Để di sản Đường Lâm thu hút càng nhiều du khách

Ngày 28/11/2005, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã ký Quyết định số 77/2005/QĐ - BVHTT công nhận Làng cổ Đường Lâm là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là vinh dự kèm theo trách nhiệm lớn của Đảng bộ, chính quyền nhân dân địa phương và đây cũng là ngôi làng nông thôn đầu tiên trong hơn 9000 làng của quốc gia được công nhận di tích.



Làng cổ Đường Lâm - ảnh: Internet

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 47km, Di tích làng cổ Đường Lâm đã trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Nếu như năm 2010, lượng khách đến đây đạt 7 vạn người thì năm 2014 con số này là 13 vạn người. Với đặc thù là “di sản sống” nên phát triển du lịch ở Làng cổ Đường Lâm theo hướng bền vững, khoa học, hài hòa và mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng dân cư là một trong ba nhiệm vụ cơ bản của các cấp các ngành liên quan (bảo tồn, quản lý và phát triển du lịch).

Du lịch làng cổ trong hơn một thập kỷ qua đã thu được thành tựu đáng kể như: số lượng khách tăng dần, sản phẩm có sự đổi mới đa dạng, chất lượng hơn, các loại dịch vụ được người nông dân tự nguyện tham gia làm một cách chủ động hơn. Một số hộ đã chủ động nắm bắt thời cơ thuận lợi để khai thác thu hút khách đến tham quan trải nghiệm tăng mức thu nhập, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm được quan tâm, đội ngũ thuyết minh viên được bổ sung, bồi dưỡng đã dần đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ, công tác quảng cáo giới thiệu luôn được đẩy mạnh. Để kích cầu phát triển du lịch ở Di tích làng cổ Đường Lâm có hiệu quả, theo chúng tôi cần đẩy mạnh một số công tác sau:

Thứ nhất, xây dựng, củng cố đội ngũ Hướng dẫn - Thuyết minh viên: Hướng dẫn viên phải thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, các kỹ năng, được trang bị một số vật chất trang phục, tham gia các khóa đào tạo do các cơ quan chủ quản tổ chức (như Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, các công ty, đơn vị du lịch lữ hành…), được tạo điều kiện đi tham quan, giao lưu học tập thực tế nhằm nhìn nhận lại thực trạng chính mình cũng như học tập trao đổi kinh nghiệm tại các điểm di tích danh thắng ở 3 miền.

Thứ hai, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách.Việc này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân với các cơ quan tổ chức, cá nhân. Đó là quá trình tìm tòi, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của du khách dựa trên các nguyên liệu sẵn có của địa phương với các vùng lân cận.Với đặc thù là làng cổ nông nghiệp nông thôn nên những năm qua xuất phát từ  lượng khách tham quan mỗi ngày một đông đảo, hộ dân kinh doanh nhỏ tại các điểm di tích đã biết khai thác các quãng đường di chuyển trong làng cổ. Khách sẽ thích thú hơn nếu được đi bộ dạo quanh làng nên những lúc ấy người hướng dẫn đoàn cần tranh thủ kể những câu chuyện về đời sống, truyền thuyết dân gian của làng, về các phong tục tập quán ngày mùa, lễ hội…

Thứ ba, nâng cao chất lượng phục vụ: Hình thành và nâng cao thêm một số sản phẩm mới bao gồm: thuê xe đạp, xe đạp điện, trải nghiệm nấu ăn, tham gia một số hoạt động, trò chơi dân gian, thu hoạch sản xuất nông nghiệp, khám phá vẻ đẹp nhân mùa lúa chín, thử làm kẹo, chè lam, nấu món ăn… Trong đó xây dựng một số quỹ đất phù hợp với vị trí cho khách du lịch tham gia trồng, chăm sóc hoa màu, rau củ quả, khuyến khích các tour du lịch học đường tham quan tìm hiểu nông thôn, các nét sinh hoạt, phong tục, tập quán…

Và cuối cùng là sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các công ty du lịch dịch vụ lữ hành, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước sẽ góp phần to lớn thúc đẩy du lịch làng cổ phát triển bền vững trong đó có những nội dung lớn như: công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về hình ảnh, tiềm năng, giá trị di tích qua truyền thông ở trong và ngoài nước, liên kết vùng với các điểm đến khác.

Theo Nguyễn Trọng An (Báo Du Lịch)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/de-di-san-duong-lam-thu-hut-cang-nhieu-du-khach-a3770.html