Mưa tháng giêng - Thơ và nhạc

Vào ngày ra mắt 2 tập thơ của Nguyễn Việt Chiến - 1/11/2015 - do NXB Phụ nữ phát hành tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhắc đi nhắc lại rằng Nguyễn Việt Chiến có bài thơ “Mưa tháng giêng” rất hay, đã được phổ thành ca khúc cũng rất hay, mọi người cần tìm đọc và nghe.


Tin vào lời của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, tôi đã tìm đọc bài thơ, rồi nghe ca khúc “Mưa tháng giêng” (Thơ Nguyễn Việt Chiến, nhạc Việt Hùng) và thấy đúng là “danh bất hư truyền”.

Trả lời câu hỏi của Trần Đăng Khoa: “Thế nào là thơ hay?”,  Nguyễn Việt Chiến nói: “Thơ hay là thơ có sức sống vượt thời gian”, Trần Đăng Khoa cười tán thành. “Mưa tháng giêng” là một trong những bài thơ của Nguyễn Việt Chiến có sức sống như vậy.

Tạp chí Văn hóa nói về bài thơ “Mưa tháng giêng” như sau: “Riêng đối với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, có lẽ không có miền nào ở Việt Nam lại có cái tiết mưa xuân trong tháng giêng đặc trưng như không gian của Bắc Bộ. Đó là một bức tranh mưa xuân mỏng manh đầy sương khói, nhưng cũng lồng ghép hơi thở của thiền định, xuyên qua những xúc cảm chân thành của nhà thơ trước thiên nhiên vạn vật, bằng ngôn ngữ văn học miêu tả chắt lọc”.

Với ngôn từ tinh tế, chọn lọc, cứ bảng lảng một không gian huyền hoặc, ngọt ngào, bài thơ mang cái ngọt lạnh của ngày đông tháng giá thấm vào da thịt, thẳm vào tâm can con người. Miêu tà cảnh vật từ xa đến gần, cuối cùng đọng lại ở hình ảnh con người - “em”, Nguyễn Việt Chiến xóa bớt đi cái lạnh giá của không gian, đem hơi ấm tình người lại cho thơ. Cảnh ấy, người ấy gợi lên trong lòng thi nhân một tình yêu nhẹ nhàng, dịu ngọt. Nguyễn Việt Chiến không dùng một từ “yêu” nào, nhưng lại làm cho người đọc thấy yêu biết bao cảnh, người của đất nước mình. Để cuối cùng, nhà thơ nói rằng “Thơ mình - sương khói thôi” – đây là một thông điệp mà thi nhân gửi tới người đọc: dù có làm gì, thì so với cuộc sống, sự đóng góp của mỗi người rất nhỏ bé, cũng chỉ là sự điểm tô cho cuộc sống như là “sương khói thôi”. Và như vậy, đủ thấy trách nhiệm của Nguyễn Việt Chiến đối với cuộc đời này lớn lao biết nhường nào. Chính vì hòa được niềm riêng của cá nhân vào vận chung của đất nước, cho dù cuộc đời vần xoay thế nào, cái khăng khăng đeo bám vào cuộc đời nhà thơ là tình yêu Tổ quốc, là trách nhiệm cao với cuộc sống. Cũng chính vì thế, anh có hai dòng thơ chảy song song, đều dạt dào, nồng ấm, đó là dòng chảy của thi hứng công dân, và một dòng chảy của thi hứng riêng tư, được thể hiện trong hai tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Hoa hồng không vỡ”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tự bạch như sau: Năng khiếu thơ của tôi phát lộ từ khi học cấp 2, do vậy tôi được tuyển vào học năng khiếu tại trường Chu Văn An, hưởng chế độ như sinh viên Đại học. Nhờ sự dạy dỗ của các thày cô, sự phấn đấu của bản thân, tôi đã xây dựng được nền tảng đầu tiên rất quan trọng để đến với thi ca. Rồi tôi đi bộ đội (1970 – 1974), trở về học đại học, đã có sẵn nền để viết. Tên tuổi Nguyễn Việt Chiến xuất hiện trên báo chí từ những năm 1968 – 1970, đến cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1989 - 1990, có hơn 10.000 nhà thơ dự thi, Nguyễn Việt Chiến đạt giải nhì bởi chùm thơ viết về Hà Nội.

