Sự thật về phong tục cho thần Tài hưởng “nhũ hoa” của nữ nhân viên để cầu may ở Hội An

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trong lịch sử hình thành và phát triển có rất nhiều phong tục độc đáo, tao nên nét đặc sắc. Sự khác biệt so với các thành phố khác. Những tiểu thương ở đây có rất nhiều mẹo và tín ngưỡng tâm linh mà chỉ người trong “hèm” mới biết. Đó là phong tục áp tượng thần tài vào “nhũ hoa” của các nữ nhân viên bán hàng mỗi buổi sáng sớm để cầu may mắn...

Áp tượng thần Tài vào ngực cầu may mỗi sáng

Thành phố Hội An vốn nổi tiếng bởi những món ăn đậm đà có hương vị rất riêng đậm đà tình người xứ Quảng. Phố Hội còn được bạn bè du khách quốc tế biết đến bởi những ngôi nhà cổ san sát được xây dựng từ thế kỷ 17, 18 đến này vẫn còn nguyên vẹn. Hội An là tinh hoa của ba nền văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, cùng với văn hóa của cư dân bản địa. Nhiều nét văn hóa đặc sắc, những phong tục kỳ lạ độc đáo và duy nhất vẫn được duy trì đến ngày nay ở đây.

Tôi thực sự bất ngờ khi biết cô bạn (tên Hiền) đang làm tại một shop vải có tiếng trên đường Phan Chu Trinh, Hội An sáng nào trước giờ làm việc cũng áp mặt của tượng thần tài vốn được để ở bàn thờ nhỏ trong shop vào “nhũ hoa” của mình để cầu may. Chủ cửa hàng bà Phạm Thị Thao, nơi Hiền đang làm cho biết: “Ở TP Hội An này, hễ ai mở hàng, nữ nhân viên được mình tin tưởng sẽ phải làm thủ tục ấy mỗi sớm trước khi mở cửa hàng. Còn với những cửa hàng có chủ là nữ trực tiếp đứng bán thì khỏi cần phải. Sau khi hương khói trước và trong cửa hàng, cô chủ cũng cho ông thần tài “hưởng” một chút mỗi sáng khi mở hàng để bước vào một ngày may mắn bán được nhiều hàng”. Tuy phong tục “lạ lẫm” này chưa có nghiên cứu nào chứng thực được nếu không làm lệ ấy mỗi sớm thì cửa hàng sẽ buôn bán ế ẩm. Thế nhưng trải qua bao đời nay, người đi trước truyền lại cho người đi sau, tạo thành một cái tục lệ phổ biến, mà bí mật. Và những ai làm kinh doanh ở Hội An cũng đều biết và tuân thủ.
 
 
Mỗi buổi sáng sớm trong cửa thần tài được hưởng “nhũ hoa” của con gái

Vào mỗi buổi sáng, trước khi đến cửa hàng các nữ nhân viên hay quản lý phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng trước khi thực hiện các bước của phong tục kỳ lạ này. Trước tiên, người thực hiện phải đặt hương xin ngài (tức thần Tài) về chứng giám. Sau đó, nhẹ nhàng “rước” ngài vào nơi vắng vẻ, kín đáo của shop, nơi cô gái thực hiện cái tục lệ ấy. Nghe thì đơn giản, nhưng mỗi cử chỉ của cô gái phải diễn ra theo trình tự chứ không phải muốn làm thế nào cũng được. Một tay cầm tượng ngài, quay mặt vào ngực mình, cùng lúc tay kia từ từ cởi cúc áo ra. Khi cởi áo xong thì áp mặt ngài vào ngực mình, di chuyển từ trái qua phải rồi ngược lại, đủ ba lần là xong. Sự việc diễn ra vỏn vẹn chưa đầy 10 phút nhưng là công việc quan trọng nhất trong ngày của mỗi cửa hàng ở đây.

Nhìn thấy tôi cười tủm tỉm, Hiền thanh minh: “Bắt đầu một ngày làm việc mới với tâm thế gặp nhiều may mắn thì tâm lý cũng thoải mái hơn, công việc vì thế mà cũng trôi nhanh hơn. Em nghĩ đôi lúc nó cũng tạo động lực để tụi em làm tốt hơn. Nhưng cũng không ít người cho rằng đó là mê tín”.

Theo cụ Nguyễn Thị My năm nay đã 84 tuổi thì: “Đúng là có cái tục đó nhưng tôi không rõ có từ hồi nào đến giờ. Đời bà tôi cũng đã có rồi, bà truyền lại cho mẹ tôi, rồi mẹ tôi truyền lại cho tôi. Có người cho rằng đó là lệ của người Hoa, người thì bảo của người Nhật… Dù có xuất xứ từ đâu, nó vẫn là một điều thiêng liêng, một nét văn hóa độc đáo của những người buôn bán ở đây…”.

Cũng theo cụ My, trước đây các chủ cửa tiệm thường thuê những cô gái còn trinh tiết đến bán hàng ở những cửa hàng lớn. Bởi theo quan niệm của họ thì thần tài rất “mê” gái, đặc biệt là những cô gái còn trinh tiết. Nhiều nhà buôn không thuê được những cô gái còn trinh tiết về làm thì phải cầu cạnh nhờ vả hoặc thuê một cô gái khác trong phố hoặc của nhà buôn khác trong phố để mỗi sáng sang nhà mình thực thi công việc cho thần tài “hưởng” nhũ hoa mỗi sớm trước khi mở hàng. Không những vậy, người được nhờ, thuê còn phải hợp mạng, hợp tuổi với gia chủ và rất nhiều tiêu chí khác mà cụ không nhớ hết.

