Thực hư khu vườn tuyệt thực trị bá bệnh ở Bến Tre

Câu chuyện tuyệt thực trị bá bệnh xuất phát ở Bến Tre, kể rằng có một người thợ hồ theo đuổi phương pháp tuyệt thực trị bệnh suốt 40 năm nay. Ông trị bệnh cho mình và hướng dẫn người bị các chứng bệnh nan y như ung thư, viêm gan siêu vi (A,B,C), tim mạch... đều tự khỏi bệnh sau khi được ông hướng dẫn tận tình phương pháp tuyệt thực.

 
Ảnh minh họa

Vậy thực hư của câu chuyện ra sao? Và ý kiến của chuyên gia về vấn đề khu vườn tuyệt thực trị bá bệnh ở Bến Tre như thế nào?
 
Người thợ hồ nắm giữ phương pháp bí truyền ấy có tên là Lê Văn Nhì, sinh năm 1932, cư ngụ tại ấp Hoà Chánh, xã Sơn Hoà, Huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Người dân quanh vùng gọi ông là Ba Nhì. 
 
Từ trụ sở UBND xã Sơn Hòa tại chợ Cái Nứa, chúng tôi phải đi sâu vào một con đường nội đồng trải bê tông chạy ngoằn ngoèo giữa nhựng vườn dừa hun hút. Nếu không có người hướng dẫn, chúng tôi không thể nào tìm ra được ngôi nhà của ông, bởi nó ẩn sau trong một vườn cây đủ chủng loại. 
 
Ngôi nhà cấp 4 khá cũ kỹ, có lẽ đã được xây cấy từ cái thuở các mẫu nhà hiện đại chưa len lỏi về vùng quê này. Vì thế, tuy mang dáng dấp cấp bốn nhưng ngôi nhà vẫn được phân chia thành 3 gian theo kiểu "danh gia miệt vườn xưa".
 
Nhờ được người quen giới thiệu trước, chúng tôi được ông Ba Nhì tiếp đón cởi mở, không khách sáo. Mặc quần đùi, ở trần, không gượng gạo chủ - khách, ông trò chuyện như tâm sự với con cháu trong nhà. Chúng tôi dùng từ "cởi mở bởi rất nhiều nhiều người muốn tìm hiểu về phương pháp tuyệt thực trị bệnh đều bị ông từ chối với lý do: bí truyền. 
 
Theo ông Ba Nhì, "bí truyền" không đồng nghĩa với "tuyệt pháp". Bí truyền của ông Ba Nhì hàm chứa ý: không truyền miệng rộng rãi gây nguy hiểm cho cộng đồng. 
 
Ông giải thích: “Đã là phương pháp thì phải tuân thủ một số quy tắc. Một số người cứ nghe người ta nhịn ăn trị bệnh cũng bắt chước nhưng không theo đúng trình tự dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng. Suốt 40 năm nay, tôi hướng dẫn đúng phương pháp cho hàng ngàn người nhịn ăn, không ai bị nguy hiểm, trái lại còn chữa được hàng chục loại bệnh nan y mà y học đã bó tay”.
 
Tuy đã hơn 80 tuổi, dáng dấp còm cõi nhưng trí nhớ ông Ba Nhì vẫn minh mẫn, giọng nói khỏe khoắn, văn ngôn khúc chiết, rõ ràng. Ông kể rằng, mình tiếp cận với phương pháp nhịn ăn trị bá bệnh này từ đầu năm 1974.
 
Khi đó ông mới 42 tuổi, đang hành nghề thợ hồ, bị khối u tuyến giáp. Ông khăn gói rời Bến Tre đến bệnh viện Ung thư Quốc gia (nay là Bệnh viện Ung bướu TPHCM). Khám xong bác sĩ cho biết đó là u ác tính, giải phẩu chỉ là giải pháp tạm thời kéo thêm chút ít thời gian sống. Sau phẫu thuật, ông phải chấp nhận tình trạng sống không thanh quản. Chi phí cho một ca giải phẫu hơn 5.000 đồng thời điểm đó tương đương 2 chỉ vàng và phải mổ vài lần. Với nghề thợ hồ, 2 chỉ vàng là cả một gia tài. Ông đành âm thầm rời viện ra về.
 
Một thời gian sau, nghe người quen kể ở Cần Thơ có một đạo sĩ pháp danh là Giác Thành chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp nhịn ăn. Không còn lựa chọn nào khác, ông Ba Nhì tìm đến đạo sĩ Giác Thành cầu may.
 
