Thổ cẩm - Nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Mạ, Đồng Nai

Trong số hơn 30 dân tộc ít người đang cộng cư trên địa bàn Đồng Nai, Châu Mạ là một trong số ít tộc người vẫn còn bảo lưu được nhiều nét độc đáo trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.


Người phụ nữ Mạ dệt thổ cẩm

Là một trong những cư dân bản địa của vùng đất Đồng Nai (gồm các tộc người Chơro, Mạ, S’tiêng, K’ho), vốn di sản văn hóa vật chất, tinh thần được lưu truyền tự bao đời của người Mạ đã góp phần không nhỏ làm phong phú bản sắc văn hóa trong đại gia đình các tộc ít người anh em.

Đối với đồng bào dân tộc, nói đến trang phục là trước tiên nói đến các chủng loại thổ cẩm được dệt theo phương pháp thủ công truyền thống. Dệt thổ cẩm là hoạt động không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng Châu Mạ ở Hiệp Nghĩa (huyện Định Quán) và Tà Lài (huyện Tân Phú). Do vậy nghề dệt thổ cẩm của người Mạ trở thành biểu trưng cho các dân tộc ít người ở Đồng Nai.

Phụ nữ dân tộc Mạ là những kỹ thuật viên điêu luyện trong lĩnh vực tạo sắc màu nhuộm chỉ và dùng chủ yếu các nguyên vật liệu sẵn có tại nơi mình cư trú. Bằng các loại vỏ, quả, lá và củ cây rừng họ pha chế để cho ra các màu trên vải dệt truyền thống là đen, đen chàm, đỏ, vàng, trắng, xanh trong đó đen chàm là màu chủ đạo… Bàn tay tài hoa của người phụ nữ Mạ kết hợp với một số bí quyết tích lũy tự bao đời đã tạo ra những cuộn chỉ dệt chất lượng cao, màu không lây sang quần áo khác cùng giặt, trải qua đôi mươi mùa rẫy mà thổ cẩm vẫn giữ được sắc màu nguyên thủy.

Người phụ nữ Mạ vừa dệt thổ cẩm đồng thời cũng vừa dệt hoa văn trên thổ cẩm. Trí sáng tạo, mắt nhìn thẩm mỹ của mỗi người tạo nên vẻ đẹp riêng, đa dạng, màu sắc được phối hợp hài hòa tạo những đường nét rực rỡ. Tùy thuộc vào từng chủng loại thổ cẩm làm ra và mục đích sử dụng mà từ đó người dệt sẽ thể hiện nên những mô típ hoa văn phù hợp.

Các chủng loại thổ cẩm phổ biến là khố, áo, chăn, khăn, váy, túi, mền (được nối từ nhiều tấm vải lại với nhau)… Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có kích thước, hình dạng, kiểu cách khác nhau khi dệt.

Vào các dịp hiếu hỷ, cưới hỏi, lễ hội là cơ hội để người Mạ trình diện bộ trang phục truyền thống của mình. Đó là những bộ trang phục đẹp mắt, khoe sắc màu rực rỡ, tươi tắn, phù hợp với không khí ngày vui trong buôn làng. Hình ảnh nam nữ Châu Mạ trong trang phục truyền thống say sưa hát múa, biểu diễn các loại nhạc cụ như cồng, chiêng, khèn bầu, khèn môi, đàn tre… trong các dịp lễ hội, các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ… đã không còn là điều xa lạ, mới mẻ sau một thời gian tưởng chừng đã bị mai một, lãng quên.

Vấn đề quan trọng đặt ra là việc khôi phục, bảo tồn và phát huy tác dụng các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của các tộc người ở Đồng Nai trong cả lĩnh vực vật thể và phi vật thể cần được quan tâm đúng mức và tiến hành đồng bộ. Việc làm này đòi hỏi không chỉ có ngành văn hóa mà còn có sự chung sức của cả cộng đồng trong đó giữ vai trò quan trọng là những chủ thể của loại hình di sản văn hóa độc đáo này./.

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tho-cam-net-van-hoa-truyen-thong-doc-dao-cua-nguoi-ma-dong-nai-a3576.html