Ai làm lộ “hèm” thì sẽ mất thiêng, thần tài sẽ trách phạt

Thắc mắc về thủ tục kỳ lạ này, chúng tôi được nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông, người đã nhiều năm gắn bó, tâm huyết với việc nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa của đô thị cổ Hội An cho biết: Tục cúng thần tài đã có từ khi người Hoa bắt đầu đến đây sinh sống vào khoảng thế kỷ 16, 17. Theo thống kê chưa đầy đủ thì đã có trên 81% các hộ gia đình ở phố cổ thờ thần Tài. Đây là tục thờ tổ nghề của những người kinh doanh buôn bán, dịch vụ. Thần Tài là vị thần mang tài lộc đến cho gia đình. Thắp hương, lễ bái thần Tài, là gia chủ ước mong luôn làm ăn phát đạt.

Tục thờ thần Tài ở  “xó xỉnh” nhà xuất phát từ điển tích: “Có một lái buôn tên Âu Minh khi qua hồ Thanh Thảo, Thủy thần ban cho một nô tỳ tên là Như Nguyệt. Âu Minh đưa Như Nguyệt về nuôi trong nhà, từ đó nhà Âu Minh làm ăn ngày càng phát đạt. Ngày tết nọ, vì một lý do vụn vặt nào đó Âu Minh đánh Như Nguyệt. Như Nguyệt sợ quá chạy trốn, chui vào đống rác và biến mất. Từ đó gia cảnh Âu Minh sa sút, thua lỗ, không mấy chốc nghèo khó. Người ta tin cô gái là thần Tài nên lập bàn thờ thờ cô. Cũng từ đó có tục kiêng hốt rác trong ba ngày tết, vì sợ “hốt” cả thần tài đi. Dân gian cho đó là nguyên nhân của việc lập bàn thờ thần tài không đặt trên cao.

 
 
Cửa hàng buôn bán luôn trôi chảy mỗi khi thần tài được thơm nhũ hoa

Bàn thờ thần tài thường dán giấy đỏ, để ở một góc hay một xó nào đó. Có thể có bài vị nhỏ, hai bên bài vị có câu đối “Thổ năng sinh bạch ngọc - Địa khả xuất hoàng kim” (Đất hay sinh ngọc trắng - Đất khá có vàng ròng). Thần tài được thờ phổ biến từ các hội quán đến từng gia đình và hệ thống thần tài người Hoa thờ cũng đa dạng gồm nhiều vị thần chuyên lo ban phát tài, lộc.

Ở các hội quán, thần tài được thờ trong khám lớn, đặt ở gian tả hoặc hữu của chánh điện. Tại nhà, thần tài được thờ chung với thổ địa, quay mặt theo hướng nhà, bên trong khám thờ có bài vị ghi tên các vị thần tài và thổ địa cùng hương hoa, trà rượu. Thần tài được cúng vào ngày sóc, vọng hàng tháng, các dịp lễ tết trong năm nhưng hầu hết trong các nhà buôn bán, việc cúng tiến hành thường xuyên vào mỗi buổi sáng. Lễ vật gồm hoa, quả, thịt quay và những lễ vật khác tùy điều kiện của gia chủ. Lễ lớn nhất thường diễn ra ở các hội quán là lễ vía Tài Bạch tinh quân, người dân đến xin thần tài ban lộc, thỏa mãn khát vọng mua năm bán mười, mua mau bán đắt, tài lộc dồi dào.

Cũng theo ông Đông thì những người buôn bán ở Hội An có tục lạ cho thần tài “thơm” nhũ hoa thiếu nữ, trước hết nằm trong những nghi thức thể hiện tín ngưỡng phồn thực sơ khai của dân gian. Dưới góc nhìn văn hóa, những tục lệ như vậy - được gọi là “hèm” - hèm là những nghi thức bí mật, kín đáo nhằm “thỏa mãn thần linh” hay gợi nhớ tiếc, tôn kính thần linh – nghĩa là những hành động ấy “tái hiện” những hành động, công tích mà vị thần ấy từng làm. Có làng -  vì thành hoàng trước đây làm nghề ăn mày nhưng khi giàu có đã giúp đỡ dân làng qua cơn đói kém - có tục “ném bị, gậy” trong phần hội, những ai tranh được bị, gậy sẽ là người may mắn trong năm vì nhận được “lộc thánh”.

"Như vậy tục “thưởng vú” cho thần tài cũng là một tục “hèm” trong quan niệm “thỏa mãn vị thần tài lộc” về mặt dục vọng để thể hiện ước mong phồn thực của những người buôn bán. Những ai làm lộ “hèm” thì sẽ mất thiêng, thần tài sẽ trách phạt. Đây là một biểu hiện lễ tục có tính cách cá nhân, gia đình, ít phổ biến nên đã dần phai nhạt trong cộng đồng cư dân hiện tại. Ngày nay, tín ngưỡng thần tài thể hiện những ước vọng ngàn đời của thương nhân về tài lộc sinh sôi nhưng để đạt được ước vọng ấy còn đòi hỏi nhiều thứ mà có lẽ - nhiều phép thuật như thần tài - cũng phải bó tay...", ông Đông kết luận.

 
Hữu Tiến

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/su-that-ve-phong-tuc-cho-than-tai-huong-nhu-hoa-cua-nu-nhan-vien-de-cau-may-o-hoi-an-a3644.html