Trước đó ngày 27.10, Bộ VHTTDL đã phê duyệt về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hồ sơ Bài chòi bao gồm các yêu cầu về lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và cam kết của cộng đồng, sự đồng lòng của cộng đồng khi đề đạt nghệ thuật Bài chòi để UNESCO công nhận đây là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo tiến sĩ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Bài chòi là hình thức nghệ thuật dân gian sinh động bởi sự kết hợp khéo léo cả thơ, nhạc, hát, diễn xuất, ứng tác…Đây chính là điểm đặc sắc mà không phải địa phương nào cũng có.
Bài chòi là sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vào đến các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai.
Hát bài chòi thường được tổ chức thành một lễ hội. Hội này thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta thường dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên. Mỗi bên có 5 chòi, mỗi chòi độ cao từ 2-3 m, rộng đủ 3 người ngồi và một chòi trung tâm giành cho các vị chức sắc địa phương.
Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến với 33 lá với nhiều tên nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu … được vẻ trên giấy, dán vào thẻ tre...
Vào cuộc chơi, anh hiệu xốc bài, rút một con và xướng tên con bài. Người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên bài. Nếu chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang bài đến. Bài chòi đó “tới” nếu trúng ba con bài, xổ một hồi mõ dài. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ cùng với rượu đến trao thưởng cho người trúng. Mỗi lá cờ đuôi nheo bằng giấy là dấu hiệu của một lần thắng. Góp vui cùng cuộc chơi còn có ban nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi “tới”. Khả năng trình diễn của anh Hiệu (người chủ trì trong hội chơi bài chòi) đã để lại trong lòng người xem sự hồn nhiên, dí dỏm, thông minh, tạo được sự lôi cuốn và hấp dẫn./.
Theo Ngày Nay