Kì lạ "vợ chồng" bàng cổ thụ che chở cho dân làng

Từ nhiều đời nay, người dân làng Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng coi 2 cây bàng như một “báu vật’ cùng với đình phù hộ cho dân làng. Cứ năm nào, cây bàng “vợ” ra hoa, quả sai thì mùa màng bội thu, gia đình no ấm.

Vào mùa bàng chín, những quả bàng rơi xuống sân đình, ai muốn nhặt phải thành kính chắp tay xin. Nếu không ngỏ lời xin mà nhặt ăn sẽ gặp điềm gở.

Đi từ xa đã thấy thấp thoáng hai ngọn cây cao vút, màu lá xanh vươn cao hẳn lên như ngự trị đất trời, đứng bên cạnh ngôi đình làng Thượng Điện, đó chính là hai cây bàng thiêng của dân làng Thượng Điện mà người dân trong vùng quen gọi là “vợ chồng” nhà bàng.


“Vợ chồng” nhà bàng

Nhắc tới 2 cây bàng cổ thụ trước sân đình mà người dân trong vùng vẫn gọi là “vợ chồng” bàng. Các cụ cao niên trong làng cho biết, 2 cây bàng cổ thụ này được trồng được cho là vào khoảng năm 1795 ( năm đình làng được vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn năm thứ 4 sắc phong). Cây trồng trước cửa đình, tượng trưng cho 2 người lính mẫn cán canh gác, che chở cho đình đứng vững qua mọi giông bão của thời gian. Trải qua hơn 200 năm, hai cây hiện có chiều cao 25 và 30 m, hai người ôm không xuể.
 
 
Cây bàng vợ có nhiều u cục, mấu sần giống như người phụ nữ mang thai

Ban đầu, khi trồng cây, các tiền nhân chỉ trồng 2 cây bàng ngẫu nhiên mà không có chủ ý là trồng được “vợ chồng” nhà bàng. Cây bàng “chồng” thân thẳng vươn lên trời xanh, chiều cao khoảng 30m, có nhiều cành nhỏ, lá mọc sum xuê quanh thân, xanh rì và rất ít khi có quả. Còn cây bàng “vợ” cao khoảng 25m, thân cây mọc ra nhiều u, cục mấu sần giống như hình ảnh người phụ nữ đang mang thai. Thân của cây bàng “vợ” có rất ít cành nhỏ mọc ra, đang là mùa hè nên quả bàng non, hình bầu dục, xanh xanh sai trĩu trên tán. Hai cây bàng trồng cách xa nhau nhưng tán cây lại đan xen, quấn quýt lấy nhau như đôi vợ chồng luôn che chở, đùm bọc, yêu thương nhau trong cuộc sống.

Bác Trần Thị Hiền, người làng Thượng Điện cho biết, khi lập gia đình các cụ cao niên luôn luôn căn dặn con cháu phải đùm bọc, yêu thương và không được rời xa nhau giống như hai “vợ chồng” cây bàng trong sân đình của làng.  Ở làng văn hóa  Thượng Điện, có không ít đôi trẻ  vừa mới dự lễ thành hôn xong, cô dâu trên người vẫn  còn nguyên bộ váy cưới trắng tinh khôi, chú rể vẫn comple cà vạt đưa nhau ra đình để thăm “vợ chồng” nhà bàng. Họ vái tay cầu nguyện và tin rằng thành hoàng làng và nhất là hai cây bàng sẽ phù hộ cho cuộc sống sau này của hai người sẽ hạnh phúc, no đủ, che chở cho nhau suốt đời như hai cây bàng kia.
 
Theo bác Trần Trung Chính, trưởng ban quản lí Khu Di tích Đình Thượng Điện khẳng định: “Giống bàng thật kỳ lạ, nếu trồng hai cây đồng thời, gần nhau bất kỳ, nếu là cây đực và cây cái thì phát triển xanh tốt. Còn nếu là hai cây đực, hai cây cái cùng nhau thì một trong hai cây sẽ chết. Hiện nay ở nhà mẫu giáo của thôn cũng trồng được hai cây bàng đực và bàng cái giống như hai cây ở sân đình”.

Gặp điềm gở nếu không chắp tay xin

Người dân làng Thượng Điện coi “vợ chồng” cây bàng như một “báu vật’ cùng với đình phù hộ cho dân làng. Cứ năm nào, cây bàng cái ra hoa quả sai thì người dân trong làng mùa màng bội thu. Vào mùa bàng chín, những quả bàng rơi xuống sân đình, ai muốn nhặt phải vào xin. Nếu không ngỏ lời xin mà nhặt ăn sẽ gặp điềm gở. 
 
Bà Nguyễn Thị Thoa, nhà ngay cạnh đình làng Thượng Điện cho hay: “Trẻ con trong làng rất thích ra gốc bàng chơi vì rất mát mẻ, lai có ghế đá ngồi hẳn hoi. Mùa bàng chín, chúng thành kính lẩm nhẩm vái lậy hai cây bàng, rồi mới leo trèo lên đẩy bàng, không đứa nào dám nói bậy, chửi tục gì cả”.
 
