Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ: "Để thành công thì đòi hỏi sức chịu đựng, kiên trì và bền bỉ"

"Điều tôi thấm thía trong quá trình theo đuổi một tác phẩm, đó là tìm được nội dung tốt, chủ đề âm nhạc tốt đã là rất khó khăn, nhưng để có được chút thành công thì đòi hỏi sức chịu đựng lớn, thực sự kiên trì và bền bỉ sáng tạo".



Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ

Xin Nhạc sĩ cho biết một số thông tin về nhạc phẩm Xa khơi?  

- Xa khơi là một ca khúc trong bộ 05 tác phẩm Giải thưởng Nhà nước đợt I (năm 2000) của tôi.

Anh có thể cho biết ý tưởng ban đầu xây dựng kiệt tác này?

- Tôi động bút bắt đầu viết ca khúc này vào năm 1961. Trong khi đang thực hiện một chuyến đi điền dã đầy gian nan tại một số huyện vùng cao thuộc tỉnh miền núi Hòa Bình thì nắm được chủ trương của Đảng và Nhà nước mở một cuộc thi lớn về sáng tác ca khúc, nhằm cổ vũ, động viên tinh thần sản xuất, chiến đấu của tiền tuyến và hậu phương lớn. Trước đó, vào năm 1958 tôi đã được trải nghiệm một đợt đi thực tế tại vùng giới tuyến Gio Linh, Quảng Trị, đã hình thành ý tưởng sáng tác một tác phẩm nếu có thể, đi xuyên qua không gian, thời gian.

Xa khơi rất bay bổng, trữ tình, thoang thoảng hương hồn dân ca miền Trung. Điều gì đã làm nên tấm thẻ căn cước cho ca khúc này kể từ lúc vừa mới chào đời, thưa nhạc sĩ?

Hồn cốt của tác phẩm được tôi lựa chọn theo điệu thức của “ví”, “giặm”, một loại hình âm nhạc dân gian của Nghệ Tĩnh, đang ở dạng đơn sơ nhưng trong lòng nó đã chứa đựng một tiềm năng, khơi gợi cho những nhạc sĩ có thể đi sâu vào khai thác và phát triển thêm cái năng lượng của chính nó.

Tôi quyết định dứt khoát phải dùng “ví”, “giặm”, làn điệu dân ca đi vào lòng người nhất từ xưa đến nay của Nghệ Tĩnh, từ đó mà phát triển. Việc phát triển “ví”, “giặm” ở đây dứt khoát phải đi xa hơn nữa. Tuyệt đối không được bê nguyên xi vốn của cha ông vào tác phẩm mà phải phát triển, sáng tạo đi xa hơn bản thân nó.

Ở tuổi trưởng thành, tôi nhận thấy dòng âm nhạc dân gian này tuy đơn giản, điệu thức chỉ 5 nốt rề, fa, sol, la, do, nhưng ẩn giấu một chiều sâu tiềm tàng, một nội lực như cốt cách tâm hồn của người dân xứ Nghệ. Vẻ ngoài tuy mộc mạc nhưng ý chí và sức mạnh trí tuệ lại to lớn trong Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du và sau này là Xuân Diệu, Huy Cận v.v.. Ta cũng không lấy làm lạ khi Nguyễn Huệ trên đường chinh phạt quân Thanh đã dừng chân chiêu mộ hàng vạn quân sĩ ở xứ Nghệ, phải chăng vì đó là ý chí quật cường của đám nông dân nơi này, và về sau ta có thêm một nhân vật kiệt xuất khác, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mạch nguồn dân ca ấy đã gặp thời cơ để có thể bùng nổ trong hàng trăm tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ đương đại. Trong dòng chảy ấy, Xa khơi của tôi đã giương cánh buồm thênh thênh lướt xa tít tắp. Và một hiện thực là đã có nhiều công sức của công chúng yêu âm nhạc rộng rãi trong và ngoài nước ủng hộ cho nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn nhạc phẩm Xa khơi qua các thời kỳ.

Cái tên đặt cho ca khúc vừa lãng mạn vừa quyến rũ công chúng, anh đã có dụng ý gì, thưa nhạc sĩ?

