Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Phù Lá ở Lào Cai

Người Phù Lá là một trong những dân tộc ít người ở Lào Cai còn lưu giữ được nhiều vốn văn hóa truyền thống, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.


Người Phù Lá quan niệm tổ tiên luôn phù hộ cho con cháu do đó phải thờ phụng chu đáo

Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng văn hóa dân gian đặc sắc, mang đậm yếu tố văn hóa tâm linh được thể hiện rõ trong các quan niệm, nghi lễ và kiêng kỵ của cộng đồng người Phù Lá ở Lào Cai.

Người Phù Lá quan niệm tổ tiên thuộc loại ma lành luôn phù hộ cho con cháu do đó phải thờ phụng chu đáo, nếu thờ cúng không cẩn thận con cháu sẽ bị tổ tiên chê trách, trừng phạt làm cho gia đình gặp chuyện không hay, con cháu bị ốm đau...

Nơi thờ cúng tổ tiên được lập ở gian giữa nhà của người Phù Lá, bởi quan niệm gian giữa có vị trí là trung tâm và trang trọng nhất. Tổ tiên rất linh thiêng, đặc biệt quan trọng nên phải đặt chỗ thờ ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà.

Bàn thờ của người Phù Lá chỉ là một tấm phên đan bằng nứa hoặc vầu đặt ở gian giữa nơi nối hai miếng vách đan bằng dát tre, bên cạnh phía bên phải có mở một cửa giả gọi là cửa ma “Na tánh”. Cửa này chỉ được mở ra khi cúng lễ.

Nơi thờ tổ tiên là nơi linh thiêng, vì thế khi đi chọn vật liệu phải tìm ngày tốt, thường là ngày chẵn, tránh ngày sinh và ngày mất của người thân đồng thời phải tránh ngày con Hổ (ngày đổ máu), ngày con rắn là ngày không may mắn. Chủ nhà chọn chặt những cây nứa già và thẳng không bị sâu đục thân hoặc không bị cụt ngọn hay bị dây leo vì quan niệm đây là những cây không trọn vẹn, không đầy đủ sau này con cháu làm ăn không phát triển được, trong nhà hay có người ốm đau.

Lễ vật dâng cúng trong lễ cúng lập cửa ma gồm: con gà trống, con lợn, 2 bát xôi kén, 2 bát cơm nương, 2 đôi đũa, 2 chiếc bát, 2 chén rượu, 1 ống rượu (1 chai rượu), 1 búp cây chẩn, 1 gói muối ớt, 3 chiếc vòng tay bạc, 1 bát nước, 1 bát mỡ làm đèn thắp, 1 bó hương, 2 bộ trang phục nam nữ. Mâm lễ vật được bày ngay trên sàn nhà ở dưới có dải lót 2 tàu lá chuối gốc vào phía trong cửa ma (hướng Đông) đầu ngọn quay ra phía ngoài (hướng Tây), thể hiện mong muốn cầu cho “người yên vật thịnh”.

Lễ vật do chủ nhà xếp thành vòng tròn quanh mâm cúng, con gà để chính giữa mâm, đầu hướng vào phía cửa ma, riêng con lợn được chặt cắt thành từng bộ phận để ghép vào nhau thành hình con lợn đặt lên phía trên trước chỗ đặt con gà trong mâm cúng với ý nghĩa: “Dâng lợn gà cúng cho tổ tiên về nhận ăn uống no say rồi cầu sự phù hộ từ tổ tiên”.

Gia chủ sau khi bày lễ xong mời thầy cúng "à pơ" giúp cúng. Thầy rót rượu và đọc cúng đại ý cầu mong phù hộ cho gia đình con cháu được mạnh khỏe, người già sống lâu trăm tuổi, người trẻ mau ăn chóng lớn làm việc năng suất; cầu cho vật nuôi trong nhà không bị ốm đau bệnh dịch mà sinh sôi phát triển đông con như đàn gà, nhiều con như đàn lợn; cầu cho mùa màng tươi tốt, không bị sâu hại lá, không bị sâu đục thân, cho vụ mùa thu được đầy nhà…

Người Phù Lá thường cúng tổ tiên vào các dịp như: tết nguyên đán” Khuy cua mạ”, tết rằm tháng giêng 15/1 “Khủi êm mề hà sơ nga nhị”, tết thanh minh 3/3 “ Khủi êm mế”, tết rằm tháng năm 5/5, tết rằm tháng 7 (14/7) “Khủi sính sị”, lễ cơm mới “ Dạ ì sình da”(tháng 9 âm lịch), hoặc khi tổ chức cúng gọi hồn, cúng chữa bệnh, lên nhà mới… Mục đích của mỗi lần cúng đều tương đối giống nhau, họ đều mong muốn gia đình được yên ổn làm ăn, con cháu người già đều mạnh khỏe, vật nuôi phát triển, mùa màng bội thu..

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tin-nguong-tho-cung-to-tien-cua-nguoi-phu-la-o-lao-cai-a4043.html