Độc đáo du lịch ghe xuồng miền Tây Nam bộ

Du lịch của miền Tây Nam bộ nói chung, ở Vĩnh Long nói riêng đang từng bước khởi sắc từ “sản vật” là cảnh trí quê hương sông nước. Vào những ngày này, nhiều đoàn khách du lịch cả ở trong và ngoài nước khi đến Sài Gòn đều tìm về các tỉnh miền Tây, trong đó Vĩnh Long là điểm đến đầy hấp dẫn.


Vài năm nay khách du lịch về miền Tây, hỏi thăm người dân, đa phần đều tỏ sự tiếc nuối khi... không có lũ về. Tôi cũng từng qua vùng quê của nghệ sĩ Thanh Bạch, tại Long Hồ - Vĩnh Long, qua trò chuyện, bà con cũng tiếc nuối, bởi lũ về kéo theo hàng đàn các loại cá sông từ đầu nguồn về hội tụ sinh nở, mà nhất là món canh chua cá linh đầu mùa nấu bông súng.

Những ai đi xa khi trở về, khi ngồi xuồng máy dạo một vòng quanh sông Tiền sang sông Hậu ở miền Tây Nam bộ, lại thấy lâng lâng vui với hình ảnh độc đáo của chợ nổi trên sông, vốn có từ bao đời mà đến nay vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa của vùng sông nước. Bao sản vật đồng quê mà bà con ta làm ra, đưa lên mặt sông, cứ gọi là mua bán tấp nập từ sáng tới chiều. Xuồng, ghe ở miền Tây từ thuở nhỏ đã trở thành hồn thơ lưu mãi với con người vùng sông nước qua những năm tháng. Nhớ, như nhà thơ Nguyễn Bá ở TP.Trà Vinh mỗi khi nhớ nhung quê nhà phải thốt lên rằng:


“... Những hột cát liền nhau thành xứ sởThành những ven sông, bến chợ, sân trường...”

Rất nhiều du khách quốc tế khi đến thăm dòng sông Hậu, ra đến chợ ngã ba sông Trà Ôn (phía Vĩnh Long) trên dòng sông Hậu, hay đi tàu khách đến thăm cảnh trí xuồng ghe, đều cảm nhận môi trường nơi đây thật thơ mộng. Trên cả một khúc sông rộng lớn, các chị em gái từ bên Trà Ôn và bên kia Cần Thơ sang, bao năm nay vẫn mua bán hàng hóa như bao cửa tiệm trên bờ. Hàng hóa chợ nổi rất phong phú, từ ít tiền như trái cây, rau màu, cá (đủ loại cá nuôi, cá đồng, cá biển...) đến những món hàng giá hàng triệu như máy điện tử, thậm chí cả vàng và hột xoàn cho các cặp nam nữ thanh niên chuẩn bị làm đám cưới, đủ cả.



Du lịch miệt vườn.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) nổi tiếng từ lâu đời, có nhiều mặt hàng trong sinh hoạt, được nhân dân các vùng xung quanh đến buôn bán hàng ngày. Đây cũng là chợ nổi họp thường xuyên trong mỗi ngày, đáp ứng đầy đủ nhất các loại hàng hóa cho bà con vùng sông Hậu. Môi trường tại chợ nổi dù đông người tụ hội mỗi sáng, hay chiều về, nhưng dòng sông xanh càng làm cho khung cảnh của vùng sông nước lưu luyến mỗi khi có dịp ngang qua.

Chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long) càng độc đáo hơn, nằm ngay ngã ba dòng sông, đất thị trấn Trà Ôn của một huyện là vựa lúa và trái cây có tiếng Trà Ôn. Có lần tôi về thăm xứ chợ nổi này, mượn con đò ra ngoài thăm chụp vài kiểu ảnh, chỗ bà con ta buôn bán giữa sông Hậu. Ông bạn viết Từ Hoàng Đương, quê Trà Ôn, nói vui: “Nhà báo đi chợ mà không ra nhậu giữa chợ là về không ổn đâu nghe?”. Tôi nói với bạn, ở Sài Gòn mà có chợ giữa sông thế này, là chị em đua nhau ra bán mồi và rượu cho mấy bác, mấy anh tận khuya kìa; còn đây có cô nào bán mồi giữa chợ sông cho khách xa cũ về thăm không?

Chợ nổi quê hương Trà Ôn thật là tình tứ. Người dân trao đổi hàng hóa qua chiếc xuồng, chiếc ghe nhà mình, ít khi nào tranh cãi nhau, hay to tiếng với nhau. Hàng thì cũng đủ chủng loại, hàng ăn uống, hàng trái cây tại chỗ trồng, hàng quần áo người lớn, trẻ em... kể cả những hàng cao cấp như vòng kiểng cho phụ nữ làm đẹp... Thật là hình ảnh thôn quê ta ít có thấy ở miền Bắc, hay miền Trung, mà du khách nước ngoài khi về Vĩnh Long không thể không đến tận hưởng hàng hóa trái cây, thức ăn trên các con đò giữa chợ giữa sông...

Cảnh sống trên ghe xuồng cũng nhiều ý vị từ thuở xa xưa. Các cụ già đã quen cảnh sống trên ghe, xuồng... Khi các cụ có buồn thì rủ bạn già xuống xuồng nhậu vài ly rượu nhà tự cất, hay nhâm nhi ly café với những bài ca vọng cổ trữ tình trên sông, câu ca chiều về cứ đọng lại trên mặt nước dâng lên cho lòng già với lòng trẻ gắn lại nhau. Còn bọn trẻ mới lớn, chúng sống với cha mẹ ở xuồng ghe, nô đùa, tắm sông tập bơi lội, đi học trên chiếc ghe xuồng...

Và, đẹp nhất là mỗi cảnh chiều khi mặt trời sà xuống bên kia sông, nhìn các cô nữ sinh với quần áo dài thướt tha chèo xuồng qua sông về nhà, nếu ai có nhìn thấy thì chân khó bước đi nổi. Cảnh mà ta dễ thấy, khi các cô đi qua vùng có chợ nổi, ai lại không khỏi quên mua vài trái mận, vài chùm me chua ăn thử liền trên sông; rồi các cô nữ sinh ngồi xuồng, vừa chèo xuồng về khi tan lớp, sóng lướt nhẹ trên bờ sông trở về, vừa vui vẻ bạn học trao đổi... bài vở ngày nay, ngày mai... ngay trên xuồng ghe.

 Với ai lớn lên, đi về chợ nổi vào mỗi sáng, mỗi chiều thì ghe xuồng miền Tây sông nước từ xa xưa đã như là bạn nối cố tri ân, của bao lớp trẻ cũng như khi có tuổi đã về già... sống vui vầy cùng con cháu dài lâu, để tận hưởng những cảnh khó quên của xứ sở miệt vườn sông nước Nam bộ.  

Theo Phạm Bá Nhiễu (Lao động và Xã hội)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/doc-dao-du-lich-ghe-xuong-mien-tay-nam-bo-a4280.html