Sai phạm tập đoàn cao su: Phải quy rõ trách nhiệm...

Là những người thừa hành Chính phủ điều hành, lãnh đạo VGR phải giải trình và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội -TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Phải điều tra chuyển giá trong Tập đoàn cao su VN

PV: - Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc quá trình thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan chức năng xử lý sai phạm về kinh tế ở tập đoàn này với tổng số tiền hơn 8.366 tỉ đồng. Phần lớn các sai phạm này là do đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ. Ông đánh giá thế nào về những sai phạm của Tập đoàn cao su VN?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: - Câu chuyện, các Tổng công ty (TCT), Tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKT) nhà nước sa đà vào đầu tư ngoài ngành có dấu vết của lịch sử. Cách đây khoảng 30 năm khi VN bắt đầu đi vào nền kinh tế thị trường, nhiều TCT, TĐKT được nhà nước đổ vốn dựng lên kiểu như mô hình “Chaebol” của Hàn Quốc .

Chủ trương của Chính phủ khi đó là khuyến khích các TĐKT thể hiện sự năng động, nhạy bén nắm bắt thị trường, tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề để mở rộng kinh doanh. Với kỳ vọng, họ sẽ trở thành những TĐKT lớn mạnh. Đó là mong muốn chính đáng.

Nhưng rất tiếc, mô hình này đã thất bại ở VN và mang đến nhiều hậu quả lớn cho nền kinh tế. Hậu quả thực tế đã cho thấy rất rõ ràng. Rất nhiều tập đoàn lớn mạnh như Tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn dầu khí (PVN)… mạo hiểm đổ vốn đầu tư vào những lĩnh vực không chuyên nhưng lại có rủi ro cao như: bất động sản; bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, nhà hàng khách sạn, nông nghiệp…dẫn tới sự thất thoát rất lớn cho chính các tập đoàn, ngân sách và cả nền kinh tế. Đứng trong hàng ngũ rất nhiều TCT, TĐKT VN thì Tập đoàn cao su VN (VGR) không phải là ngoại lệ.




Phải điều tra và quy rõ trách nhiệm tập đoàn cao su trước khi quyết định số phậm Công ty tài chính cao su

Như vậy, có thể nói sự xông xáo, năng động nhưng thiếu chuyên nghiệp nên đầu tư nhiều mà không đem lại hiệu quả, đó là nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai, khi cho phép các tập đoàn kinh tế đầu tư ngoài ngành nhưng lại không có cơ chế quản lý rõ ràng, không đưa ra được thể chế hoạt động cho các tập đoàn, không có một cơ quan độc lập chuyên quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn. Nên mới có câu chuyện của VGR, để lãnh đạo tập đoàn góp vốn cá nhân lẫn với vốn nhà nước, lập ra các công ty con, kinh doanh không hiệu quả làm mất vốn nhà nước, gây thất thoát cho ngân sách.

Ở đây, chính là câu chuyện sở hữu chéo, lợi ích nhóm, là câu chuyện sử dụng đồng vốn mà không có kiểm soát chặt chẽ.

Thứ ba, các công ty con khi làm ăn thua lỗ lại được Công ty tài chính trong hệ thống TCT mẹ cho vay nhưng không có một cơ chế kiểm soát chính sách cho vay này. Khi đó, sở hữu chéo là yếu tố tạo điều kiện cho những hành động trục lợi từ công ty mẹ phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty con do chính các cá nhân lãnh đạo TCT mẹ sáng lập.

Nghĩa là những cá nhân, lãnh đạo các công ty con đang sử dụng ngân sách, từ tiền thuế của dân để thành lập những công ty này với phần góp vốn của riêng mình và trở thành những ông chủ của các công ty này để hưởng lợi.

Tôi không khẳng định thua lỗ của công ty con là chỉ do đầu tư ngoài ngành hay chỉ vì nguyên nhân nào nhưng rõ ràng lợi ích nhóm, sỡ hữu chéo đang tạo điều kiện cho các công ty con lấy vốn nhà nước đầu tư vào những ngành nghề riêng lẻ mà nhà nước không thể quản lý được, đưa đến những thiệt hại lớn lao cho nền kinh tế.

Tôi cho rằng, vấn đề này Thanh tra Chính phủ và Chính phủ cần phải vào cuộc xử lý triệt để, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong các doanh nghiệp nhà nước, ngăn chặn tình trạng thông qua Tổng công ty có vốn sở hữu của nhà nước để trục lợi cá nhân.

