Tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Mai

Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở xã Thanh Mai (huyện Thanh Chương - Nghệ An) đã có nhiều thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, để hoàn thành chương trình theo đúng lộ trình thì là một bài toán khó đối với địa phương.

Thanh Mai là một xã miền núi trung du, nằm ở hữu ngạn huyện Thanh Chương, có đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã, tuyến đường nhánh 533 đi Thanh Giang qua đường mòn Hồ Chí Minh, do đó rất thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội theo hướng mở cửa với bên ngoài; nhất là các hướng từ Thanh Thủy, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Xã có diện tích đất tự nhiên khá lớn 4.482,15 ha có lợi thế để phát triển các cây nguyên liệu sắn, nguyên liệu giấy, cây công nghiệp ngắn, dài ngày kết hợp với mô hình chăn nuôi trang trại với quy mô vừa và lớn...

Trong những năm qua, bằng sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân, nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở Thanh Mai đã thu được những kết quả nhất định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã, hệ thống kênh mương, thủy lợi cơ bản được được đầu tư. Văn hóa - xã hội có bước phát triển khá toàn diện, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên.



Trụ sở làm việc xã xuống cấp

Trao đổi với PV, ông Trần Công Bằng - Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới Thanh Mai mới có 3/19 tiêu chí đạt chuẩn đó là: hình thức tổ chức sản xuất, Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; An ninh trật tự xã hội.

Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Thanh Mai đạt 7/19 tiêu chí. Chính quyền và nhân dân địa phương đang phải vật lộn với vô vàn khó khăn thách thức khi cố gắng chuẩn hóa 12 tiêu chí còn lại, trong đó nan giải nhất là tiêu chí môi trường. Hiện tại, xã chưa có bãi rác tập trung, rác ở trong dân chủ yếu là đốt hoặc chôn tại nhà. Vấn đề quy hoạch nghĩa trang cũng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, do xã nằm ở giữa vùng thấp trũng của cụm Bích hào, hàng năm thường bị ngập úng từ 3 - 4 tháng, dân cư trên địa bàn xã bị chia cắt thành từng mảng. Điều kiện tự nhiên, thời tiết của những năm qua diễn biến phức tạp, bất lợi cho sản xuất nông nghiệp như lũ, hạn hán kéo dài, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và cây trồng.

Thanh Mai là một xã thuần nông, các ngành nghề chưa phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội hầu hết được huy động xây dựng từ thời kỳ đầu đến nay đã xuống cấp, chất lượng kém. Đặc biệt là giao thông, thuỷ lợi. Các tuyến đường nội xã trong địa bàn dân cư còn hẹp, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi mở rộng để đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

Hiện tại, xã được huyện đầu tư xây dựng 4km đường cấp khối đá và 2km đường bê tông nhưng vẫn chưa hoàn thành. Cơ sở vật chất văn hóa như trụ sở làm việc, hội trường sinh hoạt chưa đủ và xuống cấp, các nhà văn hóa một số xóm chưa có kinh phí đầu tư xây dựng để đạt quy chuẩn. 

Bên cạnh khắc phục những khó khăn gặp phải, Thanh Mai cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp. Trong đó, ngành nông nghiệp giữ vai trò ổn định kinh tế, ngành dịch vụ - thương mại đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng.

Phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Phát triển ngành nông nghiệp hình thành các vùng sản xuất cây, con tập trung, chuyên canh sản xuất hàng hoá gắn với phát triển kinh tế trang trại VAC, tăng khối lượng và giá trị hàng hoá, giải quyết việc làm và phân công lại lao động trên địa bàn. Đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành dịch vụ - thương mại, mở rộng các loại hình dịch vụ, tập trung đầu tư xây dựng, hình thành Trung tâm dịch vụ thương mại.



Nhiều tuyến đường giao thông chưa được đầu tư xây dựng

Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, quán triệt xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành để huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. 

Thực hiện “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến vào sản xuất, từng bước thực hiện cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Vận động và hướng dẫn người dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu sản xuất, liên doanh, liên kết mở rộng sản xuất kinh doanh; tích cực, chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ để đạt năng suất, chất lượng hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

"Đặc biệt, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu Quốc gia, các chương trình dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Xã cũng mong muốn các cấp ngành cấp trên hỗ trợ nguồn vốn cho xã, sự đầu tư hỗ trợ từ nhiều phía có như vậy mới đẩy nhanh được tiến độ xây dựng nông thôn mới", ông Bằng cho biết thêm.


Trần Hải

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tim-giai-phap-de-thao-go-kho-khan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-thanh-mai-a4138.html