Tuy không hoành tráng như cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận, Rạch Miễu nhưng chiếc cầu Hàm Luông lại có vị trí rất quan trọng cho phát triển kinh tế của địa phương. Người quê tôi ai cũng hân hoan tột độ khi sau bao năm khát khao có một chiếc cầu thuận tiện cho việc đi lại, giờ điều mong ước đã trở thành hiện thực. Nhưng khi nghĩ về những công lao to lớn của bến phà Hàm Luông trên sông quê năm xưa, trong tôi bỗng thấy như hẫng hụt một chút gì đó thuộc về ký ức mà không bao giờ tìm lại được.
Những chuyến phà Hàm Luông trong buổi trưa (Ảnh chụp vào đầu năm 2010, lúc này cầu Hàm Luông đã sắp thông xe kỹ thuật).
Về thăm quê lần này, khi nhìn thấy chiếc cầu Hàm Luông vắt qua con sông cùng tên đục ngầu phù sa, tôi mừng, rồi lại hoài niệm về tuổi thơ ở đó. Trước đây, nhà tôi nằm trên Quốc lộ 60, nơi có con đường dẫn ra bến phà Hàm Luông. Lúc đó khu phố tôi tấp nập lắm, lúc nào cũng đông đúc người qua lại, nhất là vào ngày lễ, giáp Tết, xe cộ nhấn kèn inh ỏi, người bán hàng rong chào mời khách luôn tay, còn khách đi xe thì réo gọi nhau í ới mãi tận đến khuya…
Mỗi sáng, tôi vẫn được mẹ đưa qua phà để đến trường. Ngày ấy người ta còn cho bán hàng rong trên phà, nên lúc nào mẹ cũng mua cho tôi một ít quà bánh để tôi ăn sáng hoặc bỏ vào cặp đến giờ ra chơi mới dùng. Mặc dù ngày hai buổi qua lại con phà, nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác chán mỗi lần đi phà qua sông. Tôi thích đứng vịn vào lan can phà và ngắm nhìn sóng nước, nhìn những con thuyền xa tít lúc ẩn lúc hiện phía sau các cù lao. Mẹ sợ tôi trượt chân té nên lúc nào cũng nắm tay tôi thật chặt, rồi kéo tôi vào trong khoang. Tôi cũng sợ, nhưng được hứng làn gió mát, hít thở không khí trong lành của buổi bình mình, tôi quên đi những sợ hãi đang rình rập.
Nhà bè trên sông Hàm Luông.
Rồi tôi lớn dần, chiếc phà cũng cải tiến theo thời gian, nhiều hơn, hiện đại hơn. Tôi rời quê ra thành phố trọ học, mang theo những nỗi nhớ quê nhà và cả chiếc phà Hàm Luông. Trong những giấc chiêm bao, ký ức tuổi thơ tôi luôn hiện về, nơi có chiếc phà Hàm Luông mạnh mẽ, chở biết bao nhiêu người, bao nhiêu xe cộ qua lại mỗi ngày. Tôi trụ lại quê hương thứ hai để làm việc và mưu sinh, rồi không có thời gian về thăm quê nhà nữa. Dù vậy, qua báo đài, internet, tôi vẫn luôn hướng về quê hương từng phút từng ngày. Chả thế mà khi hay tin chiếc cầu Hàm Luông khởi công, tôi mừng như trúng số. Nhưng rồi tôi tự nhủ, vậy là những người bán hàng rong sắp thất nghiệp, trong đó có mẹ tôi. Rồi họ sẽ làm gì để mưu sinh khi chiếc cầu khánh thành? Điều này cứ làm tôi đau đáu mãi.
Quy luật chung của cuộc sống là ru ngủ quá khứ, nhìn hiện tại và hướng đến tương lai. Xã hội dần tiến bộ, có lẽ tất cả phải đổi thay, phải bứt phá bỏ cái cũ để thích nghi với sự phát triển của tỉnh nhà và cho đất nước. Cầu Hàm Luông sẽ mang lại tiện lợi và tiến bộ cho người dân Đồng Khởi rất nhiều mặt, góp phần thúc đẩy sự về kinh tế xã hội cùng với các tỉnh bạn. Điều đó thực sự rất vui và đáng để hoan nghênh.
Tuy nhiên, dù cái cũ không còn phù hợp, bến phà Hàm Luông không còn hữu dụng như trước nhưng trong tiềm thức của dân Đồng Khởi thì những chuyến phà chở khách qua sông vẫn có một giá trị rất đặc biệt về mặt tinh thần.
Theo Trung Công (Dân Việt)