Đầu đề Xa khơi, tên ca khúc cũng mang một hàm nghĩa rất rộng, ý tại ngôn ngoại, chờ đón một cái gì đó vừa thực vừa hư ảo, không định vị về không gian, thời gian, khuyếch đại nhiều chiều để khơi gợi sức tưởng tượng bay bổng của người nghe.

Các ca khúc của những năm sáu mươi của thế kỷ XX thường “vuông thành, sắc cạnh”, nhưng Xa khơi có vẻ rất độc lập, mang một cấu trúc biến hóa rất uyển chuyển, mềm mại. Có phải anh đã cố ý tạo dựng phong cách cho tác phẩm âm nhạc này ngay từ khi đang sáng tác?
 
Ban đầu tôi định cấu trúc ca khúc bằng thể ba đoạn A B Á, mỗi đoạn mang một dụng ý riêng và có cách thể hiện riêng. Sau biến hóa Á thành coda để đảm bảo tính thống nhất, độ ngân vang và tạo dư ba cho tác phẩm, đồng thời tránh được sự dài dòng, nhàm chán.

Anh có thể “đọc chậm”, chia sẻ cho chúng tôi vài tần số rung động của anh theo cấu trúc của Xa khơi, thưa nhạc sĩ?

Đoạn A (Andante) là đoạn chậm (chậm rãi, trang trải), “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi. Gió lộng buồm, mây ươm chân trời. Biển lặng sóng thuyền em giong khơi…” diễn tả một không gian bình yên đầy đặn, tưởng như vĩnh viễn và bất biến. Biển ở đây phẳng lặng đến vô tận, nắng mới ươm ở chân trời, nhưng trong êm ả ấy đã vang lên “giọng hò thương anh cách vời” để lộ ở đây cảm giác ly biệt thoáng qua rất nhẹ. Diễn tả cảm xúc của cô gái về sự chia ly một cách tinh tế. Biển được dùng để cấu trúc nên hình tượng nghệ thuật mô tả cảm xúc mênh mông, vô định của cuộc đời. Giai điệu và ca từ “Kìa biển rộng con nục con măng, lướt sóng liệng đôi bờ tung tăng. Con chuồn còn bay nơi nơi. Con giang chiều gọi bạn đường khơi.” tạo nên tầng tầng lớp lớp những hình ảnh âm nhạc như những lớp sóng ruổi nhau, vừa hết sức tự nhiên, vừa gần gũi, gợi sức tưởng tượng sâu xa. Chuỗi sáng tạo ở đây luôn hướng về bản ngã, nhưng đôi khi cảm xúc thẩm mỹ phiêu diêu, sức tưởng tượng bay bổng sự vươn tới của khát vọng khiến tôi quên cả bản ngã, đạt đến vô ngã, vô thức. Điều đó mới nghe tưởng như phi lý nhưng lại là rất có lý trong sáng tạo nghệ thuật để đạt đến một giá trị thẩm mỹ như mong đợi, một thông điệp ý tại ngôn ngoại.
 
Sau đoạn chậm rãi thong thả, là tiết tấu nhanh, mạnh, mềm mại, đậm đà trữ tình biểu lộ một cá tính đặc biệt, một tài năng trong sáng tạo âm nhạc. Những tưởng đó là sự yên bình mãi mãi với câu hò trầm bổng, bát ngát, gợi cảm, lan tỏa mênh mang… Nhưng chính trong giai điệu âm nhạc ấy, đã cho thấy một cảm nhận sâu kín, ẩn dưới tầng sâu của biển cả, âm ỉ những đợt sóng ngầm chực chờ trỗi dậy. Giai điệu lời ca tha thiết, riết róng, mạnh mẽ và mềm mại, đồng thời mang mang một nỗi âu lo đẩy lên thành cao trào của đoạn I “Nắng tỏa chiều nay, chiều về mái đọng chiều nay. Nhìn phương nam con nước vơi đầy thương nhớ, nhớ thương anh ơi”.
 
