Bạc Liêu, đi qua là nhớ

Văn hóa có mạnh dân tộc mới mạnh. Từ văn hóa, một Bạc Liêu mới năng động, tươi trẻ, nồng nàn sinh lực đã xuất hiện. Từ văn hóa, Bạc Liêu làm ngỡ ngàng khách phương xa.



Vinh danh và bảo tồn đờn ca tài tử
Gừng cay muối mặn

 Có lần rời Bạc Liêu, khách dự hội nghị được tặng… hai bịch muối trắng tinh. “Vậy mà sao cứ ám ảnh hoài”, nhiều đại biểu tâm tư như vậy. Những ô muối lóng lánh xứ biển Đông Hải, những tấm áo diêm dân bạc màu quần quật nắng mưa, suốt nhiều thế hệ... Muối Đông Hải đi xa từ lâu rồi. Ông Huỳnh Văn Bé, chủ cơ sở “Muối sấy Ngọc Yến” danh tiếng ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), từng đoạt nhiều huy chương vàng cấp quốc gia, xuất đi nhiều nước, “bật mí”: Chính muối Bạc Liêu đã tạo ra sản phẩm của ông do “cái hậu nó ngọt lắm”.  Gừng cay muối mặn. Món quà bình dị ẩn chứa tiềm năng thế mạnh bờ biển Bạc Liêu, sự sáng tạo, cần mẫn chắt lọc tinh hoa trời đất cùng sự tình chân chất, thanh sạch và nồng nàn đằm thắm của người Bạc Liêu.

Câu chuyện về cây đờn kìm, một trong “tứ tuyệt” của cổ nhạc Việt Nam cũng thật kỳ thú. Người Bạc Liêu đã nghe, đã ôm cây đờn kìm suốt vòng đời của mình. Bên chiếc vó chiếc đăng; bên luống rau, mảnh vườn, thửa ruộng và “tay đờn tay súng”, mang cả vào hai cuộc chiến tranh giữ nước dặm dài khói lửa. Tâm hồn người Bạc Liêu cũng mộc mạc chân tình, tha thiết như tiếng đàn kìm vậy. Để hôm nay, nó vụt chói sáng, trang trọng hơn.

Duy nhất cuối trời Nam, ngay giữa Quảng trường Hùng Vương sừng sững cây đờn kìm “khổng lồ” được đỡ bởi 5 cánh sen trên hồ nước hình ngôi sao 5 cánh. Nó “xộc” thẳng vào nỗi niềm đam mê, “ru hồn” nghiêng ngả từ loại hình truyền thống (đờn ca tài tử, cải lương, vọng cổ…)  của cư dân châu thổ. Đờn kìm còn xuất hiện đủ loại kích cỡ, chất liệu trong khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, trong nhà khách Tỉnh ủy, các khách sạn, khu di tích, điểm du lịch… Vào Khu du lịch Nhà Mát, nơi có cây đờn kìm “treo” lơ lửng trên vách núi, được nghe ông Trần Quốc Doanh, Tổng giám đốc Công ty CP ô tô Bảo Toàn (chủ đầu tư), giới thiệu một công trình mới, thật ấn tượng: Dự án “Khách sạn Đờn Kìm” 5 sao, cao hàng chục tầng, quy mô hơn trăm phòng; hai “dây” đờn chính là hệ thống thang máy…

Cây đờn kìm bình dị như “chở” cả chiều sâu hun hút của văn hóa nơi này, nhắc nhở đến những tài danh Bạc Liêu góp công lớn cho nền cổ nhạc Việt Nam (Hai Khị, Trịnh Thiên Tư, Năm Nghĩa, Ba Chột, Cao Văn Lầu...), đến loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Cây đờn kìm, biểu tượng văn hóa của TP Bạc Liêu: “Thành phố đờn kìm”, “Thành phố đờn ca tài tử”, hai cụm từ mới xuất hiện gần đây đã ghi nhận dáng vẻ và vị thế mới của Bạc Liêu: Thiên thu thăm thẳm nguyệt cầm.

Đi lên từ văn hóa

Văn hóa Bạc Liêu như mạch ngầm, thẩm thấu, chảy hoài chảy mãi qua nhiều thế hệ và ngày càng ngát hương trong vườn hoa văn hóa dân tộc; định hình rõ nét, lan tỏa mạnh mẽ trong vòng mấy năm gần đây.

