Tồn tại hay không tồn tại?
Năm 1965, Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc bộ, leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Vĩnh Linh (Quảng Trị) – mảnh đất địa đầu giới tuyến là một trong những mục tiêu đánh phá hàng đầu của không lực Hoa Kỳ. Nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc cho miền Nam nên chưa đầy 7 năm (từ 1965-1967), đế quốc Mỹ đã rải xuống Vĩnh Linh hơn nửa triệu tấn bom, đạn các loại (bình quân mỗi người dân phải hứng chịu 7 tấn). Chúng âm mưu biến nơi đây thành vành đai trắng.
Với phương châm “Một tấc không đi, một li không rời. Mỗi làng xã là một pháo đài”, Khu ủy Vĩnh Linh đã chỉ thị cho đồn công an nhân dân 140 cùng dân địa phương khẩn trương đào địa đạo. Bằng chiếc la bàn cũ và trình độ vừa hết tiểu học, trưởng đồn Lê Xuân Vy đã chỉ huy quân và dân Vĩnh Linh chỉ trong vòng 2 năm, với 18.000 ngày công đã kiến tạo nên địa đạo Vịnh Mốc – một công trình huyền thoại, nơi sinh sống của hàng trăm con người (có lúc lên tới gần 1200 người) trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù.
Du khách nước ngoài thăm địa đạo Vịnh Mốc - ảnh TL
Sau khi hoàn thành vào năm 1967, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài khoảng hơn 2000m, gồm 3 tầng. Tầng thứ nhất dùng để sinh sống, sâu 12m; tầng thứ hai được dùng làm nơi cất giữ lương thực, vũ khí và sinh hoạt chung sâu 15m; còn tầng dưới là nơi tránh bom cách mặt đất 23m (tầng này cao 3m so với mực nước biển). Địa đạo Vịnh Mốc có tất cả 13 cửa hầm, trong đó có 6 cửa thông lên đồi có thêm tác dụng là lỗ thông hơi, 7 cửa còn lại thông ra biển là nơi vận chuyển hàng trăm chuyến hàng tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Cửa hầm lắp gỗ chống sập, thường xuyên được gia cố, lại được bố trí các khe thoát nước nên không sợ sụt lở hay nước mưa tràn vào hầm.
Ý chí ngoan cường không chịu khuất phục, sức sáng tạo vô hạn đã giúp quân dân Vĩnh Linh tìm ra con đường sống cho chính mình trước nguy cơ bị diệt vong.
Du khách nghe thuyết minh về địa đạo - ảnh Minh Quân
Sự sống nảy sinh từ trong cái chết
Nhằm đảm bảo việc ăn ở lâu dài cho hàng trăm con người trong lòng đất, cứ cách 4m theo chiều dọc, những người thiết kế địa đạo lại bố trí 1 căn hầm nhỏ (bằng cách khoét lõm sâu vào 2 bên) với 1,8m chiều dài và 0,8m chiều ngang, đủ cho gia đình 4 người cư trú. Trong địa đạo còn đào 3 giếng nước ngọt, đủ để cấp nước sinh hoạt cho cư dân ở đây trong 6 năm liền. Ngoài ra còn có một hội trường với sức chứa đến 50 người, bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, kho lương thực và bếp Hoàng Cầm, nhà vệ sinh công cộng… được bố trí một cách hợp lý, tiện cho sinh hoạt. Địa đạo trở thành nơi ở của nhân dân trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Cuộc sống gần 2000 ngày ấy diễn ra trong bóng tối của đường hầm (đồng bào nơi đây chỉ ra khỏi hầm lúc cần thiết hoặc bớt nguy hiểm). Các nhiên liệu thắp sáng được tiết kiệm ở mức tối đa, chỉ sử dụng khi cấp cứu bệnh nhân, sản phụ sinh nở hoặc hội họp.
Mặc cho giặc Mỹ ngày đêm bắn phá điên cuồng trên mặt đất. Mặc cho cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí, điều kiện sinh hoạt chật hẹp, thiếu thốn đủ đường… sự sống nơi đây vẫn nảy sinh từng ngày. Tất cả việc học hành, yêu thương, sinh con đẻ cái và chiến đấu…của một làng quê cứ đều đều diễn ra trong lòng đất. Địa đạo Vịnh Mốc là nơi ghi dấu sự ra đời của 17 em bé trong tổng số 60 em bé trong làng hầm Vĩnh Linh ngày ấy.
Lịch sử ghi lại, không có thiệt hại nào về nhân mạng tại địa đạo Vịnh Mốc là minh chứng tiêu biểu cho nghệ thuật đỉnh cao về quân sự và kiến trúc của quân và dân Vĩnh Linh.Chiến tranh đã lùi xa, địa đạo Vịnh Mốc gần như còn nguyên vẹn.
Ngày nay, du khách có thể đến thăm công trình địa đạo Vịnh Mốc tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia làng hầm Vĩnh Linh, để cảm nhận chân thực nhất sự tàn khốc của chiến tranh, để tận mắt chứng kiến nét tài hoa của cha ông ta và để cảm phục sự kiên cường, bất khuất của một thế hệ tại “Vùng đất thép” này.n
Theo Cao Ngọc (Báo Du Lịch)