Cái nôi của nghề kim hoàn xứ đàng trong

Làng Kế Môn thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, ngôi làng với hơn 500 năm lịch sử này là nơi xuất phát của nghề kim hoàn của cả xứ đàng trong.



Hài bạc, một sản phẩm của nghệ nhân làn Kế Môn

Cái nôi của nghề vàng

Theo sử sách xưa còn ghi lại thì làng Kế Môn được thành lập vào thế kỉ 14 dưới đời vua Trần Anh Tông, làng Kế Môn nằm bên phá Tam Giang lại có đất nông nghiệp nên cư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt cá.

Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh vua Quang Trung đặt kinh đô tại Phú Xuân - Huế và ra lời kêu gọi người tài giúp vua quản lý đất nước. Ông Cao Đình Độ là người Thanh Hóa vào Huế xin làm nghề Kim hoàn khi đi qua sông Ô Lâu thì cả gia đình bị nạn, người dân Kế Môn thấy thế cứu giúp nên mới thoát chết. Để tưởng nhớ công ơn cứu mạng của người dân làng kế Môn nên sau khi vào cung ông Độ đã trở về và dạy nghề cho người dân ở đây. 

Từ đó đến nay đã được hơn 200 năm, cũng từ đó làng Kế Môn trở thành cái nôi của nghề kim hoàn của xứ đàng trong. Cũng giống như ông Độ phải rời bỏ làng quê của mình để đến kinh thành mưu sinh, dân làng Kế Môn bất kỳ ai, đã biết nghề kim hoàn đều phải rời làng ra đi. Người ta không thể kiếm sống bằng cái nghề xa xỉ ở một làng quê nghèo khó, heo hút. 

Hai trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi và có mặt, trước tiên là ở kinh thành Huế (để làm trong Cơ vệ Ngân Tượng của triều đình), sau đó là ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước, và sau này là vươn ra thế giới, .nghề kim hoàn trở thành nghề kiếm sống của người dân Kế Môn, nghề làm vàng từ đây mà tỏa ra khắp cả nước.

Niềm từ hào của xứ Đàng trong

Với 200 năm lịch sử làng nghề kim hoàn Kế Môn đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân có tay nghề cao ở trong và ngoài tỉnh. Con dân trong làng hiện tỏa đi khắp cả nước và cả trên thế giới, theo số liệu mà ôn Bùi Giật thôn trưởng thôn Kế Môn cung cấp thì hiện tại ở Huế có 300 hộ làm vàng, tiếp đó là Đà Nẵng với 200 hộ, Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh là 100 hộ. 

Không những thế người làng Kế Môn còn đưa nghề truyền thống của mình vươn ra khắp thế giới nhằm quảng bá cho quê hương đất nước, hiện tại tiểu bang Texxax của Mỹ có 40 cơ sở cầm vàng của người Kế Môn. Tại Huế các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại “Tịnh Tâm Kim Cổ”, trong các đợt Festival nghề truyền thống của Huế người làng Kế Môn đều tham dự. Làng Kế Môn có nhiều nhà thờ họ với tất cả 16 nhà thờ, đây là những họ đã có công mở làng cũng như phát triển nghề kim hoàn.

Giàu có là thế nhưng người dân ở đây lại không quên nguồn gốc của mình, hằng năm vẫn đóng góp để xây dựng trường học, chợ, nhà tình thương. Có thể nói Kế Môn là làng nông thôn có lao động ly hương sớm nhất ở Việt Nam - hơn 200 năm. Tuy nhiên, không như nhiều làng quê có người ly hương khác, Kế Môn vẫn giữ được nếp quê, có những ứng xử riêng khiến ta an lòng. Ở nơi đây, con người ra đi để quay về tốt đẹp hơn, no ấm hơn. Ở nơi đây, dù giàu hay nghèo, dù ở lại hay ra đi, ai cũng thủy chung với làng, vẫn muốn cuối đời về trong vòng tay thiên thu của mảnh đất làng.
 
Duy Trương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cai-noi-cua-nghe-kim-hoan-xu-dang-trong-a368.html