Nhà văn Trần Nhã Thụy: “Các tác giả trẻ nên bớt thời gian chém gió trên facebook, quán nhậu...”

Là nhà văn trẻ và xông xáo, có nhiều tác phẩm gây ấn tượng với bạn đọc, Trần Nhã Thụy vừa được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn TP. HCM kiêm Trưởng ban nhà văn trẻ. Anh dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi xung quanh vấn đề văn học và tác giả trẻ cùng định hướng hoạt động của ban này.

- Đang đảm nhiệm Trưởng Ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP. HCM, những hoạt động của Ban này sẽ hỗ trợ gì cho văn trẻ và các tác giả trẻ, thưa anh? 

- Tôi được trúng cử vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP. HCM khóa VII (2015 - 2020) rồi được bỏ phiếu bầu làm Trưởng Ban kiểm tra. Còn chức Trưởng Ban nhà văn trẻ  là do Ban Thường vụ Hội phân công. Công việc này sẽ kéo dài suốt 5 năm, mỗi năm có từng chương trình cụ thể, nói ra thì dông dài, và cũng có thể là “nói trước bước không qua”. Cho nên, tôi quan niệm là cứ làm, vừa làm vừa lắng nghe, học hỏi. Tuy nhiên, có thể chia sẻ với anh là: Công việc của Ban nhà văn trẻ chủ yếu mang tính phong trào (về chuyên môn đã có các ban khác) như: Hỗ trợ kinh phí in ấn tác phẩm cho tác giả trẻ (kể cả chưa phải hội viên); hỗ trợ quảng bá tác phẩm mới; phối hợp tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác… Bên cạnh đó, Ban nhà văn trẻ cũng có vai trò tư vấn cho Ban chấp hành trong việc xét và trao giải thưởng hằng năm, đặc biệt là giải thưởng Nhà văn trẻ (dành cho các cây bút tuổi dưới 30); tổ chức Sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam… 

Nói chung là rất nhiều việc, nên tôi phải “vận động” rất nhiều anh em trẻ cùng tham gia. Nhân tiện cũng nói luôn, công việc mà chúng tôi làm hoàn toàn không có lương hay thù lao. Đây là việc làm… vô tư lợi, nếu không tâm huyết, nếu có cái tôi cá nhân bự chảng thì chắc khó lòng làm được. 



Nhà văn Trần Nhã Thụy - Ảnh do nhân vật cung cấp

- Những người quan tâm đến văn học và tác giả văn học trẻ cho rằng, giới trẻ giờ ít quan tâm đến văn học, đời sống văn học im lìm và nhạt nhòa; dù có một số tác giả trẻ xuất hiện, nhưng tác phẩm cũng ít ỏi và cũng không gây ấn tượng lắm với độc giả. Anh có bình luận gì về vấn đề này?

- Có lẽ, chúng ta nên đặt câu hỏi: Vì sao người trẻ ít quan tâm tới văn học, và họ đang quan tâm nhiều tới cái gì? Cũng như, anh không thể “xua” khán giả vào rạp, nếu như anh chiếu một bộ phim dở tệ. Anh cứ chiếu một bộ phim hay, thì khán giả sẽ tự mua vé vào. Hoạt động văn chương, nói một cách nào đó là phải tạo “sân chơi” hấp dẫn. Nếu thấy không hấp dẫn thì không ai chơi. Đó là chưa nói văn chương là một cuộc chơi cực kỳ công phu. 

- Gần đây, ở Hà Nội diễn ra cuộc gặp mặt và trao đổi với các tác giả trẻ về văn học trẻ. Ở đó, những tác giả trẻ than thở là họ cô đơn trên con đường sáng tác khi sáng tác mới của họ ít được bậc đàn anh trong văn đàn quan tâm, chia sẻ nên thấy buồn, nản, mất hy vọng và tự tin… Anh có suy nghĩ gì về chuyện này? Ở tư cách của mình, anh sẽ làm gì với các tác giả trẻ ở TP. HCM?

- Bản chất nhà văn là cô đơn trên trang viết. Trong thực tế, nhiều tác giả trẻ cũng hay cậy nhờ tôi đọc bản thảo, góp ý, đánh giá, giới thiệu… Đây là một việc rất khó. Nếu được khen, có thể tác giả ấy sẽ… lên mây và đâm vĩ cuồng. Nếu bị chê, có thể mình sẽ bị… thù muôn đời muôn kiếp không phai (Cười) Thực tế là tôi đã từng bị “dính đòn” Và, theo tôi, không một ai, hay một trường lớp nào có thể dạy chúng ta trở thành nhà văn. Sáng tạo là một quá trình tự nhận thức, là sự lao động (chữ nghĩa) nhọc nhằn. Mỗi người, trước hết phải tự biết mình là ai, ở đâu? Không có gì bằng sự tự học, tức là: Đi, đọc, viết. Tôi nghĩ, các tác giả trẻ không nên mất quá nhiều thời gian vào việc làm quen làm thân với những nhà văn nổi tiếng. Bớt thời gian chém gió trên facebook, quán nhậu. Các bạn nên dành thời gian đó cho việc đọc và viết.  Các bạn hãy tự tin, viết những tác phẩm… buộc người khác phải đọc, đừng quan tâm tới những chia sẻ giao đãi. 

- Người trong giới văn học lẫn người hâm mộ đều than phiền rằng văn học Việt Nam hiện ít có tác phẩm hay và gây xôn xao như thời kỳ trước. Là một nhà văn, anh nghĩ sao về ý kiến đó?

- Thú thật tôi rất thích đề cập những câu chuyện chuyên môn học thuật thế này. Nhưng có lẽ, đây không phải là lúc thuận tiện, vì phải nói thật kỹ, thật lâu. Tôi nghĩ bây giờ vẫn có tác phẩm hay đấy chứ. Còn hay mà vì sao không xôn xao thì tôi chịu. Có lẽ bây giờ xôn xao vì không có gì xôn xao cũng là hay lắm rồi (Cười)

- Có ý kiến cho rằng, văn học Việt Nam hiện chưa bắt kịp nhịp sống thời đại, nhiều vấn đề nóng bỏng, nổi cộm của đời sống hiện nay gây rung động và phần nào bộc lộ mặt trái, bản chất của đời sống hiện thời… nhưng văn học thì chưa có tác phẩm nào phản ánh tới, đủ tầm. Anh có bình luận gì về ý kiến này?

- Văn chương, đương nhiên khác báo chí. Văn chương phải có độ lùi. Với văn chương và sự bền bỉ của ngòi bút thì không bao giờ là quá muộn. Tôi không lo ngại văn chương “lỗi nhịp” với nhịp sống; tôi chỉ lo ngại tâm thế và tài năng của nhà văn mà thôi. 

Thời buổi này, nhận được lời khen không khó. Khó nhất là tự biết mình có xứng đáng được khen ngợi hay không.   

Trân trọng cảm ơn anh!
 
Nguyễn Thịnh (thực hiện)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nha-van-tran-nha-thuy-cac-tac-gia-tre-nen-bot-thoi-gian-chem-gio-tren-facebook-quan-nhau-a4150.html