Đoạn B Allegro con agitato (nhanh, sinh động) “Ơi mênh mông sóng xô du thuyền ta xa bờ”. Âm nhạc từng đợt, từng đợt, như sóng xô vào bờ. Nhưng con người với bản lĩnh của mình đối diện với thử thách một cách bình tĩnh “Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ”. Sự thử thách đã vượt lên và bản ngã của con người, của tình yêu đã chiến thắng “Thuyền ta xa khơi đưa nhịp chèo nối liền”. Dẫu có phải trải qua muôn vàn khó khăn trắc trở vẫn tìm về một sự thống nhất hai miền “Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền”. Cơn cuồng phong bão tố không dập tắt nổi khát vọng của tình yêu đôi lứa cấu thành cao trào của đoạn B “Ơ! Mênh mông biển khơi câu hò thương nhớ…vang về miền Nam quê ta”. Tình yêu được thử thách trong bão tố và đã chiến thắng trước mọi bão táp của cuộc đời được thể hiện trong hạ trào của đoạn B “Biển dập dìu, biển tâm tình, biển nói lên lời sóng cả ta chung lứa đôi…”.
 
Trong điệp khúc, cá tính sáng tạo của nhạc sĩ tiếp tục được bộc lộ ở năng lực phát triển giai điệu đi đôi với lời ca. Thưa nhạc sĩ, anh có thể tiết lộ bí quyết làm ca từ của anh trong kiệt tác này?

“Ơi phong ba lướt xô mái chèo ta xa bờ. Phong ba sóng cồn lòng ta luôn mong chờ. Kề vai bên nhau chớp bể cùng mưa nguồn. Kề vai bên nhau em kề bên anh thương. Ơ! Em ơi lời ca câu hò thương nhớ vang về cùng anh không xa. Biển dập dìu, biển tâm tình, biển nói lên lời sóng cả ta chung lứa đôi”. Tôi lựa chọn một nét ngọc trong kho tàng tinh hoa văn học dân gian tích hợp vào ca khúc làm cho hồn cốt của ca từ thêm sức nặng “Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người bên ấy có buồn hay không”. Tú Xương cũng đã từng tự trào “Trời không chớp bể với mưa nguồn/Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”. Nỗi buồn nhân gian ấy, thêm một lần nữa, lại được tôi trải nghiệm vào câu hát gan ruột của mình “Kề vai bên nhau chớp bể cùng mưa nguồn”.
 
Anh nói, đoạn coda là thay cho Á, trên thực tế, sức căng độ nén của cảm xúc người nghe đã đẩy mỹ cảm đến độ thăng hoa. Có phải kỹ thuật âm nhạc đã gây nên hiệu ứng đó không, thưa nhạc sĩ?  
 
Đoạn coda tuy chỉ có bảy nhịp, về mặt âm nhạc đã quay lại điệu thức, phong cách của đoạn A, để nhắc lại tình cảm ban đầu, bảo đảm tính thống nhất của tác phẩm âm nhạc. Vì qua đoạn chậm I, đến đoạn II, âm nhạc đã đi rất xa, muốn trở về với cái gốc ban đầu, tôi đã sử dụng coda thay cho đoạn Á. Ca khúc có ba cao trào. Ngoài hai cao trào trên, ở đây ta bắt gặp cao trào lớn nhất của toàn bài. Ở cao trào lớn này tôi muốn diễn đạt mức độ dồn nén tình cảm đã được dâng lên ở mức mãnh liệt nhất, dồn nén nhất và kịch tính nhất “Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay, nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay…” và sau đó được giải tỏa ở D trào “Nhớ thương ách vời ơi biển chiều nay” trong nhịp cuối cùng của toàn bài. Để người nghe có cảm giác thở phào nhẹ nhõm trước cái kết dài lặng dần của D trào.
 
Về mặt nghệ thuật âm nhạc, ca khúc Xa khơi là một sáng tạo âm nhạc của thanh nhạc hiện đại Việt Nam vừa dân gian, vừa hiện đại. Tầm vóc và nghệ thuật âm nhạc trữ tình của tác phẩm đã được xác nhận là một trong những hình tượng đẹp nhất trong âm nhạc đương đại của Việt Nam, trở thành một tuyệt tác. Chúng tôi được biết, hơn sáu mươi năm sau Xa khơi, anh lại mới cho ra đời kiệt tác Mơ quê, cũng mang vẻ đẹp “mười phân vẹn mười”, xin anh tiếp tục dẫn dắt chúng tôi nhập cuộc với nhạc sĩ tìm hiểu đôi nét về Mơ quê?
 
