Năng Khả (Tuyên Quang): khởi sắc nông thôn mới

Trở về Năng Khả vào tháng cuối năm 2015 trên con đường rải bê tông khang trang, sạch sẽ vào tận các ngõ xóm, nhà cửa san sát, gọn gàng làm bức tranh cuộc sống vùng cao - nơi có hơn 80% bà con dân tộc Tày sinh sống- trở nên nhộn nhịp, khởi sắc.

Đây là kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Sau 5 năm nỗ lực vượt bậc, Năng Khả là xã đầu tiên của huyện vùng cao Na Hang và là xã thứ 7 của tỉnh Tuyên Quang đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Chủng phấn khởi trao đổi với PV.
 
 
Đường về xã vùng cao Năng Khả, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã được nhựa hóa

Tuyên truyền đi trước một bước
 
Việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo xã Năng Khả xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua các đợt tuyên truyền nhân dân các thôn bản đã nhận thức được chủ trương xây dựng nông thôn mới là Chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó vai trò của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới là chủ thể, nhân dân phấn khởi đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới.
 
 
PV báo chí chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo xã vùng cao Năng Khả và cán bộ huyện Na Hang (Tuyên Quang)

Thông qua tuyên truyền, tập huấn cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức được chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và phấn khởi đồng thuận, phát huy tính chủ động, tích cực tham xây dựng nông thôn mới, từ đó công tác chỉ đạo, điều hành có hiệu quả, nhân dân tích cực ủng hộ, đã có nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Đảng bộ xã Năng Khả đã họp quán triệt và ra nghị quyết lãnh đạo, đồng thời, phân công cán bộ tổ chức quán triệt nội dung, yêu cầu xây dựng nông thôn mới tới nhân dân ở các thôn, bản và bàn các biện pháp tổ chức thực hiện.

Diện mạo mới

Để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, Năng Khả đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn kết hợp đầu tư lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt là sự tham gia tích cực của nhân dân trong việc hiến đất và ngày công lao động. Đến nay kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… cơ bản đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới.
 

 
Nhà văn hóa bản Nà Kham, xã Năng Khả

Tổng nguồn lực mà Năng Khả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua là 91.766,894 triệu đồng, trong đó: Vốn trực tiếp cho Chương trình: 15.414 triệu đồng, chiếm 16,7 %; Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 47.157,044 triệu đồng, chiếm 51,3%; Vốn tín dụng 4.876 triệu đồng, chiếm 5,30%; Vốn huy động từ doanh nghiệp 282,8 triệu đồng, chiếm 0,3%; Huy động nhân dân đóng góp 24.310,05 triệu đồng, chiếm 26,50%.

- Giao thông: Nhựa hóa, bê tông hóa 35,9/35,9 km đường trục xã liên xã, đạt 100%; 26,5/44,2 km đường trục thôn, xóm, đạt 59,95%; 2,671/3,082 km đường ngõ, xóm, đạt 86,6% và 2,7/4,8 km đường trục chính nội đồng, đạt 56,25%.

- Thủy lợi: Xây mới, nâng cấp 08 công trình thủy lợi và kiên cố hóa 20,39 km kênh mương phục vụ tưới tiêu sản xuất, đạt 66,35%.

- Điện: Đến nay, có 1.272/1.337 hộ sử dụng điện an toàn từ các nguồn chiếm 95,13%.

- Trường học: Nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới 11 điểm trường Mầm non, đến nay trường Mầm non, Tiểu học, THCS xã đều đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia.
 
- Cơ sở vật chất văn hóa: Đã xây dựng Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; xây dựng 16/16 nhà văn hóa thôn; xây dựng 4 sân thể thao cụm thôn và 02 sân thể thao thôn.
 
- Nhà ở dân cư: Hỗ trợ 118 hộ xóa nhà tạm,vận động 39 hộ gia đình di khỏi vùng nguy hiểm, vận động, hỗ trợ các hộ gia đình nâng cấp, chỉnh trang nhà ở. Xã không có nhà tạm, dột nát, số hộ có nhà đạt chuẩn là 1.062/1.337 nhà, chiếm 79,4%.
 
Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, bộ mặt hạ tầng thiết yếu của xã thay đổi đáng kể. Đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa đến hầu khắp các thôn bản, các đập đầu mối, kênh mương về cơ bản đáp ứng được nhu cầu về nước phục vụ sản xuất, trường học được xây dựng đạt chuẩn quốc gia …
 
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo
 
Năng Khả đã từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với quy hoạch và điều kiện của xã như phát triển chăn nuôi gia súc, trồng cây mía hàng hóa...
 
 
Đầu tư xây dựng trại sản xuất cá giống tại xã Năng Khả
 
Năng Khả phối hợp cơ quan chức năng của huyện tổ chức 236 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; đào tạo nghề 9 lớp/302 học viên. Qua các lớp tập huấn, trình độ cán bộ được nâng lên, nhân dân từng bước nắm bắt, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, khai thác, nuôi trồng thủy sản; biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả như chăn nuôi lợn, trồng cây vụ 3...
 
UBND xã Năng Khả đã quan tâm chỉ đạo phát triển cây trồng vụ đông, nhờ đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá.
 
