Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, nhiều năm trở lại đây, TP HCM đã đưa ra nhiều đề án, chính sách hỗ trợ các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này. Những nỗ lực của thành phố bước đầu đã có kết quả, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ và đầu tư sâu rộng hơn trong thời gian tới.
Hội quán Tam Sơn ở Quận 5, TP HCM.
Tính đến nay, TP HCM có 165 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa. Hiện vẫn còn hơn 140 công trình đang đợi ngày được công nhận di tích. Kết quả này có được là nhờ sự đầu tư thích đáng của thành phố cho công tác bảo tồn di tích trên địa bàn. Từ năm 2007 đến năm 2014, TP HCM đã dành hơn 150 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo 20 di tích lịch sử.
Bên cạnh đó, nguồn vận động xã hội hóa trong lĩnh vực này cũng đạt kết quả khả quan khi thu về hơn 62 tỷ đồng, góp phần tu sửa 14 di tích có nguy cơ xuống cấp. Ngoài ra, thành phố cũng có chế độ hỗ trợ cho công tác quản lý tại gần 120 di tích đã xếp hạng. Thế nhưng, do vẫn còn một vài hạn chế trong các quy định nên việc thống nhất công tác quản lý, khai thác di tích cũng như hướng tu bổ, sửa chữa tại nhiều nơi chưa có sự đồng thuận cao, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, hoặc mất dần nét đặc trưng của di tích.
Xây dựng từ năm 1839 với nhiều nét văn hóa độc đáo nhưng mãi đến tháng 11 năm 2015, Hội quán Tam Sơn ở Quận 5 mới được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp thành phố. Theo ông Ông Quang Tỷ, Trưởng ban Quản trị Hội quán Tam Sơn, sở dĩ xảy ra điều này là vì thời gian qua, hội quán đã bị tu bổ, sửa chữa nhiều dẫn đến sự lộn xộn trong cấu trúc, mất đi nét cổ kính vốn có trước kia nên khó để công nhận di tích. Vì thế, trong thời gian tới, Ban Quản trị Hội quán Tam Sơn mong rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến người dân, ngành văn hóa thành phố sẽ tổ chức nhiều khóa tập huấn để thành viên ban quản trị các di tích hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa.
Việc giữ gìn nét văn hóa tại các di tích đã khó, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể càng khó gấp bội, đặc biệt là với những bộ môn nghệ thuật truyền thống. Khó khăn trong kinh phí hoạt động, phải cạnh tranh gay gắt với các loại hình nghệ thuật – giải trí hiện đại, thiếu đội ngũ kế thừa tâm huyết là những nguyên nhân đã và đang đẩy nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống tại TP HCM lâm vào thế khó.
Nghệ nhân ưu tú Trương Hớn Minh, một họa sĩ gắn bó lâu năm với nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc cho hay, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là cả một quá trình, nóng vội cũng chẳng được gì: “Bộ môn nghệ thuật này phải nhờ những người có quyết tâm tiếp tục phát huy và nâng cao thì mới tồn tại được vì môn nghệ thuật này rất khó để có thành tích. Bộ môn nghệ thuật này đòi hỏi quá trình nghiên cứu dài lâu, như chúng tôi cũng đã trải qua mấy chục năm”.
Điều mà những người nặng lòng với nghệ thuật truyền thống lo lắng nhất là làm sao đào tạo được thế hệ kế thừa vững chuyên môn và có đủ đam mê để đối đầu với những khó khăn trước mắt, bởi sức hút của các loại hình nghệ thuật – giải trí hiện đại với lớp trẻ là rất lớn.
Theo Võ sư Lưu Kiếm Xương, Trưởng đoàn Lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường, việc này rất khó thành công nếu các sở, ban, ngành của thành phố không chung tay cùng các nghệ nhân: “Thanh thiếu niên ngày nay có nhiều sự quan tâm mới như điện tử hay các trò chơi khác. Vì vậy, để những người làm các công việc truyền thống như chúng tôi thu hút được các thanh thiếu niên chẳng mấy dễ dàng”.
Đờn ca tài tử – 1 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng không thoát khỏi những trở ngại trong quá trình phát triển. Mặc dù ngành văn hóa TP HCM đã có nhiều đề án, chính sách tích cực hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy loại hình này, nhưng sau 2 năm được UNESCO vinh danh, sự phát triển của bộ môn đờn ca tài tử trên địa bàn vẫn chưa đạt kết quả mong muốn.
Theo ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP HCM, chính việc thiếu kinh phí hoạt động đang làm khó bộ môn đờn ca tài tử. Hiện thành phố có 221 câu lạc bộ đờn ca tài tử, nhưng đa phần đều hoạt động nhỏ lẻ do không đủ kinh phí đầu tư quy mô. Bên cạnh đó, việc hạn chế thu nhập cũng như sân khấu biểu diễn khiến nhiều nghệ nhân đờn ca tài tử chật vật với nghề. Nhưng nan giải nhất vẫn là tìm kiếm thế hệ kế thừa. Thời gian qua, thành phố đã tích cực đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào trường học. Thế nhưng, do chương trình đào tạo bị giới hạn thời gian nên mọi thứ chỉ ở mức độ “cưỡi ngựa xem hoa”.
Ông Lê Văn Lộc lý giải: “Chỉ có 30 phút thì chúng tôi và ngành giáo dục không thể nói điều gì về âm nhạc tài tử vì trong chương trình ngoại khóa các em học rất nhiều thứ như âm nhạc, hội họa… Mà nếu mình dành trọn 30 phút đó cũng không làm được gì. Vì thế, Sở Giáo dục – Đào tạo và Sở Văn hóa – Thể thao thành phố đang tìm cách kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Giáo dục – Đào tạo cách thức để đưa âm nhạc dân tộc nói chung và đờn ca tài tử đối với các em học sinh khu vực phía Nam để nâng cao bộ môn này.”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng nhiều người vẫn hy vọng, khi thẳng thắn nhìn vào những mặt còn hạn chế, thời gian tới, ngành văn hóa TP HCM sẽ sớm có những điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời để công tác bảo tồn di sản văn hóa đạt kết quả như mong muốn./.
Theo Mỹ Dung (VOV.VN)