Với tôi, Mơ quê là một chuyến tìm về với chính mình. Tôi viết Mơ quê không dễ dàng gì. Đau đáu khát vọng trả tình, trả nghĩa với quê hương, dồn hết tâm sức và vốn liếng văn hóa tinh hoa của cha ông mà tôi tiếp thu được vào ca khúc này.
 
Chúng tôi muốn biết cái khó của anh lúc anh viết Mơ quê?
 
Cùng một chủ đề âm nhạc “Người về hò hẹn cùng ai” rút từ giọng ngâm Kiều Nghệ Tĩnh nhưng tôi phải viết đi, viết lại đến ba lần, dựa vào thực tại đời sống để sáng tạo. Ba lần viết là ba lần va đập mạnh vào thực tại để nâng tác phẩm đứng dậy.
 
Lần viết thứ nhất vào năm 1995, ca khúc mang tên là Nhớ quê. Cũng với chủ đề âm nhạc “Người về hò hẹn cùng ai”. Dùng lời ca chân chất mộc mạc, với “nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”, “phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh” v.v.. vào lời ca để mô tả. Vì các yếu tố của thực tại chứa đựng trong lời ca chưa được nâng lên, chưa được nghệ thuật hóa, cho nên đã hạn chế sức tưởng tượng, hạn chế cảm xúc lãng mạn của người nghe. Thế là thất bại! Khi Nghệ sĩ ưu tú Đàm Thanh cho phát ca khúc này trên kênh truyền hình VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam với giọng hát của Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Hiền, bài hát chưa đủ sức để giữ chân được khán, thính giả.

Lần viết thứ hai vào năm 2005, cũng một chủ đề  âm nhạc “Người về hò hẹn cùng ai” của lần viết trước, tôi lại hóa thân vào cõi nhớ, viết tác phẩm mang tên Hồn quê. Lần này thì tránh được cái quá sơ lược, cái thật như đếm của lần viết trước, nhưng lại thả hồn cùng mây gió, phiêu diêu tận đâu đâu. Vì thiếu các yếu tố chứa đựng thực tại, do đó hình tượng âm nhạc của ca khúc quá mờ ảo. Khi Anh Thơ hát trước công chúng của Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếng vỗ tay lẹt đẹt. Không ai khen, cũng chẳng ai chê. Lại xem như thất bại!
 
Năm 2009, vẫn với tem âm nhạc “Người về hò hẹn cùng ai” đã chọn, tôi trở lại viết tác phẩm, gọi tên mới là Mơ quê. Lần này, tôi đã tránh được hai cú vấp ấu trĩ của hai lần viết trước đây. Tôi đã lựa chọn và biết trữ tình hóa, lãng mạn hóa các giá trị văn hóa của quê hương vào nội dung tác phẩm. Trong đó, Truyện Kiều và “Ví” “Giặm” là các giá trị văn hóa có dấu ấn đặc trưng xứ Nghệ trường tồn với thời gian. Để nói “Ví” “Giặm” và Kiều trong Mơ quê, tôi sử dụng lối nói bóng bảy đầy tính ẩn dụ “Hỏi câu “Ví” “Giặm” đã lỡ hẹn cùng ai chưa. Mà thương câu Kiều đã lỗi hẹn cùng trăng xưa”.
 
Kết quả là tới năm 2010, tức là sau 14 năm kể từ khi đặt niềm thương, nỗi nhớ vào nhạc phẩm và cố công vun trồng, tôi đã có trái chín Mơ quê. Anh Thơ tự tin trình diễn thành công Mơ quê trong một buổi quyên góp tiền ủng hộ người nghèo 31/12/2009 do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và Đài Truyền hình Việt Nam đã ghi hình giới thiệu. Tác phẩm từ đây được công chúng trong nước và kiều bào Việt Nam ở xa Tổ quốc hoan nghênh nhiệt liệt, người Việt Nam ở nước ngoài nói rằng, được nghe Mơ quê họ nhớ nhà và họ khóc.
 