Giác Thành là đệ tử của Tịnh Quang Thiền Sư trụ trì điện Bồ Hong, Thiên Cấm Sơn (tức núi Cấm ở An Giang). Dạo đó, Tịnh Quang Thiền Sư rất nổi tiếng ở Sài Gòn được dư luận đặt cho biệt hiệu là Tam Khấu Đại Sư. Tịnh Quang Thiền Sư cũng là tác giả soạn bộ sách “Tâm Ấn đạo Phật” mà nhiều học giả đánh giá cao về triết lý Phật pháp, và là sư tổ của phương pháo tuyệt thực trị bá chứng nan y.
 
Sau khi Giác Thành học được hết bí quyết nhịn ăn trị bệnh, Tịnh Quang Thiền Sư cho “xuất sư, hạ sơn” trở về nguyên quán ở Phong Điền - Cần Thơ để chữa bệnh cứu người.
 
Ông Ba Nhì chí nghĩa, thật tình, đạo sĩ Giác Thành nhận làm để tử truyền thụ bí pháp. Lúc đó, ngoài ông Ba Nhì xin nhập môn học bí pháp còn có ông Nguyễn Văn Đính (cư ngụ An Hiệp), ông Hai Thôn (cư ngụ Mỏ Cày) và một số đệ tử khác. Tuy nhiên, sau một thời gian truyền thụ bí pháp, chỉ có ông Ba Nhì, ông Đính và ông Thôn được đạo sĩ Giác Thành cho “xuất sư” được phép hướng dẫn người khác tuyệt thực trị bệnh. Những đệ tử khác không đủ “kiến thức” nên đạo sĩ Giác Thành không cho “xuất sư” và cấm hướng dẫn người khác nhịn ăn trị bệnh vì sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
 
Sau khi được “xuất sư” ông Ba Nhì trở về nhà ở An Hòa hướng dẫn mọi người phương pháp nhịn ăn, trị bệnh nan y. Lúc đầu, nhiều người nghi ngờ tính hiệu quả của phương pháp tự trị bệnh này. Hầu hết những người tìm đến ông đều rơi vào trường hợp nan y, bác sĩ trả về. Họ mang tâm trạng của người sắp chết, thử nhịn ăn cầu may mắn. Thế nhưng, tất cả họ đều hết bệnh tật sau 2 lần “nhập thất” kể cả ung thư cận tử?
 
Theo ông Ba Nhì giải thích, “nhập thất” là một đợt nhin ăn 49 ngày. Kết thúc 1 đợt nhịn ăn gọi là “ra thất”, người bệnh được ăn trở lại để cân bằng dinh dưỡng. Sau đó, tiếp tục “nhập thất” lần thứ 2. Ông khẳng định, tất cả những chứng bệnh đều khỏi sau 2 lần nhập thất, chỉ một số ít phải  “nhập thất” lần 3.
 
Ông không đồng ý gọi phương pháp của mình là tuyệt thực mà chỉ chấp nhận đó là phương pháp nhịn ăn mặc dù người bệnh được yêu cầu nhịn đói triệt để suốt thời gian “nhập thất”. Trước khi “nhập thất” người bệnh phải uống thuốc sổ rửa ruột. Trong thời gian “nhập thất” người bệnh chỉ được phép uống nước chanh đường và một vài loại thức uống không đạm.
 
Trong thời gian “nhập thất”, bệnh nhân phải tập phương pháp tịnh thiền và tập thể dục dưỡng sinh. Nếu tập luyện đúng, cảm giác đói và thèm ăn của bệnh nhân sẽ bị triệt tiêu.
 
Thấy phương pháp nhịn ăn trị bệnh của ông hiệu quả, nhiều người đưa thân nhân đến trị bệnh. Từ đó, lúc nào trong vườn nhà ông cũng có vài chục bệnh nhân đến nhịn ăn trị bệnh. Ở khu vực ông cư ngụ, hầu như gia đình nào cũng tham gia nhịn ăn để tiêu trừ bệnh hoạn. Có người còn nhịn ăn liên tục được hơn 200 ngày (?). Dần dà, phương pháp nhịn ăn chữa bệnh trở thành phong trào ở khu vực Sơn Hòa.
 
Sau khi được hướng dẫn, người bệnh có thể về nhà tự thực hành “nhập thất” nhịn ăn, tuy nhiên ông khuyến cáo nên “nhập thất” tại nhà ông. Bởi có những người có thể trạng yếu.những ngày đầu nhịn ăn thực hành không đúng phương pháp “cấp cứu”, chống suy nhược. Với những người đến học phương pháp trị bệnh, ông Ba Nhì dứt khoát không nhận tiền. Ông chỉ yêu cầu họ tự mang các thức uống cần sử dụng trong quá trình nhịn ăn.
 
