Có một “gia tộc” sinh ra là để bám biển Trường Sa - Hoàng Sa ở miền Trung

Ở mảnh đất miền trung có một dòng họ từ thủa “mang gươm đi mở cõi” chỉ biết bám biển mưu sinh. Hơn 600 năm từ ngày đầu theo chân vua Lê Thánh Tông đến đây lập làng, nay con cháu dòng dõi gia tộc nhiều đời giữ chức vụ quan trọng trong Triều Nguyễn từng thống lĩnh thủy quân bảo vệ chủ quyền nước ta trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nay tiếp tục bám biển mưu sinh.



Hai tấm lụa vàng - Ảnh chụp lại từ ảnh gia tộc

Trang sử vẻ vang của dòng tộc

Từ ngày cầu Cửa Đại thông xe, để về làng An Lương chúng tôi chỉ mất chưa đầy mười phút chạy xe thay vì phải ngồi đò ngang cả tiếng đồng hồ để vượt sông Thu Bồn như trước đây. Tìm về căn nhà phủ bóng thời gian của lão ngư Phạm Văn Lương năm nay đã 85 tuổi người đang lưu giữ những tư liệu quý báu cuối cùng về một dòng họ nhiều đời bám biển ở miền trung này.

Đưa chúng tôi về nhà thờ tộc Phạm Văn nằm sâu trong làng An Lương. Khi hương đèn đã rạng ông mới cẩn thận lấy hai ống phong thư được đặc trang nghiêm trên ban thờ gia tộc xuống. Bên trong hai tấm phong thư bạc màu vì thời gian là hai tấm lụa vàng hình chữ nhật dài gần 1m, được thêu hình rồng, phượng bao quanh. Dù đã gần 200 năm trôi qua nhưng những nét chữ cùng dấu triện đỏ vẫn còn nguyên vẹn. Phía cuối sắc phong bị rách một phần do bị hỏa hoạn trong chiến tranh. “Con cháu trong họ đã truyền đời nhau lưu giữ hai tấm sắc phong này. Thời chống Pháp và chống Mỹ, chúng tôi gửi vào chùa Thanh Lương. Năm 1967, giặc cày trắng vùng ni, tôi thuê người mang sang bên Cẩm An. Ai ngờ 3 ngày sau, Mỹ thả bom san phẳng chùa mãi đến năm 1994 chúng tôi mới được một nhà chùa bên Cẩm An trao lại”, ông Lương cho biết.


Theo bản dịch của một nhà nghiên cứu Hán - Nôm ở Hội An, hai tấm sắc phong này được triều đình ban tặng vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 21 (năm Tân Sửu, 1841). Một tấm sắc phong dành cho vị Thủy sư chưởng vệ Phạm Văn Cục vì có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, tận trung với triều đình. “Tấm sắc phong ca ngợi lòng trung thành, quả cảm, mưu lược của vị tướng thủy quân trong các trận chiến với quân thù. Trong đó cũng đề cập đến tấm gương của người cha là Phạm Văn Đường có công dạy dỗ, huấn luyện cho đất nước một nhân tài kiệt xuất. Bản sắc phong có câu: “Hiển dương chi nguyện, mệnh danh bất hủ trường lưu - tức tên tuổi ông sẽ trường tồn mãi mãi”. Tấm sắc phong thứ hai khen ngợi bà Nguyễn Thị Hốt, vợ ông Phạm Văn Đường và là mẹ của ông Phạm Văn Cục, được vua ngợi khen là người đàn bà đoan chính, đảm đang, hết lòng lo cho gia đình để chồng, con cống hiến cho đất nước. Sắc phong ghi rõ: “Đức thục trường lưu bất hủ chi danh - tức là đức độ của bà lưu danh vĩnh cửu”.

Dù trong hai bản sắc phong không nhắc đến nhưng dòng họ Phạm Văn còn có một người giữ đến chức thủy soái chưởng vệ đại tướng quân, thống lĩnh toàn bộ thủy quân triều Nguyễn, đó là danh tướng Phạm Văn Trận. Năm thứ 18 đời vua Minh Mạng, ông Trận được giao tới chức Thủy soái chưởng vệ Đại tướng quân, chỉ huy lực lượng hải quân cả nước. “Ông Trận là con cháu đời sau của ông Cục nhưng được triều đình tin dùng, thống suất toàn bộ lực lượng thủy binh.

Theo lời kể của những bậc cao niên đời trước truyền lại thì cụ Phạm Văn Cục và cụ Phạm Văn Trận là những vị tướng tài ba thao lược, từng chỉ huy các hải đội ra tuần lý vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Hằng năm, những vị tướng này đều phải báo cáo triều đình về các chuyến hải tuần này. Trai đinh làng biển Duy Hải ngày ấy gia nhập đội thủy quân triều Nguyễn rất đông. Phần lớn họ là dân đi biển lành nghề, được các ông Cục, ông Trận về tận làng tuyển chọn. Nhiều người ở làng biển Duy Hải đã trở thành chỉ huy, binh phu, giong thuyền đi tuần biển Hoàng Sa - Trường Sa”, ông Lương kể.