Thật là làm nghề thật lắm công phu! Anh có điều gì tâm đắc trước thành quả xứng đáng mà lao động miệt mài đã được đền đáp?
 
Điều tôi thấm thía trong quá trình theo đuổi một tác phẩm, đó là tìm được nội dung tốt, chủ đề âm nhạc tốt đã là rất khó khăn, nhưng để có được chút thành công thì đòi hỏi sức chịu đựng lớn, thực sự kiên trì và bền bỉ sáng tạo.
 
Trong Mơ quê, đẹp cả nội dung lẫn hình thức, lời ca và nét nhạc thật quyến rũ, bí quyết nằm ở chỗ nào, thưa nhạc sĩ?
 
Âm nhạc của Mơ quê ở thể hai đoạn. Đoạn đầu chậm rãi, cả tiếng, dài hơi “Người về hò hẹn cùng ai”. Có ánh nhìn tha phương lưu lạc của Nguyễn Bính “Quê người đứng ngắm mây lưu lạc/Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng” để tôi nhận ra mình “Bao năm rời quê tha phương lưu lạc (ơ)… tận cuối trời phải cách vời quê xưa”. Phảng phất một chút khói hoàng hôn của Thôi Hiệu trong man mác Đường thi “Quê nhà khuất bóng hoàng hôn/Bên sông khói sóng cho buồn lòng ai”, đi vào giấc mơ quê của tôi cũng thấy một “Quê nhà khuất nẻo hoàng hôn”. Đẩy lên cao trào riêng “Hỏi mây, hỏi mây bay xa tắp” và hạ trào “mây ơi, nơi đâu, nơi đâu quê nhà”.
 
Vẫn là giấc Mơ quê, nhưng sao nó cồn cào, xưa cũ và đánh động cõi lòng đến thế, thưa nhạc sĩ?
 
Mấu chốt ở đây do chỗ tôi đã dốc toàn “lực lượng bản thân vốn văn hóa đông tây kim cổ” để nén vào lời ca và giai điệu. Đoạn I, lời 2, ca từ mô tả quê hương lấp lánh một vẻ đẹp hư ảo như bức tranh thủy mặc “Thuyền về chợ Rạng thuyền xuôi, nghe câu “Đò đưa” sông Lam khắc khoải (ơ), về nỗi chờ một bến bờ đợi ai”. Thoang thoảng một chút hồn lau của Quang Dũng trong Tây Tiến “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”. Hồn lau cũng là hồn của những thân phận dân vạn chài sống lay lắt ven sông Lam, được tôi tìm về trong giấc mơ quê của mình “Dãi dầu mấy nẻo hồn lau”. Cuồn cuộn một nỗi đau nhân thế được đẩy lên cao trào “về đâu, thuyền trôi theo trăng cuộn sóng”.
 
Có thể thấy “lực lượng bản thân” anh quá dồi dào! Lời lời gấm thêu của anh, người Việt Nam ở bất cứ lứa tuổi nào có nhận thức cũng đều hiểu và rung động cả?
 
Nhờ phúc ấm tổ tiên cho tôi da thịt và bầu nhiệt huyết để tôi sáng tác ca khúc này. Đoạn II, lời 1 vang vọng tiếng gọi ký ức tuổi thơ. Tôi tái hiện những mảnh hồn làng xưa còn lắng lại trong tâm trí, trong lòng người. “Tuổi thơ ơi em về đi thôi. Mà nghe tiếng trống sân trường vọng trên đồi. Lắng hồn quê sáo diều lượn ven đê, cho đàn con trẻ tìm về đêm trăng hè”. Sự thảng thốt nhớ về ký ức hội làng, những cuối xuân hoa gạo nở. Màu đỏ của hoa gạo có sức lay động lòng người như những tiếng gọi sâu thẳm của nuối tiếc “Mái đình xưa, nghe trống hội làng về chưa? Chim sâu chim sẻ gọi bầy chơi tung tăng. Giữa mùa hoa gạo rạo rực trời mênh mang gọi ai về với nỗi nhớ”. Giai điệu diễn tả về ký ức sâu thẳm, hoài niệm về những rung động đầu đời “Nhớ ai rồi, thương nhớ một đời, nhớ người ta yêu thương vẫn đợi chờ ở cuối quê nhà mà nhớ thương không nguôi lòng ta”.
 
