Nét đẹp trang phục phụ nữ dân tộc Thái, Nghệ An

Người Thái ở Nghệ An vẫn còn lưu giữ được khá nhiều nét bản sắc, đặc biệt là trang phục phụ nữ.


Trang phục phụ nữ Thái đen và Thái trắng ở Nghệ An. Ảnh: Dantri

Người Thái là một dân tộc rất coi trọng về hình thức trang phục. Điều này không chỉ thể hiện trong các dịp lễ hội mà ngay trong cuộc sống hàng ngày cũng cần mặc đẹp. Mỗi bộ y phục được làm ra chính là tình cảm, là niềm tự hào của dân tộc Thái đối với trang phục. Trang phục nữ có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội người Thái. Nó vừa giải quyết nhu cầu “mặc” của các thành viên trong gia đình, vừa thể hiện nét văn hóa đặc trưng của dân tộc thông qua các hoa văn trên trang phục.

Bộ trang phục của phụ nữ Thái Nghệ An bao gồm: váy, áo, thắt lưng, khăn xéo và các loại trang sức đi kèm như hoa tai, vòng cổ, vòng tay bằng bạc… Áo được may bằng nhiều loại vải với nhiều màu sắc khác nhau như trắng, xanh, hồng... bó sát thân với hàng khuy trắng bạc. Váy kết hợp với áo tạo nên nét duyên dáng, uyển chuyển cho người phụ nữ.

Váy của người Thái dài chấm gót, được dệt bằng sợi thô hoặc sợi tơ tằm, nhuộm đen phần trên, phần giữa hoặc cạp váy thêu hoa văn, họa tiết sắc màu sặc sỡ. Hoa văn trên trang phục phụ nữ Thái phần lớn là các hình mô phỏng về thiên nhiên như hoa lá, động vật, mặt trời, các hình khối với nhiều màu sắc sặc sỡ, được kết hợp tinh tế, thể hiện mối quan hệ bền chặt của con người với thiên nhiên. Còn dải thắt lưng làm bằng sợi bông, màu xanh cánh chả hoặc hồng, giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng.

Chiếc khăn xéo quấn trên đầu màu sắc sặc sỡ là điểm nhấn cuối cùng làm nên vẻ đẹp duyên dáng cho bộ trang phục của phụ nữ Thái.

Trong đời sống tình cảm, chiếc khăn piêu cũng trở thành vật trao duyên của đôi trai gái. Khăn piêu được phụ nữ Thái tự dệt bằng loại vải bông, nhuộm chàm, thêu các hoa văn với các loại chỉ màu ở hai đầu khăn. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn piêu đẹp nhất. Từ giây phút đó, khăn piêu không những trở thành cầu nối tình yêu của họ mà còn ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay cô gái mình yêu.




Trang phục của phụ nữ Thái trong lao động sinh hoạt hằng ngày có những điểm khác so với trang phục dành cho lễ hội. Ảnh: BaoNghean

Trang phục của phụ nữ Thái trong lao động sinh hoạt hằng ngày có những điểm khác so với trang phục dành cho lễ hội. Trang phục lao động thường ngày không được dệt may cầu kỳ như lễ hội mà chủ yếu là đảm bảo yếu tố bền, sạch. Khi làm việc trên nương rẫy, phụ nữ mặc theo lối quấn cạp váy cho gọn và sạch, áo cánh không viền cổ hay nẹp. Khi làm việc trong nhà, phụ nữ mặc váy đến mắt cá chân, nhiều cụ già mặc váy kéo cao che phần ngực và thắt dây lưng giống phụ nữ Mường, không mặc áo.

Khăn cũng có kiểu đội riêng, một nửa khăn vắt lên búi tóc rồi buông ra sau gáy, nửa còn lại vắt tiếp ra sau, chéo lên nửa kia chứ không gập ở đỉnh đầu như khăn piêu đi hội, hai đầu được thắt lại sau gáy vừa gọn, vừa chắc.

Dây lưng không làm cầu kỳ, không gép vải trang trí ở hai đầu. Các cụ thường mặc áo không có hằng cúc bướm mà chỉ có hàng cúc vải. Hàng ngày, phụ nữ Thái có mang đồ trang sức nhưng không nhất thiết đủ bộ, thường chỉ đeo hoa tai.

Hiện nay, trang phục phụ nữ Thái không chỉ là nét đẹp văn hoá truyền thống mà còn là sản phẩm hàng hoá giúp gia đình tăng thêm thu nhập. Trải qua hằng trăm năm gìn giữ, bảo tồn, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái được truyền nối từ đời này sang đời khác, trở thành yếu tố cấu thành văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không thể không giữ gìn trang phục. Việc làm ra những bộ trang phục không chỉ đáp ứng nhu cầu mặc của các thành viên trong gia đình mà rộng hơn còn góp phần phát triển kinh tế hộ. Hơn thế nữa, những bộ trang phục nữ Thái đen trong bối cảnh hiện nay còn góp phần quảng bá văn hóa của dân tộc mình tới khách du lịch, bạn bè khắp năm châu trên thế giới đến với vùng đất ưa chuộng hòa bình và mến khách.

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/net-dep-trang-phuc-phu-nu-dan-toc-thai-nghe-an-a3978.html