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 18,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 54,41% năm 2011, giảm xuống còn 8,53 % năm 2015, tỷ lệ giảm trung bình 9,18%/năm.
 
Năm 2011, toàn xã có 02 HTX hoạt động kinh doanh chủ yếu cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, đến nay xã có 03 Hợp tác xã hoạt động theo luật HTX năm 2012 và 10 tổ hợp tác đăng ký, hoạt động đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 94,44%.
 
Năng Khả đã duy trì phổ cập giáo dục các cấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt trên 90%.
 
Công tác chăm sóc sức khỏe được tăng cường. Trạm Y tế xã được xây dựng kiên cố, có 5.475 người tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, chiếm 97,8%. Cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc y tế cho người dân nông thôn được nâng lên, góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Bà con đã tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh. Các hoạt động văn hoá thể thao quần chúng, các lễ hội truyền thống được duy trì, bảo tồn và phát triển.
 
 
Thi đấu bóng chuyền tại bản Nà Kham, xã Năng Khả nhân Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc 18/11/2015. Ảnh: Phúc Thái Sơn
 
Năng Khả hiện có 1.305/1.337 hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt 97,61%; 751/1.305 hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Quốc gia đạt 57,5%; duy trì vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà ở đảm bảo vệ sinh môi trường; xây dựng 104 hầm Biogas, tổ chức vận động các hộ xây dựng 3 công trình vệ sinh nông thôn. Đến nay, Năng Khả có 91,92% gia đình có ba công trình vệ sinh hợp vệ sinh... góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường.
 
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt kinh tế - xã hội của xã có sự phát triển vượt bậc, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng. Đặc biệt thu nhập bình quân của người dân tăng từ 3,709 triệu đồng (năm 2010) tăng lên 18,5 triệu đồng/người/năm năm 2015, tạo cho xã sức bật và sự thay đổi toàn diện trên tất cả các mặt và lĩnh vực của đời sống xã hội. Những kết quả trên là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo, điều hành, vận động nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
 


 
Phát triển đàn trâu hàng hóa tại xã vùng cao Năng Khả. Ảnh Phúc Thái Sơn

Tuy nhiên, công tác phát triển sản xuất tăng thu nhập, giảm nghèo chưa bền vững, ý thức vệ sinh môi trường của một bộ phận nhân dân chưa cao.
 
Việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả và công tác phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh trên địa bàn còn khiêm tốn chưa thực sự trở thành mũi nhọn trong cơ cấu thu nhập. Việc phát triển ngành nghề nông thôn chưa đáp ứng được những yêu cầu đề ra.

Bài học kinh nghiệm
 
Trả lời phỏng vấn, từ thực tiễn địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Năng Khả Nguyễn Văn Chủng rút ra những bài học kinh nghiệm bước đầu  về xây dựng nông thôn mới:
 
Một là: Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục từ đội ngũ cán bộ, đảng viên đến nhân dân trong xã. Qua đó, các tổ chức, cá nhân nhận thức rõ và thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình, với chủ thể thực hiện phải chính là từng người dân trong quá trình thực hiện.
 
Hai là: Xây dựng nông thôn mới là một chương trình đòi hỏi tính đồng bộ, toàn diện cao trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị, do đó phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành và nhân dân. Quá trình tổ chức thực hiện cần có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng tới từng tổ chức và cá nhân. Việc lãnh đạo, chỉ đạo phải có nhiều giải pháp và cách làm linh hoạt, sáng tạo.
 
Ba là: Ban chỉ đạo, Ban quản lý từ xã đến thôn phải thực sự bám sát cơ sở;  phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp.
 
Bốn là: Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong quá trình tổ chức thực hiện các tiêu chí; khuyến khích và vận động nhân dân chủ động trong khả năng tối đa nguồn lực gia đình, bản thân tự có để đóng góp sức lực, ngày công, kinh phí trong quá trình thực hiện.
 
Năm là: Phát huy và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới.
 
Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, lãnh đạo xã Năng Khả kiến nghị Ban Chỉ đạo Chương trình tỉnh, huyện tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đầu tư xây dựng giao thông, điện, phát triển sản xuất tăng thu nhập cho người dân...
 
Cán bộ lãnh đạo xã Năng Khả đã bày tỏ trăn trở: Cái khó nhất hiện nay ở cơ sở là tìm "đầu ra" ổn định cho các sản phẩm nông sản do bà con nông dân nơi đây làm ra như gỗ nguyên liệu giấy, chè, mía đồi, trâu bò, lợn, gà... vì không nắm sát đúng về thông tin thị trường và chưa có những đầu mối tin cậy để tiêu thụ sản phẩm, luôn luôn ở thế bị động. Nếu không giải quyết được "đầu ra" các nông sản hàng hóa thì rất khó thực hiện mục tiêu duy trì và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân xã vùng cao này.
 
Chia tay chúng tôi, Bí thư và Chủ tịch xã Năng Khả khẳng định: Có được thành quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể thôn, tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân. Thời gian tới, Năng Khả sẽ phát huy những thành quả, tiếp tục nâng cao hơn nữa những tiêu chí đã đạt được, góp phần xây dựng quê hương vùng cao này ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.
 
Xuân Bân - Quang Đán

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nang-kha-tuyen-quang-khoi-sac-nong-thon-moi-a3855.html