Sức sống trường tồn của làng nghề truyền thống
Sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống có sức sống trường tồn lan tỏa trong muôn mặt của cuộc sống, đồng hành theo suốt vòng đời con người. Từ thủa lọt lòng nằm nôi cho đến khi từ giã cuộc đời về với đất đai, cuộc ly biệt ấy cũng gắn bó theo biết bao sản vật, sản phẩm từ làng nghề truyền thống.
Trong đời sống người Việt từ thôn quê tới đô thị, từ nhà nghèo khó cho đến chốn giàu sang quý phái, từ vùng núi đến vùng xuôi, từ đồng bằng đến biển đảo đều có sự góp mặt của những sản phẩm do bàn tay của người thợ thủ công các làng nghề truyền thống. Những vật dụng đó ngoài tiện ích cuộc sống còn bao hàm giá trị tinh thần, nghệ thuật điểm tô cho sắc màu không gian, nâng niu bồi đắp tâm hồn cốt cách của con người. Các sản phẩm đó chở che bảo vệ con người trong mọi trường hợp cần thiết.
Vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh của dân tộc H’Mông xã Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang… Ảnh : Phương Linh
Kho tàng tri thức nghề và làng nghề đặc biệt phong phú. Đó là các tổ hợp nghề rèn, đúc, chạm khắc, tạc, sơn, sắt, mộc, mây , tre, gốm, dệt, thêu, tranh, ngọc, kim hoàn, trống, đàn, đặc sản ẩm thực.... Trong mỗi nghề ấy lại có nhiều ngành nhiều nhánh khác nhau mà sự phong phú, tài hoa thật khó mà so sánh. Trong nghề gốm có sành, sứ. Trong chạm khắc có khắc đá, tạc tượng, làm tranh đá, chế tác đồ dùng bằng đá, vật liệu đá, đá mỹ nghệ. Nghề chạm khắc gỗ cũng có những nhánh tương tự. Nghề mộc có các nhánh mộc gia dụng đóng đồ, mộc xây dựng làm nhà, làm cầu, mộc kỹ nghệ có đóng tàu, thuyền, đóng thùng... Nghề làm tranh có nhiều chất liệu trên giấy, trên vải, trên gỗ, trên đá, tranh khảm, tranh gốm. Nghề dệt có muôn màu, nghề thêu cũng có vô vàn loại. Nghề chế biến món ăn đặc sản truyền thống thì nhiều vô kể, nhiều danh xưng vẫn còn mãi đến nay như cốm Vòng, bánh đa Chũ, tương bần, bánh gai Ninh Giang, mứt sen, trà sen Tây Hồ, bánh dày Quán Gánh, rượu Làng Vân, rượu Bắc Hà, rượu San Lùng, rượu Bàu Đá, chè Tân Cương, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, đường Thốt Nốt, chả cá Lã Vọng.
Lịch sử nghề và làng nghề thủ công truyền thống cũng rất phong phú chứa đựng nhiều huyền tích về sự việc và con người được lưu danh, ngưỡng mộ. Nghề kim hoàn ở Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình có lịch sử khoảng 1400 năm. Nghề dệt lụa Hà Đông có lịch sử 1700 năm. Nghề làm giấy có tuổi nghề 800 năm. Ngay như làng gốm Bát Tràng Hà Nội bên kia sông Hồng cũng đã 500 năm tuổi. Nghề đúc đồng có thể tới vài ngàn năm tuổi bởi sự hiện diện những trống đồng cổ xưa hoàn mỹ, thời đại văn minh ngày nay nhiều đình, chùa tháp có niên đại hàng ngàn năm đã chứng tỏ nghề và làng nghề thủ công tài hoa đã xây dựng nên nhiều công trình thiên niên kỷ.

… và nghề dệt zèng truyền thống của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế được giới thiệu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà
Nghề và làng nghề có sức sống mạnh mẽ bởi nhu cầu tiêu dùng sử dụng của xã hội. Nó cũng là thước đo trình độ phát triển của xã hội. Từ thủa ban đầu lập nghiệp hành nghề những người thợ thủ công vùng châu thổ sông Hồng với trung tâm là Thăng Long đô hội đã mang nghề đi xa lập nghiệp nơi đó. Không ít nghề đã lên rừng, xuống biển hoặc vào tận phương Nam để nghề truyền thống của người Việt lan xa tỏa rộng. Chính bối cảnh đó đã làm tăng đội ngũ thợ thủ công hình thành và nâng cao trình độ tay nghề của nghệ nhân dân gian truyền thống ở khắp mọi miền đất nước, tạo ra những sản phẩm độc đáo mang đậm dấu ấn vùng miền.
Nét đẹp văn hóa làng nghề
Kinh nghiệm lâu đời và kỹ thuật truyền thống ở các làng nghề đã hun đúc thành nét đẹp văn hóa truyền thống làng nghề. Có thể nói thợ thủ công là những người có bàn tay vàng làm ra những sảm phẩm có giá trị về vật chất và tinh thần xứng đáng được tôn trọng vinh danh. Mỗi nghề, làng nghề đều tự tạo cho mình một môi trường phù hợp để thu nạp nguyên liệu sản xuất chế tác, để quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Đó chính là môi trường văn hóa làng nghề kéo theo những phường hội, chợ búa, bến thuyền mầm mống cho sự hình thành mở mang của đô thị, đô hội, kinh kỳ sau này. Chính vì thế sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và tiếp tục làm mê đắm du khách bốn phương. Có thể nói nghề và làng nghề truyền thống trong quá khứ và hiện tại đã mang thông điệp là sản phẩm văn hóa, sản phẩm của văn minh, sản phẩm của trí tuệ Việt Nam, con người Việt Nam.
Khôi phục bảo tồn, phát huy và phát triển nghề và làng nghề truyền thống, xây dựng đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi nghề truyền thống là việc làm cần thiết. Công nghiệp hóa đất nước không phải là sự hạn chế, cản trở, triệt tiêu ngành nghề truyền thống. Ngược lại bằng tư duy công nghiệp, đổi mới cần đặt các làng nghề truyền thống và đội ngũ thợ thủ công là một mũi nhọn của phát triển công nghiệp bền vững. Khai thác triệt để các giá trị văn hóa trí tuệ và tài hoa của thợ và nghề truyền thống sẽ góp nhiều vào xây dựng công nghiệp hiện đại đặc sắc Việt Nam trong thời kỳ mới mở ra triển vọng mới.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng là nơi hội tụ nghệ nhân, nghề và làng nghề truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Nơi đây cũng chính là con đường hành trình di sản để du khách tìm hiểu nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống Việt Nam.
Theo Làng Việt