Ba đời bám biển Hoàng Sa -Trường Sa

Anh Phạm Văn Hùng, con trai lớn của cụ Phạm Văn Lương, dẫn chúng tôi ra nghĩa trang của gia tộc Phạm Văn - Duy Hải thăm ngôi mộ của cụ tổ mình, đến nay chỉ còn lưu giữ được tấm bia mô ghi lại công lao của cụ tổ mình. “Sau khi cụ Trận qua đời, triều đình Huế đã cho tạo lập hai tấm bia mộ để tưởng nhớ. Một tấm đặt ở kinh thành Huế, tấm còn lại đưa về làng An Lương được chôn theo cụ Trận. Khi chúng tôi di chuyển ngôi mộ cổ trong khuân viên nhà thờ tộc ra nghĩa trang gia tộc thì thấy tấm bia đá cổ trên trong lòng mộ. Nhờ bản dịch của một nhà nghiên cứu Hán - Nôm ở Quảng Nam thì trên tấm bia có đề tước hiệu Thủy sư. Từ đó chúng tôi dựng lại tấm bia đá này trên ngôi mộ nhằm để cho con cháu đời sau tự hào về chiến công hiển hách của tổ tiên”, anh Hùng cho biết. Tấm bia cổ cao hơn nửa mét, được khắc chữ Hán trên mặt phiến đá Non Nước bóng loáng, bền chắc. Xung quanh bia có chạm trổ hoa văn rồng, phượng tinh xảo. 

Nối nghiệp cha ông xông pha nơi đầu sóng để giữ gìn biển, đảo, những thế hệ con cháu đời sau của dòng họ Phạm Văn như anh Phạm Văn Hùng lại đóng tàu, vươn khơi bám biển. “Nhiều lúc cũng thử rời biển tìm một công việc mới nhưng rồi lại thấy tay chân bủn rủn, người cứ buồn buồn khó tả. Cuối cùng, chúng tôi lại trở về nghề biển như cái nghiệp của cha ông đi trước. Phần lớn con cháu trong họ đều gắn mình với biển cả, xem đó là nhà. Ven theo dải biển miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận đều có con cháu họ Phạm Văn đóng tàu, vươn khơi bám biển”, anh Hùng nói.

Anh Hùng kể mình vừa trở về sau một chuyến đi biển dài ngày giờ lại tất bật lo sửa chữa tàu để chuẩn bị cho chuyến đi biển mới. “Chuyến biển vừa rồi được mùa cá, mực nên ai cũng phấn khởi. Tôi dự định đầu tư, tăng công suất tàu để vươn khơi xa hơn, dài ngày hơn”, anh Hùng tâm sự.


Năm 2006, cơn bão Chanchu càn quét các làng biển miền Trung khiến nhiều tàu thuyền hư hỏng nặng. Tàu cá của gia đình anh Hùng may mắn thoát bão về cập bến an toàn nhưng cũng không tránh khỏi hư hỏng bị sóng đánh hỏng bánh lái. “Hồi ấy, gia đình tôi đã rao bán thuyền để chuyển hẳn lên bờ. Nhưng rồi cứ nghĩ đến cha ông mình từng bao đời đổ máu xương để giữ biển nên cả nhà lại hùn tiền, vay mượn khắp nơi để đóng thuyền mới quyết tâm ra khơi. Ngày trước, vùng Cửa Đại này tấp nập tàu cá, chuyên đánh bắt vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa nhưng giờ đếm lại chỉ còn trên đầu ngón tay. Các cụ trong gia tộc vẫn thường động viên con cháu trong họ phải nối tiếp chí nghiệp cha ông quyết tâm bám biển, vừa để nuôi sống mình, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông đã phải đánh đổi bằng cả xương máu, mạng sống của không biết bao nhiêu thế hệ”, anh Hùng nói.

Theo anh Phạm Văn Hùng thì làng An Lương này, đặc biệt là gia tộc Phạm Văn của anh có rất nhiều gia đình có hai thậm chí ba thế hệ bám biển. Nhiều gia đình bám biển không chỉ vì mưu sinh và còn vì quyền thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam khi được góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo. Cha anh Hùng lão ngư Phạm Văn Lương tuy đã nghỉ đi biển hơn mười năm nay do tuổi cao sức yếu nhưng vẫn thường xuyên kể cho con cháu nghe về các ngư trường khai thác trên khu vực biển Hoàng Sa - Trường Sa lắm cá tôm, giàu tài nguyên và vẫn không thôi đốc thúc con cháu mình tiếp tục đánh bắt ở ngư trường này. Anh Hùng hiểu được ngụ ý của người cha già của mình nên anh cùng các con của mình và bây giờ là các cháu anh vẫn trực chỉ hai vùng biển Hoàng Sa -Trường Sa đều đặn giong buổn thẳng tiến mỗi khi biển lặng. 

Theo TS.Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc thư viện tỉnh Quảng Nam: “Chúng ta kêu gọi các dòng tộc hiến tặng tư liệu biển đảo càng sớm càng tốt. Từ Huế đến Bình Thuận đều có người từng là chỉ huy, binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa. Phải có một cơ quan đứng ra tập hợp, nghiên cứu, phân loại theo tiến trình lịch sử một cách khoa học. Đây cũng là những tư liệu quý để nước ta khẳng định với thế giới về chủ quyền hợp pháp của ta với hai quần đảo này. Hãy cứu những gì còn sót lại, bởi trên thực tế, nhiều gia tộc do lo ngại chuyện giữ đồ phong kiến nên đã đốt hết những sắc phong ghi dấu rõ ràng về một thời cha ông họ từng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
 
Kim Thanh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/co-mot-gia-toc-sinh-ra-la-de-bam-bien-truong-sa-hoang-sa-o-mien-trung-a3747.html