PV:Trong giai đoạn này, Tập đoàn Cao su đang có sự tăng trưởng rất mạnh, tổng doanh thu 6 năm đạt 116 ngàn tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, Tập đoàn Cao su bắt đầu mở rộng diện tích trồng cao su ở Tây Bắc và miền Trung, những nơi được nhiều chuyên gia cảnh báo rất "kỵ" cao su. Tập đoàn này cũng tiến hành đầu tư ngoài ngành và liên tục thua lỗ. Liệu có động cơ chuyển giá trong hoạt động trồng cao su ở Tây Bắc, miền Trung hay đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Cao su hay không, thưa ông? Vì sao?

Có nên đặt vấn đề chuyển giá để xem xét khi thanh tra hoạt động của Tập đoàn cao su?


TS. Nguyễn Trí Hiếu: - Theo tôi, cũng không loại trừ hiện tượng chuyển giá trong câu chuyện của VGR, nhất là khi vấn đề sở hữu chéo chưa được triệt tiêu.

Hiện tượng chuyển giá đó thấy rõ ràng nhất trong các lĩnh vực mậu dịch, dịch vụ. Tôi lấy ví dụ, các công ty nước ngoài thành lập các công ty con ở VN dưới hình thức đầu tư FDI. Các công ty này đã thực hiện hành vi chuyển giá thông qua các hoạt động trao đổi, mua bán giữa công ty mẹ với các công ty con.

Công ty mẹ bán sản phẩm cho công ty con nhưng tăng giá bất hợp lý, khiến công ty con khai lỗ để trốn thuế, trong khi công ty mẹ đã hưởng lợi vì bán giá cao cho công ty con. Về phía các công ty mẹ họ cũng có cách để giảm lợi nhuận từ việc bán sản phẩm cho công ty con để tránh/trốn thuế. Đó chính là cách bòn rút tiền từ các giao dịch đan xen với nhau giữa các công ty mẹ-con. Người thiệt hại chính là Chính phủ, người dân VN. Ngân sách, tiền thuế của dân bị rút ruột hợp pháp.

Tôi cho rằng, nghi vấn chuyển giá đối với VGR là vấn đề rất lớn, Thanh tra chính phủ cần phải đặt ra. Rồi qua sở hữu chéo giữa công ty mẹ và công ty con, cá nhân lãnh đạo tập đoàn có thể trục lợi từ các hoạt động kinh doanh đan xen, như vậy gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia là điều cả hệ thống phải quan tâm và tiêu trừ. Thanh trừ hoạt động chuyển giá trong TĐKT nhà nước và loại trừ tình trạng sở hữu chéo

Việc này không khó, tất cả các hoạt động, giao dịch đều được thể hiện trên sổ sách các công ty. Chỉ cần Thanh tra chính phủ quyết tâm làm.

Không thể lấy tiền nhà nước xóa nợ công ty con

PV:- Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về một số sai phạm của Tập đoàn Cao su có đề cập đến hiện tượng lập công ty sân sau và còn nêu một vụ việc cụ thể khác là thua lỗ của Công ty Tài chính cao su trực thuộc. Đến nay tổng lỗ của Công ty Tài chính cao su đã lên tới 1.775 tỉ đồng - vượt quá tổng tài sản (1.630 tỉ đồng). Công ty này ngoài việc cho các công ty thành viên tập đoàn vay, đã cho vay hầu hết vào bất động sản, chứng khoán... Đặc biệt, công ty này còn gửi tiền vào Công ty cho thuê tài chính II.

Tập đoàn Cao su đề nghị Thủ tướng cho sáp nhập nguyên trạng công ty này vào công ty mẹ và dùng vốn của tập đoàn để giải quyết. Ông bình luận như thế nào về cách làm của Tập đoàn Cao su? Bản chất của đề nghị sáp nhập này là gì?


TS. Nguyễn Trí Hiếu: - Chúng ta cần phân biệt các xử lý những trường hợp nợ nần và lỗ của các công ty con đối với công ty mẹ trên hai phương diện: kế toán, nghĩa vụ trả nợ và trách nhiệm giải trình. Trên phương diện kế toán, nợ của công ty con với công ty mẹ hay với một công ty tài chính của công ty mẹ sẽ không thể hiện trong bảng kế toán hợp nhất. Lỗ của công ty con cũng sẽ hợp nhất vào kết quả kinh doanh của TCT.

Điều này có nghĩa là trong kế toán hợp nhất thì quan hệ nợ nần giữa các công ty liên hệ trong một tập đoàn đều bù trừ cho nhau và triệt tiêu. Nhưng trên phương diện nghĩa vụ trả nợ và giải trình trách nhiệm thì các lãnh đạo của các công ty con vẫn có trách nhiệm trả nợ cho công ty mẹ và phải chịu trách nhiệm cho việc kinh doanh thua lỗ.