Các nhân chứng đã từng theo ông Ba Nhì áp dụng phương pháp nhịn ăn trị dứt được bệnh: Võ sư Nguyên Trọng Quyền - Ngũ đẳng Taekwondo, bị viêm gan B giai đoạn 2, ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An; ông Đồng Văn Rai, sinh năm 1949, bị đau khớp không đi lại được, cư ngụ xã Thanh Tân (Mỏ Cày, Bến Tre); bà Đặng Kiều Oanh, viêm gan siêu vi B, ở Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai.
 
Đặc biệt, có nữ bác sĩ. Thầy thuốc Ưu tú tên H.H. là trưởng một khoa của bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre.
 
Lúc đầu vị bác sĩ này hoàn toàn không tin và luôn bài bác về phương pháp nhịn ăn trị bệnh của ông Ba Nhì. Thế rồi, cha chồng của bác sĩ này bị ung thư lưỡi. Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã chỉ định cắt 1/3 lưỡi. Bỏ ngoài tai sự phản đối của con dâu, ông cương quyết tìm đến ông Ba Nhì. Sau 3 tháng thực hiện phương pháp nhịn ăn, khối u trên lưỡi ông ấy nhỏ dần rồi mất hẳn. Dù vậy, bác sĩ này vẫn chưa tin phương pháp nhịn ăn chữa bệnh này.
 
Cách đây khoảng 5 năm, bất ngờ bác sĩ này phát hiện mình bị nhiễm virus viêm gan C. Là bác sĩ, bà biết mình phải làm gì. Bà tích cực điều trị theo đúng phác đồ của đồng nghiệp chuyên khoa đưa ra. Tuy nhiên sau một tháng theo phương pháp y khoa, bà không chịu nổi sự vật vã của cơ chế phản vệ. Thương vợ, người chồng khuyên bà thử tìm đến phương pháp của ông Ba Nhì với ý định: Nếu sau 3 tháng áp dụng phương pháp nhịn ăn mà không dứt bệnh thì quay trở lại phác đồ điều trị tây y cũng không muộn.
 
Nhằm động viên tinh thần của vợ, người chồng cũng nhịn ăn theo. Sau 2 lần “nhập thất”, bà đi xét nghiệm máu và hoàn toàn bất ngờ khi thấy kết quả âm tính. Để chắc ăn, bà đến vài nơi khác xét nghiệm, kết quả vẫn âm tính.
 
Với bác sĩ H.H. đó là một cú sốc nghề nghiệp. Mọi định kiến về phương pháp “phản khoa học dinh dưỡng” của ông Ba Nhì hoàn toàn không tồn tại.
 
Từ đó, bà bắt đầu thực hiện đề tài nghiên cứu chuyên sâu về phương pháp nhịn ăn của ông Ba Nhì. Mỗi khi có thời gian rảnh, bà lại đến nhà của ông Ba Nhì tiếp cận từng bệnh nhân để theo dõi, ghi chép bệnh án cẩn thận.
 
Những bệnh nhân tìm đến ông Ba Nhì bắt đầu “nhập thất” bà đều đề nghị đến bệnh viện khám nghiệm lấy kết quả định bệnh để so sánh với kết quả xét nghiệm sau khi “ra thất”. Kết quả thật bất ngờ, nhiều bệnh nhân được bà H.H. theo dõi tại nhà ông Ba Nhì đều dứt bệnh. Điều lạ là, phương pháp nhịn ăn của ông Ba Nhì trị được mọi thứ bệnh nan y như ung thư, tâm thần thậm chí có trường hợp bị nhiễm HIV vẫn còn sống khỏe mạnh tại TP Bến Tre.
 
Cách đây không lâu, ngành y tế của tỉnh Bến Tre đã cấm không cho ông Ba Nhì trị bệnh là đúng. Bởi, ông Ba Nhì không có bằng cấp chuyên môn về y tế cũng như đông y; trình độ văn hóa của ông chỉ lớp 3; phương pháp nhịn ăn trị bệnh là phản khoa học dinh dưỡng.
 
Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, Trưởng bộ môn Ung bướu Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM:
 
“Tôi không ủng hộ phương pháp nhịn ăn, trị bệnh ung thư. Đó là phương pháp phản khoa học, sai lệch về chuyên môn.Cơ thể luôn cần dưỡng chất để nuôi tế bào. Muốn tránh ung thư thì cần ăn lành, uông đủ , ngủ sâu. Tôi đã phân tích điều này trong quyển “Cẩm nang phòng trị ung thư” (Nhà xuất bản tổng hợp TP.HCM). Phòng ung thư thì tiết chế không ăn, uống quá đáng chứ không thể nhịn ăn nhiều ngày. Nhịn ănnhiều ngày thì cơ thể con người sẽ chết trước khi tế bào ung thư chết. Người bị ung thư cần giữ cơ thể không suy kiệt để có sức điều trị”.

Theo An Ninh Thế Giới

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thuc-hu-khu-vuon-tuyet-thuc-tri-ba-benh-o-ben-tre-a393.html