23/11/2015 08:28
23/11/2015 08:28
Thăm những cây di sản trên vùng núi
Mặc cho những biến cố lịch sử, những cây cổ thụ ở vùng Bảy Núi vẫn đứng vững qua hàng trăm năm, chở che và là điểm tựa tinh thần to lớn của đồng bào Khmer. Nhiều cây trong số đó đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam, càng được giữ gìn, trân trọng.

Cây me đáng bonsai ở Núi Tô
Đứng vững trong bom đạn
Chẳng ai nhớ nổi cây me cổ thụ ở ấp Tô Trung (xã Núi Tô, Tri Tôn) có từ bao giờ, kể cả ông Chau Phi (77 tuổi) - đời thứ 5 trong dòng họ có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ cây me có nhiều giai thoại này. Ngoài tuổi đời ít nhất 600 năm, cây me cổ thụ còn mang dáng bonsai “khủng” rất đẹp, khiến dân chơi kiểng chỉ có thể chép miệng tiếc nuối bởi 6 người vòng tay ôm gốc cây vẫn không giáp, rất khó mang về chưng cảnh. Vả lại, nếu có mua thì chủ nhân cũng chẳng bán.
Ông Chau Phi kể, cách nay hơn 100 năm, khi dòng họ ông đến vùng Núi Tô lập nghiệp thì đã có cây me to như bây giờ. “Thấy gốc cây vững chãi, ông cố tôi cất nhà gần đó để hưởng bóng mát và che chắn khỏi giông lốc. Đến mùa cho trái, rất đông bà con trong vùng mang rổ đến hái về dùng nhưng vẫn không hết trái. Trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cây me này đã giúp che chắn, bảo vệ cho quân cách mạng an toàn trước các cuộc hành quân, càn quét của địch. Dù có không biết bao nhiêu vết đạn, pháo hằn trên thân cây nhưng cây vẫn đứng vững. Bởi vậy, đồng bào Khmer nơi đây tin tưởng cây có thần linh bảo vệ, giúp phum, sóc an lành”.
Nếu như cây me bonsai cho quả chua thì 2 cây vải thiều cổ thụ ở chùa Svây Ta Hôn (ấp Ninh Lợi, xã An Tức, Tri Tôn) lại tặng cho đồng bào Khmer loại quả ngọt thanh đến kỳ lạ. Miền Bắc có thể coi là xứ sở của vải thiều nhưng kỷ lục về cây vải thiều to và có sức sống lâu đời nhất (trên 500 năm) lại nằm ở ngôi chùa Khmer này. Thầy Chau Sa Dớt, sư cả trụ trì chùa Svây Ta Hôn, cho biết, nhiều thế hệ nhà chùa chỉ thấy có 3 cây mọc thẳng hàng trong khuôn viên chùa, ngoài ra không ghi nhận thêm nơi nào khác trong vùng có cây vải thiều. “Cách đây mấy năm, đã chết một cây ở giữa, 2 cây còn lại luôn được đồng bào Khmer giữ gìn, trân quý. Năm nào cả hai cây vải cùng ra trái là thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu; còn năm nào không có trái thì sản xuất khó khăn do mưa ít, thiếu nước tưới lúa, hoa màu. Bởi vậy, thấy vải có trái là bà con vui lắm” – thầy Chau Sa Dớt cho biết.
Cây dầu rái ở Cô Tô
Bảo vệ như báu vật
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 cây cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam (Viet Nam Heritage Tree), tập trung ở vùng Bảy Núi. Ngoài cây me có dáng bonsai “khủng” ở Núi Tô, 2 cây vải thiều độc đáo ở An Tức, còn có 2 cây dầu rái với tán khổng lồ ở ấp Tô An (xã Cô Tô, Tri Tôn) và ấp Pô Thi (xã An Cư, Tịnh Biên). Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, độ tuổi của 2 cây dầu khoảng 600 – 700 năm, gắn chặt với lịch sử phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi. Gốc mỗi cây dầu 5 - 6 người vòng tay ôm không giáp, cao 35 – 40m, đặc biệt là tán cây phủ mát một vùng rộng lớn trong phum, sóc của đồng bào Khmer. Vào các dịp lễ, hội hoặc sau khi kết thúc ngày mùa, đồng bào Khmer thường ăn mặc đẹp, đến dưới tán cây vui chơi, sinh hoạt, tạ ơn “thần cây” đã phù hộ mưa thuận gió hòa, giúp đồng bào có cái ăn, cái mặc. “Những người lớn tuổi kể lại, lúc trước, có tên cường hào định đốn cây, xẻ gỗ mang về nhưng lưỡi cưa vừa đưa vô liền bị gãy, bản thân hắn cũng bị bệnh nặng. Từ đó, người dân cho rằng, cây có thần linh phù hộ nên càng ra sức giữ gìn” – ông Chau Bonl, chủ nhân cây dầu rái ở ấp Tô An (xã Cô Tô), chia sẻ.
“Có nhiều địa phương không có cây di sản nào nhưng An Giang lại có đến 5 cây cổ thụ được công nhận Cây di sản Việt Nam. Đây là niềm tự hào không chỉ đối với đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, mà còn của Nhân dân trong tỉnh. Nếu khai thác tốt, đây cũng là tiềm năng du lịch rất lớn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh. Đồng thời, yêu cầu Chi cục Kiểm lâm An Giang tiếp tục khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận Cây di sản Việt Nam đối với những cây cổ thụ khác trên núi Dài, núi Cấm, núi Cô Tô… Ngoài ra, còn có cây me hơn 600 tuổi ở núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) gắn với tinh thần đoàn kết trong kháng chiến của đồng bào Kinh – Khmer, cây da trên đỉnh núi Sập (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) – một cây cổ thụ độc đáo, rễ bám theo vách đá, từng là nơi nuôi chứa cách mạng… Đối với những cây có lợi thế đặc biệt, có thể lựa chọn đề nghị Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục Guiness để tăng giá trị của cây.
Theo Ngô Chuẩn (TTMT)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tham-nhung-cay-di-san-tren-vung-nui-a3800.html