Chùa cổ đất phương Nam

Ở Đồng Nai, chùa Đại Giác cùng với chùa Bửu Phong và chùa Long Thiền là ba ngôi chùa cổ được xây dựng khang trang, trên đà phát triển rất thịnh vượng, quy tụ nhiều phật tử. Chùa Đại Giác còn được gọi là Đại Giác cổ tự hay chùa Phật lớn được xây dựng từ thế kỷ 17. Theo tài liệu còn lưu tại Giáo hội Phật giáo thành phố Biên Hòa thì chùa Đại Giác do Tổ sư Thành Đẳng, người Quảng Ngãi khai sơn.


Tương truyền rằng Đại Giác cổ tự ban đầu là ngôi chùa nhỏ, thấp, vách ván, cột gỗ, lợp ngói âm dương. Chùa Đại Giác bắt đầu được nhiều người biết đến kể từ sau sự kiện năm 1779, khi ấy công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh (công chúa thứ ba của Nguyễn Ánh) trên đường chạy trốn anh em nhà Tây Sơn đã đến trú tại ngôi chùa này. Sau này, khi Nguyễn Ánh lên ngôi nhớ ơn ấy ban chiếu chỉ trùng tu ngôi chùa: dựng lầu chuông, xây lại chánh điện, giảng đường…

Đến năm 1820, Minh Mạng lại cho tu sửa, sơn phết lại toàn bộ phía trong chùa và mở rộng thêm chùa về phía Bắc. Nhân sự kiện này công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng dường 1 tấm hoành phi sơn son thếp vàng đề 3 chữ “Đại GiácTự”. Đây là hiện vật được xem là quý hiếm và có giá trị văn hóa.

Trải qua nhiều lần tu sửa trong thời gian gần 4 thế kỷ cùng với thời tiết, khí hậu, chiến tranh và sự tác động của con người, chùa Đại Giác giờ đây đã được xây dựng trên vùng đất bằng phẳng, rộng khoảng 3.000m2, được xây dựng khang trang, có tường rào bao quanh. Dấu tích của ngôi cổ tự giờ đây thay đổi ít nhiều. Song, chùa Đại Giác cũng minh chứng cho sự hiện diện của người Việt có mặt ở đất Đồng Nai từ rất sớm, trước khi chúa Nguyễn quan tâm đến vùng đất Đàng Trong, có nghĩa là người Việt đã có mặt ở đất Đồng Nai trước khi nhóm khai khẩn Trần Thượng Xuyên đến (1679), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phía Nam (1698).

Hiện nay, nằm trong tuyến du lịch trên sông Đồng Nai tham quan Cù Lao phố, Trung tâm văn hóa du lịch Bửu Long, làng bưởi Tân Triều, Văn miếu Trấn Biên… thì chùa Đại Giác nằm trên đất Cù Lao phố là điểm đến đầy thú vị. Mỗi năm chùa Đại Giác đón nhận hàng ngàn lượt khách đến tham quan, đông nhất là vào các dịp lễ Phật Đản và ngày giỗ tổ 2 – 3/ 9 âm lịch hằng năm.

Chùa Đại Giác cũng đã được Bộ VHTTDL xếp loại di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Theo Minh Cường (Báo Du Lịch)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chua-co-dat-phuong-nam-a4158.html