Cái mốc đó bắt đầu bằng chủ trương “Đi lên từ văn hóa” của Tỉnh ủy Bạc Liêu. Chủ trương này từng khiến không ít người “giật mình”. Bạc Liêu chưa phải tỉnh giàu, cách xa các trung tâm lớn, đầu tư vào văn hóa khó nhận ngay ra hiệu quả, không mang lại lợi nhuận tức thời…

Có lần chúng tôi đặt câu hỏi trực tiếp với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng và được ông cởi mở: Bạc Liêu còn nghèo, tiềm năng hạn chế; chính vì vậy phải chủ động tìm ra hướng đi đột phá trên cơ sở phát huy, đẩy mạnh nội lực; tranh thủ tối đa ngoại lực. Ông giải thích rõ hơn: “Đi lên từ văn hóa là nâng cao yếu tố văn hóa trong mọi lĩnh vực, cả trong kinh tế. Khai thác, tận dụng thế mạnh văn hóa sẽ tạo sự phát triển cân bằng, hài hòa, bền vững với các mục tiêu khác. Đề cao văn hóa cũng là đề cao cách ứng xử, hiếu khách, lịch sự với bên ngoài; khoan dung với bên trong; hài hòa với đối tác…”.  Động cơ và mục tiêu hướng tới của chủ trương “Đi lên từ văn hóa” hòa quyện làm một, thật nhân văn.

Chính văn hóa đã nâng cao phẩm hạnh và bản lĩnh người Bạc Liêu, từ xa xưa lận. Đó là sự sáng tạo tuyệt vời trong chiến đấu và lao động; lòng kiên trung, bất khuất trước cường quyền. Là sự dâng hiến tận cùng cho quê hương, đất nước của bao người mẹ, người chị Bạc Liêu. Và còn là dòng chảy đậm đà nhân nghĩa, nhân văn của “Dạ cổ hoài lang”, của hai lần giành chính quyền thắng lợi (1945, 1975) đều không đổ máu…

Bạc Liêu đã khai thác triệt để các giá trị văn hóa qua cách ứng xử, giao lưu, các kênh đối ngoại, giáo dục, truyền thông… và biến nó trở thành động lực phát triển, tạo ra những giá trị gia tăng, hình thành “Sức mạnh mềm văn hóa” làm đổi thay nhanh chóng diện mạo Bạc Liêu. Đó là sự ấm áp chân tình, nồng nàn phóng khoáng nhưng khiêm nhường, cầu thị; là sức hấp dẫn, thu phục nhân tâm, tạo ra đồng thuận; là khả năng lôi cuốn đối tác, bạn bè...

Cổ kim hòa điệu

Giờ đây nhìn lại, ngay người Bạc Liêu cũng giật mình trước sự đổi thay của xứ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu. Đã xuất hiện cuối trời Nam một không gian văn hóa mở - mới - độc đáo; hiện đại nhưng vẫn đậm đà sắc hương Bạc Liêu. Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Văn học Nghệ thuật - Nhà hát Cao Văn Lầu có vòm mái lại cách điệu với ba chiếc nón lá chao nghiêng. Nơi đây vừa kết thúc đầy hào hứng “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc - 2015” với gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, 33 vở diễn từ 27 đơn vị nghệ thuật cả nước. Hơn nửa tháng tranh tài, ngày nào khán phòng trên 500 chỗ ngồi cũng chật kín. Cụm tượng đài ở Quảng trường trung tâm Hùng Vương, Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu… gây ngỡ ngàng cho khách phương xa. Bạc Liêu nhanh chóng là “Điểm hẹn văn hóa”, tụ hội hàng loạt sự kiện văn hóa, âm nhạc, thể thao, hoa hậu… cấp quốc gia, quốc tế. Du lịch Bạc Liêu tăng sức cạnh tranh hơn, chiếm 6/21 điểm du lịch tiêu biểu, lọt vào tốp 5 trọng điểm du lịch ĐBSCL cũng nhờ những giá trị khác biệt, độc đáo từ các sản phẩm văn hóa bản địa.

