Huyền thoại về mộ "ông Vong" ở Long Thành, Đồng Nai

Dân gian vùng Long Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) truyền tụng rằng cái ụ gò mối lớn nằm trên một khoảng đất trống bằng phẵng cạnh con suối Cả mà nhân dân tôn kính gọi là: “Mộ ông Vong”.

Đó chính là một ngôi mộ tập thể chôn Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh đã anh dũng hy sinh trong những ngày đầu chống trả sự xâm lược của Thực dân Pháp. Năm 1994, mộ “ông Vong” được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch ) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Những giai thoại được kể ở xóm ông Vong

Bất cứ người dân Long Phước nào cũng thuộc lòng sự tích ly kỳ mộ “ông Vong”. Người lớn vẫn thường kể cho con cháu nghe sự kiện diển ra vào ngày 26-12-1861 được ghi vào chính sử và gắn liền với nhân vật lịch sử Nguyễn Đức Ứng (?- 1861).




Cái ụ gò mối mà dân gian tôn kính gọi là mộ “ông Vong”

Theo sử liệu thì vào ngày 17-12-1861, trước sự tấn công của quân Pháp vào thành Biên Hòa, đại quân của triều đình Nguyễn không chống cự nổi đành rút chạy. Chỉ sau một ngày khởi chiến, quân Pháp dễ dàng tiến vào chiếm thành Biên Hòa.

Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng là một võ tướng của triều đình Huế, trước đó được vua Tự Đức phái vào miền Nam để ngăn chặn đường tiến công như vũ bão của quân Pháp. Ông theo đường lối chủ chiến không chủ hòa, nhất quyết không chịu khuất phục của quân xâm lược nên ông đã sát cánh cùng nhân dân chống giặc cứu nước.




Tấm bia đá ghi bằng tiếng Pháp trên mộ “ông Vong” được cho rằng dựng từ năm 1936

Sau khi chiếm Biên Hòa, quân Pháp theo sông Đồng Nai tiếp tục tiến đánh Long Thành, phủ Phước Tuy (Bà Rịa). Nguyễn Đức Ứng đã trực tiếp chỉ huy lực lượng phòng ngự ở Long Thành. Ông tiến hành thu nhận quân sĩ từ Biên Hòa chạy về và cùng với lực lượng đông đảo nghĩa quân địa phương lập tuyến phòng thủ, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp từ hướng Biên Hòa xuống Bà Rịa.

Khoảng 9 giờ ngày 26-12-1861, cánh quân do đại tá Pháp Dominique Diego chỉ huy tiến vào huyện lỵ Long Thành thì bị nghĩa quân do Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng chỉ huy bí mật phục kích.




Bia tưởng niệm công đức Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh do huyện ủy Long Thành dựng vào năm 2010

Nhưng do lực lượng, vũ khí và hỏa lực của đối phương quá mạnh nên quân ta vừa tham chiến liền bị tiêu hao sinh lực rất nhiều đành rút dần về phòng thủ tại căn cứ. Đến chiều, Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng cùng một số nghĩa binh bị trúng đạn, các nghĩa binh phải khiêng ông rút sâu vào căn cứ chữa trị.

Do vết thương quá nặng, ngay trong đêm ngày 27-12-1861 (nhằm ngày 26-11 âm lịch), Nguyễn Đức Ứng đã trút hơi thở cùng với 27 nghĩa binh trong trận quyết tử cuối cùng với quân thù. Ông ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của các nghĩa sĩ và nhân dân.




Ngôi mộ Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh hiện nay

Sau khi Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh hy sinh, người dân đã bí mật tìm cách đưa thi hài ông và các nghĩa binh về an táng trong ngôi mộ chung trên gò đất cao ngay trong căn cứ. Bỗng vài ngày sau, tại đây đột nhiên ùn lên một ụ gò mồi rất lớn nên người dân cho rằng Lãnh binh hiển linh tạo cái gò mối nhằm che mắt quân thù.

Người dân vẫn thường kể rằng, vào những đêm thanh vắng, gió mát họ nghe rõ trong cơn gió lớn lao xao tràn qua, là tiếng quân hò reo, tiếng ngựa hí và tiếng va chạm binh khí ở ngay mộ Nguyễn Đức Ứng. Người ta nói đó là đoàn quân của Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng đi đánh trận trở về tụ họp. Từ dạo đó, nhân dân suy tôn Nguyễn Đức Ứng là “Thần Tướng” và kính trọng gọi là “Đức Ông”.




Sau khi trùng tu tôn tạo vào năm 2010, khu mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh toạ lạc trên khu đất tổng diện tích là 27.402 m2

Lão nông Huỳnh Văn Giỏi (86 tuổi), nhà gần ngôi mộ cho chúng tôi biết thêm rằng ngày xưa khu đất nơi có ngôi mộ chỉ là một cánh rừng vắng vẻ, ít người qua lại. Dần dần quanh khu vực mộ có nhiều người đến sinh sống, lập nghiệp hình thành nên “xóm ông Vong”. Người dân dựng một ngôi miếu nhỏ, ngay phía sau ngôi mộ để lấy chỗ thờ cúng Đức Ông và các nghĩa binh chu đáo.

