Địa phương có khí hậu chuyển tiếp vừa mang đặc tính cả mùa đông lạnh của khí hậu miền Bắc, vừa mang đặc tính khí hậu nóng của miền Nam cùng với khí hậu khắc nghiệt gió Tây khô nóng, độ ẩm thấp và chủ yếu là rừng thông nhựa và giáp ranh với các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Do vậy trong công tác quản lý và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Các khu vực ven rừng có đông các hộ dân sinh sống và sản xuất chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp, canh tác theo truyền thống, đời sống khó khăn, chủ yếu dựa vào rừng khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian nông nhàn, người dân thường vào rừng khai thác lâm sản trái phép, chặt củi khiến cho công tác PCCCR luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho người dân luôn được đề cao và triển khai thường xuyên với nhiều hình thức thích hợp, đồng thời xây dựng các phương án PCCCR, trong đó tập trung mọi lực lượng, phương tiện cho mùa nắng nóng.
Trụ sở làm việc BQL
Với tầm quan trọng của rừng nên từ khi thành lập, BQL rừng đặc dụng Nam Đàn rất chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ, đặc biệt là PCCCR nên trong thời gian qua đã hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng lớn trên phần diện tích quản lý. Tuy nhiên, vào những thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ tăng cao cộng với gió phơn Tây Nam thổi mạnh khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp cảnh báo cực kỳ nguy hiểm.
Căn cứ vào các vụ cháy rừng xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn huyện cho thấy chủ yếu là rừng thông lấy nhựa. Bên dưới diện tích rừng này là thảm thực vật chủ yếu là lá thông, lau lách, sim mua rất dễ bén lửa vào mùa khô nóng. Trong khi đó, bằng nhiều con đường, người dân thường xuyên vào rừng nên rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, việc triển khai các biện pháp PCCCR được triển khai mạnh từ tháng 4 đến cuối tháng 9 hàng năm, đặc biệt trong giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô.
Các phương án PCCCR với phương châm 4 tại chỗ gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ luôn sẵn sàng. Đối với các tiểu ban quản lý bảo vệ rừng ở các xã, là lực lượng nòng cốt, phải cử lượng bảo vệ rừng tuần tra liên tục 24/24 giờ trên các chòi canh, đồng thời theo sát và nhắc nhở người dân khi vào rừng cẩn thận khi sử dụng lửa trong sinh hoạt, đồng thời hướng dẫn người dân về PCCCR, báo cháy. Khi phát hiện ngọn lửa bùng phát phải trực tiếp dập tắt, đồng thời báo cháy cho các lực lượng khác để được hỗ trợ. Tổ chức phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cá nhân sinh sống trong rừng và ven rừng hỗ trợ lực lượng ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Các phương tiện chữa cháy được tập kết theo từng điểm cố định sẵn sàng ứng cứu, đồng thời đã tiến hành huy động các phương tiện tại chỗ trong nhân dân như máy thổi, máy phát thực bì, cuốc, xẻng, bao tải, thùng gánh nước, cành cây để tham gia dập lửa. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc luôn thông suốt, hạ tầng PCCCR đã được đầu tư, nâng cấp như máy móc, thiết bị, hệ thống đường ranh cản lửa, các biển báo cấm, quy ước bảo vệ rừng…
Công tác bảo vệ, PCCCR rất được quan tâm, đặc biệt đối với rừng đặc dụng. Tuy nhiên thời gian qua trên địa bàn cả nước vẫn thường xảy ra những vụ cháy rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với rừng đặc dụng Nam Đàn trong 9 tháng đầu năm 2014 đã xảy ra 5 vụ cháy và nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng luôn hiện hữu. Như đã nói ở trên, nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng xuất phát từ việc người dân vào rừng khai thác lâm sản sử dụng lửa bất cẩn nên hiểm họa cháy rừng vẫn thường xảy ra.
Để công tác PCCCR đạt hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng đối với ban quản lý rừng cần phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân về bảo vệ rừng. Tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ quan trọng và lâu dài cần phải được đặc biệt coi trọng, trong đó cần có sự tham gia tích cực của các cấp, ngành và toàn xã hội ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Quan tâm về nhân lực, thiết bị phương tiện cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Hiện nay Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn gặp không ít khó khăn do phương tiện, trang thiết bị quản lý, bảo vệ và PCCCR còn thiếu đã ảnh hưởng đến công tác tuần tra, bảo vệ và đối phó khi tình huống cháy rừng xảy ra. Các công trình phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đã xuống cấp như các chòi canh, hệ thống đường ranh cản lửa đã xuống cấp…
Công tác bảo vệ, PCCCR là việc làm thường xuyên và lâu dài, đặc biệt đối với những cánh rừng phòng hộ cần phải được coi trọng. Những khó khăn kể trên cần phải được quan tâm tháo gỡ kịp thời...
Lê Đình Minh – Trưởng BQL