Người Bạc Liêu lớn lên nhờ “rễ sâu đất làng”. Ở xứ này, ai ai cũng “lận lưng” vài ba câu “xàng, xừ, xang, xê, cống”; từng con rạch nhỏ vẫn trầm bổng, day dứt Đường dầu xa, ong bướm/Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. Hơn 40 năm trước trên đất Bắc nghe anh Tư Thắng người gốc Bạc Liêu “xuống xề” đã lắm; nay gặp lại chẳng những ca, anh còn sáng tác nhạc. Cái chất nghệ sĩ, tình thủy chung hay phóng khoáng “tứ hải giai huynh đệ” của người Bạc Liêu (và châu thổ) chắc cũng nhờ loại hình nghệ thuật đặc sắc này nhiều lắm?

Dạ cổ lưu truyền/Hoài lang tuyệt tác. 96 năm qua, vật đổi sao dời đã nhiều nhưng “bản nhạc vua” của cụ Sáu Lầu vẫn ngân nga suốt gần 1/3 chặng đường hình thành dải đất phương Nam; làm sáng danh ba, bốn thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đất Bạc Liêu, trở thành viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 là sự thăng hoa, nâng cao về chất, là điểm nhấn của một lộ trình văn hóa.

Cách làm kinh tế của Bạc Liêu cũng “điệu” lắm. “Bạc Liêu đã thực sự quan tâm, “trải thảm” cho các nhà đầu tư nên dù ở tận ngoài Bắc, chúng tôi vẫn quyết định trụ lại đây lâu dài”, Tổng giám đốc Trần Quốc Doanh tâm sự. Cái tình đó cũng “níu kéo” dự án Điện gió 62 turbine - 99,2 MW; Nhà máy chế biến gạo 200.000 tấn, rồi Tập đoàn Việt Úc, doanh nghiệp Hải Nguyên… 98 dự án phát triển kinh tế, xã hội với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng (2015), tăng gấp 55 lần so với năm 2010. Và cả một “dáng đứng” mới: Thành phố Bạc Liêu - thành đô thị loại 2 sớm trước 1 năm, huyện Giá Rai trở thành thị xã…

Trong đợt phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú mới đây, Bạc Liêu có tới 14 nghệ nhân dân gian được vinh danh (13 nghệ nhân đờn ca tài tử và 1 nghệ nhân âm nhạc dân tộc Khmer). Đây là vùng đất “Trai tài tử, gái hoa hậu”, ông Trần Minh Huấn hóm hỉnh và nhấn mạnh: Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội chùa Ông, Quán Âm Nam Hải, hò chèo ghe, nói thơ Bạc Liêu... sẽ được nâng tầm. Giáo án đờn ca tài tử (Nhạc viện TPHCM phê duyệt) được đưa vào trường học; nâng chất gần 200 CLB cùng cả ngàn nghệ nhân đờn ca; thành lập 8 CLB đờn ca tài tử phục vụ 8 điểm du lịch tiêu biểu... Và thật lạ, cũng chỉ về Bạc Liêu mới nghe người ta nhắc nhiều đến “Gia đình đờn ca tài tử”, “Ấp, khóm đờn ca tài tử”, “Dòng họ đờn ca tài tử”…

40 năm sau giải phóng, Bạc Liêu đã bước lên vị thế mới. “Cổ kim hòa điệu”. Nắm chặt, gìn giữ, chắt lọc, phát huy hơn nữa những giá trị tinh hoa vô giá, đó là bổn phận lớp cháu con. Từ văn hóa, một Bạc Liêu mới năng động, tươi trẻ, nồng nàn sinh lực đã xuất hiện. Bao thuở đó đây sum vầy/Duyên sắc cầm đừng lợt phai như vẫn lãng đãng đâu đây. Bạc Liêu, đi qua là nhớ.

 Văn hóa đã đặt yếu tố con người vào vị thế trung tâm, mở ra nhiều cơ hội; làm bật dậy mãnh liệt hơn những giá trị tiềm ẩn trong con người Bạc Liêu. “Nâng tầm văn hóa giúp việc xây dựng con người - yếu tố gốc để phát triển văn hóa đúng hướng, lòng người thêm rộng mở, xích lại gần nhau hơn. Cán bộ được trui rèn, bắt nhịp nhanh hơn tư duy đổi mới và kỹ năng quản lý, điều hành”, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu Trần Minh Huấn xác nhận.

Theo Vũ Thống Nhất (SGGP Online)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bac-lieu-di-qua-la-nho-a3996.html