Điều này cũng đúng cho công ty tài chính khi công ty này cho vay các công ty thành viên một cách bừa bãi gây hậu quả và thất thoát cho TCT vì các công ty thành viên đã đầu tư vào những công trình hay dự án không hiệu quả và mất khả năng trả nợ đối với công ty tài chính của tập đoàn.

Nếu TCT trả nợ thay công ty con và xem như nghĩa vụ trả nợ của công ty con đối với công ty tài chính của tập đoàn đã hoàn tất thì về bản chất là lấy tiền nhà nước trong tập đoàn để đi xử lý khoản nợ do làm ăn bết bát của công ty con. Đó là điều không thể chấp nhận được. Lấy tiền nhà nước để xóa sổ nợ nần của các công ty thành viên là cách tập đoàn này muốn giải quyết nhanh thua lỗ. 

Nhưng tôi cho rằng, việc này chỉ được thực hiện khi: Đầu tiên, phải điều tra sai phạm của Công ty tài chính cho rõ ràng, xác định nguyên nhân thua lỗ do đầu tư hay cho vay không hợp lệ, hợp pháp. Quy rõ trách nhiệm những cá nhân, tập thể gây ra thiệt hại đó. Nếu sử dụng vốn sai, có dấu hiệu chiếm dụng phải thu hồi tài sản, truy tố hình sự.

Sau khi nguyên nhân được điều tra rõ ràng, lúc đó mới xem xét Công ty tài chính đó có đủ sức, đủ tiềm năng, sự tồn tại có cần thiết không để quyết định số phận công ty này.

Để quyết định số phận Công ty tài chính cao su, phải làm rõ lỗ lãi công ty này là bao nhiêu. Nếu theo kết luận của thanh tra lỗ của Công ty tài chính này hiện nay còn cao hơn tổng tài sản thì có khả năng Công ty tài chính đang hoạt động với vốn tự có âm và như vậy Chính phủ phải xem xét toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty này.

Thực hiện tái cơ cấu, yêu cầu thoái vốn ngoài ngành, lĩnh vực nào được đầu tư, lĩnh vực nào phải rút… khi xác định lỗ lãi thế nào, cần bao nhiêu vốn đề bù, ai phải bù (có thể là cá nhân lãnh đạo, các cổ đông….) lúc đó mới xác định nên cho giải thể, hay xác nhập để công ty mẹ phải chịu trách nhiệm. Nếu thua lỗ, hụt vốn nhưng Công ty này vẫn phải hoạt động thì bắt buộc phải xác nhập vào công ty mẹ vì nếu không nó sẽ không thể hoạt động được.

Nhưng nếu lỗ lớn triệt tiêu vốn tự có, tức là nó không thể hoạt động được nữa, nuôi nó chỉ như nuôi một cái xác đã chết, cách giải quyết tốt nhất là cho giải thể.

PV:- Theo ông, trách nhiệm cá nhân trong những sai phạm của Tập đoàn Cao su nên được nhìn nhận thế nào?  Hình thức xử lý hợp lý sẽ là gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: - Nên phân biệt rạch ròi giữa hai trách nhiệm thương mại và trách nhiệm hình sự. Những hành vi như làm khuynh đảo, lũng đoạn, lừa đảo lấy tiền của công ty qua hình thức này hay hình thức khác thì phải xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu thua lỗ do kinh doanh, đầu tư thì đó chỉ là trách nhiệm thương mại, trách nhiệm này không thể xử lý hình sự bằng cách bỏ tù được mà chỉ có thể xử lý bằng cách thu hồi tài sản, yêu cầu bồi thường, đền bù.

Trong trường hợp xem xét trách nhiệm của VGR, trước hết phải lần lại lịch sử thành lập tập đoàn họ có được Chính phủ cho phép đầu tư ngoài ngành hay không? Nếu không được phép thì những cá nhân, tổ chức của tập đoàn phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp Chính phủ cho phép thì tình trạng thua lỗ nên xem xét trước hết trên phương diện trách nhiệm thương mại và sau đó nếu có dấu hiệu gian lận, lừa đảo thì mới tra cứu trách nhiệm hình sự

Tuy nhiên, với kết luận của thanh tra chính phủ, trong bất cứ trường hợp nào lãnh đạo Tập đoàn VGR, là những người thừa hành Chính phủ điều hành tập đoàn này họ phải giải trình và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Đất Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/sai-pham-tap-doan-cao-su-phai-quy-ro-trach-nhiem-a407.html