Lễ cúng tổ tiên độc đáo của người Si La ở Lai Châu

Theo nghi lễ của tổ tiên truyền lại, mỗi năm, người Si La (Lai Châu) phải cúng sóc ba lần, vào dịp tết năm mới, tết mừng lúa mới và trong đám cưới.


Dân tộc Si La ở Lai Châu

Người Si La ở xã Chung Trải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) quan niệm, những người cùng họ là cùng một tổ tiên, cho nên không được lấy nhau. Trưởng các dòng họ thường là người già nhất, chứ không phân biệt trưởng, thứ, “vai trên, vai dưới” như người miền xuôi. Ông trưởng họ lo việc thờ cúng và có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ, cũng như mