11/12/2015 10:28
11/12/2015 10:28
Quảng Nam: Phát huy sức mạnh cộng đồng bảo vệ di sản Hội An
Việc huy động sức mạnh của cộng đồng để cùng bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Hội An có vai trò hết sức quan trọng.

Phố cổ Hội An - Nguồn: internet
Hiện nay, Hội An đang đứng trước những nguy cơ bị nguy hại do tác động của bão lụt, sự biến đổi bất thường của khí hậu, thời tiết và tác động của con người. Để bảo tồn di sản thế giới nổi tiếng này, chính quyền thành phố đã huy động sức mạnh của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Để tránh tác động ảnh hưởng tiêu cực của thiên nhiên, cộng đồng cư dân sinh sống trong khu phố cổ Hội An lại chuẩn bị mọi phương tiện để ứng phó với mưa lũ. Cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, nhiều hộ gia đình tự chèn chống nhà cửa, gia cố những chi tiết kiến trúc xuống cấp... Việc huy động sức mạnh của cộng đồng để cùng bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Hội An có vai trò hết sức quan trọng.
Phố cổ Hội An được bình chọn là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1999, trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm. Chính quyền thành phố Hội An tiến hành nhiều hoạt động nhằm có thể duy trì những nét đặc trưng của Hội An, xây dựng nơi này thành một khu sạch đẹp về môi trường cho người dân địa phương và thu hút thêm ngày càng nhiều du khách đến tham quan thành phố. Trong đó, việc huy động sức mạnh của cộng đồng luôn đóng vai trò quan trọng. Ông Sử Chấn Quân, một người dân sống trên đường Trần Phú cho biết: “Theo tôi, đến nay, di sản Hội An đã được trân trọng giữ gìn, sự xuống cấp của các di tích cũng được ngăn chặn kịp thời. Hội An đã có cơ chế hỗ trợ trùng tu di tích rất tốt và công tác quản lý di sản ngày càng chặt chẽ hơn. Đặc biệt, nguồn thu cho ngân sách địa phương và đời sống của người dân cũng được cải thiện thông qua sự hưởng lợi từ khai thác di sản”.
Từ năm 1999 trở về trước, toàn thành phố chỉ có hơn 10 di tích được đầu tư tu bổ. Thế nhưng, trong 10 năm trở lại đây đã có 167 di tích được tu bổ, tôn tạo, trùng tu với tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có 155 di tích được hỗ trợ tu bổ và 1.895 lượt chủ di tích tự tu bổ, sửa chữa nhỏ. Điều đó cho thấy nhận thức của cộng đồng, ý thức bảo tồn di sản trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao. Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An khẳng định: “Vấn đề nổi lên hàng đầu trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản Hội An nằm ở mối quan hệ giữa 3 vấn đề. Đó là mối quan hệ giữa việc bảo tồn kiến trúc đô thị cổ cùng với giữ gìn lối sống truyền thống và đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Đây là bài toán hóc búa và lời giải cần có sự tham gia tích cực của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng dân cư Hội An”.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…
Ngày nay, Hội An đã thu hút mọi sự chú ý của du khách gần xa; nhiều giải thưởng, nhiều cuộc bình chọn của các tổ chức trong nước và quốc tế cũng dành tặng cho Hội An. Qua thống kê, số lượng khách du lịch đến Hội An tăng đều qua các năm kể từ khi khu di sản văn hoá Hội An và Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận. Du khách đến Hội An đông thì doanh thu từ du lịch tăng cao và trở thành nguồn ngân sách chính góp phần rất lớn cho công tác bảo tồn môi trường di sản ở Hội An và đồng thời đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Việc huy động sức mạnh cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại Hội An, tỉnh Quảng Nam luôn là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Nỗ lực của cộng đồng dân cư chính là yếu tố cơ bản, quyết định sự sống còn của Di sản Văn hóa Thế giới Hội An.
Theo Di Sản Xanh
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-nam-phat-huy-suc-manh-cong-dong-bao-ve-di-san-hoi-an-a4076.html