Giải cứu hai cụ già bị ép đi ăn xin - Kỳ cuối

Qua nhiều ngày theo dõi, quan sát, nhận được thông tin từ báo chí thì khuya ngày 30-6, Công an phường Tân Biên, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai đã phối hợp với đại diện của UBND phường Tân Biên chia làm hai tổ công tác tiến hành kiểm tra hành chính những căn nhà nơi có người ăn xin và những kẻ chăn dắt sinh sống.


Các tổ công tác vào kiểm tra căn nhà màu trắng nằm trong hẻm nhỏ thuộc KP.2, P.Tân Biên do vợ chồng ông Chung và bà Phương thuê của ông N.V.T, cơ quan chức năng phát hiện hai người già ăn xin như đã được giới thiệu trước đó là ông T và bà T. Sau khi phát hiện hai ông bà này cho biết bà tên Đào Thị Tơ (68 tuổi, ngụ xã Quảng Linh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) và ông Lê Văn Tĩnh (57 tuổi, ngụ xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Ông Tĩnh cho biết, trong dịp Tết, ông Chung về quê tìm hiểu rồi sau đó bảo vào TP Biên Hòa làm thuê cho ông sẽ trả lương hàng tháng. Thời gian về quê, Chung đã  ứng trước cho ông Tĩnh 2 triệu đồng. Ông Chung nói vào đi bán tăm bông dạo, lương tháng 3.000.000 đồng nên ông đồng ý đi.

Thời gian đầu khi mới vào Đồng Nai, ông Chung cũng sắm tăm bông, kiếng, bấm móng tay,… để ông Tĩnh đi bán dạo nhưng chỉ được vài tuần Chung trở mặt yêu cầu ông Tĩnh phải đi ăn xin thì mới có nhiều tiền. Ông Tĩnh phải đi ăn xin cho Chung từ đó đến nay nhưng vẫn chưa nhận được tiền. Ông Tĩnh nói muốn về quê nhưng ông Chung không cho về. Hàng ngày, ông Tĩnh đi ăn xin được bao nhiêu giao cho Chung hết nên cũng không có tiền để về quê.

Còn bà Phương vợ Chung thì gặp bà Tơ và bảo bà về ở và đi bán hàng dạo trả lương hàng tháng. Thời gian đầu, Phương cũng để bà Tơ đi bán hàng dạo nhưng sau đó cũng lật mặt ép bà Tơ đi ăn xin. Ông Tĩnh và bà Tơ khi gặp cơ quan chức năng đã bày tỏ mong muốn của mình là được về quê với con cháu chứ không muốn đi ăn xin và cho biết nhiều lần xin vợ chồng Chung nhưng họ không cho về.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, ông Chung khai nhận hàng ngày đưa đón bà Tơ, ông Tĩnh đi ăn xin. Hai người này xin được bao nhiều tiền đều phải nộp cho vợ chồng ông Chung và ngược lại vợ chồng ông Chung nuôi ăn ở và trả cho bà Tơ 2.500.000 đồng, còn ông Tĩnh 3.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên từ khi đưa ông Tĩnh, bà Tơ đi ăn xin, ông Chung chưa trả cho họ đồng lương nào. Khi cơ quan chức năng mời về trụ sở làm việc ông Chung mới đưa cho ông Tĩnh và bà Tơ 5.000.000 đồng để hai người này về quê.

Bên cạnh đó cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra tại nhà trọ số 2  của Thành nơi mà Thành nuôi ông gù, ông mù, trẻ em để hành nghề ăn xin. Trong căn nhà trọ nhỏ, ẩm thấp có Nguyễn Công Thành (44 tuổi, thôn 7, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đang sống có một bé trai khoảng 10 tuổi tên Tuấn và ông Lê Văn Toản (64 tuổi, xã Triệu Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị bệnh gù lưng. Thành cho biết phòng có tất cả năm người nhưng hai người mới đi chơi chưa về nên hiện giờ chỉ còn lại ba người.
 
Tuy nhiên khi cơ quan chức năng gõ cửa căn phòng trọ số 1, bên trong phía sau cánh cửa gỗ là một cái chái rộng khoảng hai mét vuông, ẩm thấp, luộm thuộm có hai người già ăn xin là ông Lê Duy Quang (54 tuổi, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) và ông Phạm Bá Não (62 tuổi, xã Thăng Bình, huyện Nống Công, Thanh Hóa) đang nằm ngủ.
 
Sau khi cơ quan chức năng phát hiện có thêm hai người thì Thành khai vào làm ăn ở Đồng Nai. Cách không lâu, ông Quang, Não, Toản và cháu Tuấn vào xin ở chung phòng trọ và được Thành đồng ý. Hàng ngày, Thành ở nhà lo cơm nước còn những người này tự bắt xe buýt đi ăn xin. Sáng năm giờ đón xe buýt đi, 11 giờ đón xe buýt về ăn cơm. 14h lại đón xe buýt đi ăn xin, 23 giờ đêm do không có xe buýt nên Thành phải dùng xe máy đón từng người về phòng trọ. Mỗi ngày, mỗi người xin được từ 250.000 đến 300.000 đồng. Toàn bộ số tiền này đều phải nộp cho Thành. Đổi lại mỗi tháng Thành trả lương mỗi người 3.000.000 đồng để gửi về quê. Tuy nhiên những người do Thành chăn dắt đều nói mình được Thành thuê ăn xin và được trả lương.

Hiện tại 2 cụ là cụ Tơ và cụ Tĩnh đã được UBND phường Tân Biên gửi vào 1 Trung tâm Huấn nghệ cô nhi Biên Hòa chờ xác minh thông tin rồi đợi người nhà vào đón về hoặc sẽ gửi về địa phương. Hiện nay toàn bộ hồ sơ về vụ việc trên đã được Công an phường Tân Biên chuyển về C.A Tp.Biên Hòa để điều tra và xử lý.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở lao động thương binh xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với các địa phương để làm rõ vấn đề chăn dắt người ăn xin. Sở sẽ kiểm tra xem địa bàn nào để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về ai. Bởi vì vấn đề này đã giao cho từng địa bàn, nếu địa bàn nào để xảy ra thì cơ quan quản lý của địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.

Hiện nay còn có những con người khỏe mạnh, có thể lao động kiếm sống bằng đôi tay của mình nhưng lại “ham ăn nhác làm”, lợi dụng người khác để kiếm cơm cho mình, bất chấp tất cả. Chưa nói về chuyện họ sẽ bị pháp luật xử lý nhưng lương tâm có lẽ sẽ cắn dứt khi đưa những người đáng bậc cha, chú của mình ra làm công cụ ăn xin kiếm tiền trục lợi.

Lương tâm khó tha thứ cho những con người như thế. Và những người già ở các vùng quê nghèo cũng cần cảnh giác hơn trước những lời ngon ngọt với những công việc xa quê để tránh rơi vào đường dây chăn dắt ăn xin.
 
Mỹ Yên Nghệ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giai-cuu-hai-cu-gia-bi-ep-di-an-xin-ky-cuoi-a4139.html