Kiến trúc khác lạ và đặc biệt của mộ “ông Vong”

Lăng mộ Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh hiện tọa lạc trên Quốc lộ 51 thuộc ấp Đất Mới, xã Long Phước, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được trùng tu tôn tạo bề thế nhất vào năm 2010.

Điều đặc biệt dù là ngôi mộ của một vị võ tướng của triều Nguyễn nhưng kiến trúc mộ lại hoàn toàn không xây giống như lối truyền thống ở những ngôi mộ thường thấy. Trên phần mộ, có một tấm bia đá in dòng chữ bằng tiếng Pháp (mà không phải là chữ Hán): “ Ice ropose Nguyễn Đức Ứng. Lãnh binh de L Armeé Imperiale Tự Đức Décede le 26 Decembre 1861”.

Theo tài liệu lưu trữ của Bảo tàng tỉnh Đồng Nai thì vào khoảng năm 1936, có một người phụ nữ từ Sài Gòn đến tìm mộ, bà nói giọng Huế mặc trang phục theo kiểu tầng lớp quý tộc và tự xưng là cháu của Nguyễn Đức Ứng.




Ngày lễ giỗ chung được nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức thường niên trong hai ngày 26 và 27 tháng 11 âm lịch. Người dân sắm lễ vật hương đăng, trà quả đem ra mộ dâng lên Đức Ông và các nghĩa binh hết sức long trọng

Không rõ họ tên bà ta là gì chỉ biết rằng bà từ Sài Gòn đến nên người dân gọi là bà Năm Sài Gòn. Sau khi tìm được mộ, bà lập đàn cúng bái và thuê người xây dựng lại toàn bộ ngôi mộ hoàng tráng thay cho ngôi mộ đất.

Bà Năm Sài Gòn đã cho xây mộ theo cấu tạo khối lập thể hình thang, dạng kim tự tháp cụt, chiều cao 1.4 m, chiều rộng 4 m, các cạnh hình thang lại có góc nghiên 25 độ, , dựng xung quanh trên mộ là 8 trụ búp sen cao 1 m. Mộ được xây bằng chất liệu bê tông, xi măng, cốt thép chắn chắn.

Ngôi mộ được xây mới từ năm 1936 đã tồn tại nguyên bản đến tận hôm nay. Vài năm sau đó, người ta vẫn thấy bà Năm Sài Gòn trở lại cúng viếng vài lần nhưng qua nhiều biến cố của chiến tranh không thấy bà trở lại viếng mộ nữa.




Khách du lịch đi từ hướng từ Bà Rịa Vũng Tàu về TP.HCM trên Quốc lộ 51 thường ghé khu di tích lịch sử mộ “ông Vong” để tham quan và chiêm bái

Đến năm 1991 lại có một người xưng là con cháu cụ lãnh binh (không rõ họ tên) từ Huế vào tìm mộ và có gặp ông Ba Bạc, chủ nhân phần đất nơi có mộ Nguyễn Đức Ứng. Viếng mộ xong, ông ta xin phép trở ra Huế và hứa sẽ trở lại nên có để lại địa chỉ nhà của một người bà trên 90 tuổi là Công Tằng Tôn Nữ Thị Hy số 08 Đinh Bộ Lĩnh, Thành phố Huế.

Sau khi nhận được địa chỉ này thì Bảo tàng Đồng Nai đã gửi thư liên hệ nhưng bưu điện phúc đáp địa chỉ này không có người nhận. Có lẽ bà cụ xây mộ năm xưa đã qua đời. Và theo nhận định của một số người có thể bà Năm Sài Gòn năm xưa chính là bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Hy?




Tấm bia dựng bên Quốc lộ 51 để chỉ đường cho khách vào tham quan khu mộ

Như vậy, qua nguồn thông tin thân nhân trên cũng như tấm bia đá ghi chữ bằng tiếng Pháp năm 1936 và họ là Công Tằng Tôn Nữ trong địa chỉ phần nào giúp cho các nhà nghiên cứu khẳng định rằng Nguyễn Đức Ứng là thành viên của gia tộc Nguyễn Đức. Tuy nhiên, trong danh mục các quan viên triều Nguyễn có rất nhiều vị mang họ Nguyễn Đức, nhưng lại không thấy tên danh tướng Nguyễn Đức Ứng (?).

Điều này có gì uẩn khúc vẫn đang chờ các nhà nghiên cứu lịch sử làm sáng tỏ thân phận của một nhân vật lịch sử Nguyễn Đức Ứng “sinh vi tướng” ở đất Huế cố đô và đã “tử vi thần” ngay trên mảnh đất Đồng Nai.

Theo Trí Trường (Công An TPHCM)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huyen-thoai-ve-mo-ong-vong-o-long-thanh-dong-nai-a4319.html