm, ông được một phật tử cúng dường cho 1 ha đất ở suối Đá để thực hiện tâm nguyện bảo tồn tre trúc của mình. Vậy là trong suốt 10 năm, từ những buổi đầu, thầy một mình không quản ngày hay đêm san lấp, xê đá, phát quang để biến chốn rừng rú hoang sơ thành một mảnh vườn bằng phẳng với cảnh quan đẹp đẽ như hiện tại.
Thầy Tường chăm chút cho từng góc trẻ
Thầy Tường kể lại, cái buổi đầu đó cái gì cũng khó: từ tìm sách nghiên cứu cách trồng, chăm sóc tre; đến chuyện thầy phải đi khắp nơi, từ Nam ra Bắc để tìm kiếm các giống tre; hay việc phải dựng bạt ở tam; nhiều khi hết gạo, thầy phải ăn mỳ tôm cả mấy tháng trời… Nghe ở đâu có giống tre gì, thầy liền khăn gói tìm đến. Có những khi may mắn lấy được dễ dàng, những cũng lắm khi gặp khó khăn, xin họ không cho, hỏi mua không bán, nhưng âu cũng là cái duyên, vì thành tâm mà lần nào đi, cũng không có chuyện Thầy phải tay không về.
Một mình sống trong một am nhỏ đơn sơ, vừa để tu hành vừa hàng ngày chăm chút cho những bụi tre. Trải qua hơn 10 năm gầy dựng, qua bao khó khăn và mệt nhọc, thành quả của thầy Tưởng là sự trầm trồ, ngưỡng mỗ của tất cả những ai đến thăm Tịnh Viên ngày nay.
Đến với Tịnh Viên, là đến với một góc Việt thu nhỏ, để hồn được thư thái với sự nên thơ, thuần khiết, xanh mát dưới những bóng tre, sự trong trẻo của hồ cá, tinh khôi của những bông sen trắng, hồng… Chính cái đẹp dung dị, gần gũi và mộc mạc ấy đã hút hồn nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Mỗi lần đến đây, cảm giác như được sống trong khung cảnh thanh bình của làng quê Việt, thấy lòng mình được an yên trước những bộn bề, lo toan của cuộc sống.
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
Là nơi duy nhất ở Miền Trung, cũng là 1 trong 2 khu bảo tồn các giống tre trúc ở Việt Nam, Sơn Trà Tịnh Viên được nhiều người yêu mến mệnh danh là nơi lưu giữ cái hồn của làng quê Việt. Nhưng hiện nơi đây còn khá hoang sơ, chưa được chăm chút bài bản. Đây cũng chính là trăn trở của thầy Tường.
Không gian xanh mát, đậm chất Việt ở Sơn Trà Tịnh Viên
Với nhiều dự định ấp ủ đã lâu, thầy muốn biến nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của Đà Nẵng ước vọng của thầy Tường đối với Sơn Trà Tịnh Viên không dừng lại là nơi tham quan đơn thuần, mà còn là nơi lưu giữ cái hồn cho văn hóa Việt, cho những ai quan tâm đến truyền thống; là nơi học tập nghiên cứu của sinh viên chuyên ngành đến nghiên cứu; nơi bảo tồn các giống cây thuốc nam bản địa (hiện có khoảng 200 loài cây thuốc nam ở Sơn Trà - Đà Nẵng). Nhưng cũng vì nhiều lý do, nên cho đến nay, thầy chỉ mới dừng lại ở việc trồng, chăm sóc các giống tre mà thôi.
Thầy tâm sự “trước kia có 1000 cái khổ, còn bây giờ chỉ vài cái khổ thôi, không đáng kể”. Cái thầy lo là sức khỏe ngày càng chóng đối, nhất là sau trận đau hồi đầu năm làm suy nhược cơ thể trầm trọng, khiến thầy mất hết giác quan, lo không đủ sức để tiếp tục các dự định. Đặc biệt, Sơn Trà Tịnh Viên của thầy Tường rất cần sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền để để điểm đến này ngày một được đầu tư bài bản và hấp dẫn hơn.
Nhiều người bạn khuyên thầy từ bỏ đi, vì quá khổ, quá cực. Nhưng vì tình yêu, vì nặng lòng với loài cây biểu tượng của văn hóa Việt này, thầy vẫn âm thầm một mình kiên trì cho đến ngày hôm nay. Khi thành quả lao động mệt nhọc của thầy bước đầu đơm hoa kết trái, được mọi người công nhận như bây giờ.
Tre trúc gắn bó mật thiết với người dân Việt, là biểu tượng cho văn hóa dân tộc từ bao đời nay. Hình ảnh lũy tre đầu làng từ lâu đã trở thành thứ ăn sâu vào tâm trí mỗi người con Việt Nam. Vì vậy việc duy trì, gây giống bảo tồn các giống tre trúc rất đáng quý, cần được quan tâm, ủng hộ, nhất là trong nhịp độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay. Sơn Trà Tịnh Viên - chốn thanh tịnh cho những ai muốn hiểu và yêu mến cái văn hóa thuần Việt như là một sự “đối trọng” với tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa của thành phố trẻ Đà Nẵng.
Căn nhà nhỏ đơn sơ của thầy Tường
Mong rằng, với những dự định tốt đẹp cho đời, cho người của thầy Tường sẽ nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền và người dân. Để thành phố Đà Nẵng không chỉ hấp dẫn du khách gần xa bởi những bãi biển tuyệt đẹp, những nhà hàng, khách sạn sang trọng mà còn cả những khu du lịch sinh thái thật gần gũi với thiên nhiên và con người; nơi lưu giữ cái hồn của nền văn hóa Việt Nam.
Thanh Nhàn