Ký thác một tiếng gọi trở về, thưa nhạc sĩ?
 
Đoạn II lời 2 Một sự mời gọi bằng giai điệu về với quê hương tha thiết. Lời lời thủ thỉ, tâm tình âu yếm, gần gũi thiết tha “Về đi thôi! Ta về đi thôi, niềm thương nỗi nhớ quê nhà giục ta rồi”. Bất cứ một người Việt Nam nào khi nhắc đến hai tiếng quê hương đều gợi nhớ một tiếng gà gáy. Trong giấc mơ quê, tiếng gà đã gọi cái tôi lưu lạc trở về với bản ngã, như một chiêm nghiệm của một đời xa xứ. Mơ quê là tiếng của tao nhân mặc khách cất lên gọi chính mình. Giấc mơ quê nhẹ nhàng êm ái như cánh nôi đưa mà chứa đựng ân tình thẳm sâu nghìn năm đọng lại “Lắng hồn xưa, tiếng gà gọi trong mơ, đưa người lưu lạc tìm về một bến bờ. Chiều nhẹ trôi trên cánh cò về đưa nôi”. Quê nhà nơi ấy hội tụ khí thiêng sông núi, nơi bầu sữa lành của ví giặm đã nuôi lớn những tâm hồn vĩ nhân, đẩy cảm xúc của Mơ quê song hành với những giá trị vĩnh hằng “Hỏi câu ví giặm có lỡ hẹn cùng ai chưa, mà thương câu Kiều đã lỗi hẹn cùng trăng xưa”. Trong Mơ quê, có bóng dáng những thi nhân, những giai nhân trong những đêm trăng ví giặm, có cả nàng Kiều đang nâng vạt áo sụng sịu giọt ngắn giọt dài vì lỗi hẹn với Kim Trọng. Giấc mơ gọi trăng nhưng là gọi sự trở về, dùng nét nhạc không lời. Một tiếng lòng da diết lay động “Trăng ơi (ơ)… trăng ơi”. Giai điệu đạt đến những cao trào tiếp nối cao trào như thổn thức của toàn bài “Ước hẹn còn lưa, nhớ về quê xưa. Có ai nhớ ai? Có ai nhớ ai đang đợi chờ cuối…”. Sự trở về trong Mơ quê không chỉ ở nét nhạc, ở giai điệu, lời ca da diết trữ tình xuyên suốt toàn bộ ca khúc, mà cuối bài có dành giữ một chữ “lưa” thổ âm, một từ riêng biệt rất Nghệ Tĩnh nghe thân thương, gần gụi,  ấm áp, đậm đà tình yêu với quê hương xứ sở.
 
Vậy là, Xa khơi với Mơ quê là chị em sinh đôi…cách nhau nửa thế kỷ?
 
“Thế là đã hai lần tôi lấy vốn dân gian “xứ Nghệ” để kế thừa phát triển, trong Xa khơi là “ví” “giặm” và với Mơ quê là giọng ngâm Kiều. Tôi tự an ủi mình, rồi tự hỏi, hai nhạc phẩm ấy, Xa khơi viết thuở thanh xuân và Mơ quê viết vào lúc “thất thập cổ lai hi”  đã phần nào trả được một chút nợ nần với cha ông, với quê hương xứ sở chưa? Thấp thoáng đâu đấy hình bóng một cậu bé chân quê mau nước mắt và dễ hờn tủi đứng trên bờ sông Lam là tôi chăng?”
 
Hà Nội, tháng 8/2015.
Bùi Tuyết Mai (thực hiện)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhac-sy-nguyen-tai-tue-de-thanh-cong-thi-doi-hoi-suc-chiu-dung-kien-tri-va-ben-bi-a4140.html