“Mưa tháng giêng” từ khi được công bố đã có sức lan tỏa rất nhanh. Rồi bài thơ được phổ nhạc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng thơ của Chiến rất giầu chất nhạc, nhạc sĩ thường thường cứ nương theo câu thơ là làm thành ca khúc, nhạc sĩ cao tay thì phải bứt ra khỏi Nguyễn Việt Chiến để tạo nên âm hưởng riêng. Trần Đăng Khoa khen rằng tác giả âm nhạc đã bứt ra khỏi âm hưởng thơ để tạo nên âm hưởng nhạc rất đặc sắc. Quả thực, “Mưa tháng giêng” của Chiến có kết cấu rất phù hợp với một ca khúc, từng khổ thơ đã hợp với từng đoạn nhạc, còn âm điệu của thơ cũng đã tạo nên một giai điệu ban đầu cho ca khúc. Nhạc sĩ Việt Hùng đã đưa gần như nguyên vẹn bài thơ vào nhạc, chỉ bỏ đoạn cuối gồm 4 câu. Để thoát khỏi tác giả thơ, Việt Hùng đã khôn khéo dựa vào âm hưởng của dân ca Trung bộ tạo nên giai điệu cho một ca khúc có lời thơ nói về không gian Bắc bộ. Sự “lệch pha” này khiến cho nhạc sĩ có khẳ năng “dẫn dắt” câu từ của thơ đi theo hướng phát triển của âm nhạc chứ không bị chạy theo thơ. Tuy vậy, thơ và nhạc vẫn có sự tương đồng, bởi dân ca miền Trung cũng có cái man mác, nhẹ nhàng, buồn thoảng, hợp với giọng điệu thơ trong “Mưa tháng giêng”.


Từ khi được phổ nhạc, bài thơ nhanh chóng được các ca sĩ chọn để biểu diễn (trên sân khấu và trên truyền hình, phát thanh), thu thanh, đưa vào album riêng của mình. Tiếc rằng, có lẽ do muốn “bứt khỏi thơ” (theo cách nói của Trần Đăng Khoa) quá mức, tác giả nhạc Việt Hùng đã làm tan biến tên Nguyễn Việt Chiến để đến nỗi trong các văn bản được công bố, trong các cuộc biểu diễn, chỉ còn đọng lại tên mỗi một tác giả - Nhạc sĩ Việt Hùng. Mãi tới khi Nguyễn Việt Chiến lên tiếng đôi lần, thì nhạc sĩ Việt Hùng, qua báo Lao động, mới xin lỗi, công nhận Nguyễn Việt Chiến là đồng tác giả của ca khúc “Mưa tháng giêng”. Nhưng, tiếc thay, cho đến nay, trên các trang mạng có đăng ca khúc này, vẫn chỉ ghi tên tác giả là Việt Hùng. Ngay cả trên truyền hình, trong mục “Đến với bài thơ hay”, mặc dù phân tích khá kỹ và đọc nguyên văn bài thơ “Mưa tháng giêng”, nhưng đến đoạn phát hình ca sĩ hát bài hát được phổ bài thơ này, cũng chỉ ghi; “Sáng tác nhạc: Việt Hùng”. Kỳ cục hơn nữa, trên youtube lại ghi "Mưa tháng giêng - Trần Thu Hà", rồi trên Zing MP3 lại ghi "Mưa tháng giêng - Vân Khánh", cứ như 2 cô ca sĩ này là tác giả của ca khúc "Mưa tháng giêng" ấy! Mong rằng những khiếm khuyết này sớm được khắc phục, một mặt thể hiện sự tôn trọng tác giả, mặt khác thể hiện sự nghiêm minh thực thi Luật về quyền tác giả.

Dưới đây là nguyên văn bài thơ “Mưa tháng giêng” và lời ca khúc, cùng hai đoạn video ngâm thơ, hát ca khúc “Mưa tháng giêng”.
 

 

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mua-thang-gieng-tho-va-nhac-a3724.html