Cũng bởi một lẽ, các cụ xưa vẫn lưu truyền câu chuyện lí giải tại sao phải chắp tay lạy cây, lạy đình. Đó là khi cây bàng mới ra quả, một nhóm người ở vùng khác đến, họ vào sân đình Thượng Điện ngồi nghỉ dưới bóng mát. Nhìn thấy quả bàng chín vàng, thơm phức rơi trên sân đình liền nhặt ăn rất vô tư. Không ngờ, về tới nhà, họ đau bụng và ốm liệt giường mấy tháng, đến thầy lang giỏi đến mấy cũng không bắt ra bệnh. Thuốc thang mãi không khỏi, tình cờ người làng Thượng Điện sang chơi và khuyên trở lại ngôi đình Thượng Điện xem sao. Ngày hôm sau nhóm người đó lập tức mang xôi gà và hai tay vái lậy cây bàng và thành hoàng làng thì người khoan khoái, khỏe lại tức thì. Từ đó trở đi, dù là bất kỳ ai, trẻ con hay người lớn ở làng Thượng Điện, có muốn ăn quả bàng thơm thơm bùi bùi của hai cây bàng thì cũng thành kính chắp tay để xin rồi mới ăn.
 
Không những vậy, nhiều người còn tin rằng vỏ, lá của 2 cây bàng cổ thụ trong sân đình còn là bài thuốc dân gian chữa một số bệnh. Người làng Thượng Điện hay dùng vỏ thân cây bàng  bỏ lớp đen bên ngoài có tác dụng lợi tiểu, cường tim.Vỏ thân sắc uống trị lị và tiêu chảy, rửa vết loét, vết thương. Lá dùng  làm thuốc chữa cảm sốt, làm ra mồ hôi, chữa tê thấp và lỵ. Búp non phơi khô tán bột rắc trị ghẻ, trị sâu răng, sắc đặc ngậm trị sâu răng. 

Ông Trần Văn Lộc, Trưởng thôn Thượng điện cho biết, trong thời kì đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Thượng điện trở thành nơi hội họp của các chiến sĩ cách mạng. Ngôi đình nổi tiếng linh thiêng nên không có tên lính nào dám bước chân vào lục soát hay phá hoại đình. Chỉ cần chạm chân tới cổng đình là chúng chạy mất hút.
 
Không những thế, 2 cây bàng cổ thụ trong sân đình trở thành chòi quan sát của các chiến sỹ du kích cũng như dân làng mỗi lần có địch càn. Vào thời kì chống Mỹ, nhiều khu vực của làng bị bom đạn đánh phá nhưng đình làng cũng như 2 cây bàng không bị ảnh hưởng gì. Có điều kì lạ là những quả bom, viên đạn bắn vào khu vực đình đều trở thành bom thối, bom xịt. Vì vậy đình làng Thượng Điện là nơi các các cơ quan của huyện Vĩnh Bảo về đây sơ tán trong thời gian dài. Người làng Thượng Điện luôn bày tỏ tấm lòng thành kính coi đình làng với hai cây bàng cổ thụ của làng như “báu vật” mà ra sức trông nom, giữ gìn.
 
Những người ở xa về quê hương điều đầu tiên họ làm chính là đi ra đình làng thăm “vợ chồng” nhà bàng, thắp hương thành kính thắp hương. Kinh tế khá giả, nhiều người con của Thượng Điện còn tự nguyện về xây tường bao, cung tiến ghế ngồi, làm đài phun nước, sửa sang lại khuôn viên của đình làng cho sạch sẽ, mát mẻ.
 
Ngày 1/4/2014, Hội Cây Di sản Việt Nam và Tổng thư kí Hội bảo vệ thực vật thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 2 cây bàng tại Đình thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng là cây di sản Việt Nam.

Hai cây bàng có tuổi trên 200 năm, đã gắn liền với lịch sử đình Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và chứng kiến bao sự kiện diễn ra tại đây.

Đình làng Thượng Điện thờ tướng quân Đại Lực, được sắc phong là “Cán Hải Đại Lực Tuấn Xuyên Cư Sĩ”. Theo thần tích còn lưu tại đình do Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng phúc thứ nhất (năm 15720, cuối triều Hùng Vương thứ 18, Thục Phán đem quân chiếm nước Văn Lang, thế giặc rất mạnh. Trong tình thế nguy cấp đó, vua Hùng xuống chiếu khắp nơi tuyển mộ nhân tài ra cứu nước. Bấy giờ ở đạo Sơn Nam, vua núi Hồng Lĩnh có ông Đại Lực là người tài giỏi, tự nguyện đứng ra cầm quân đánh giặc. 
 
Ngay từ đầu trận, nghĩa quân đã thắng lớn, quân Thục thua to chạy tan tác, ông đem quân đuổi theo giặc đến tận đạo Hải Dương, phủ Ninh Giang, huyện Vĩnh Lai, xã Cựu Điện và Thượng Khu ( tức thôn Thượng Điện ngày nay) rồi cho lập đồn binh tại đây. Sau khi dẹp xong giặc, ông lên ngựa phi về núi Hồng Lĩnh, đạo Sơn Nam. Nhân dân Thượng Khu làm lễ cúng tế và lập đền thờ ngay tại khu đồn. Các cụ cao niên trong làng truyền lại, ngôi đền sau đó được xây dựng lại thành ngôi đình 5 gian, được tôn tạo năm Canh Ngọ 1930, trùng tu 1 lần vào năm 1991 và lần thứ 2 vào năm 2005.

Hàng năm cứ vào đúng ngày Giỗ tổ vua Hùng là hội làng Thượng Điện lại diễn ra. Lễ vật trong ngày này nhất thiết phải có bánh chưng xanh, bánh giày. Phong tục này trở thành nghi thức truyền từ đời này sang đời khác và được duy trì đến hôm nay để nhắc nhở thế hệ mai sau truyền thống “uống nước nhớ nguồn” – nhớ về thời vua Hùng dựng nước.

Theo Ngày Nay

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ki-la-vo-chong-bang-co-thu-che-cho-cho-dan-lang-a362.html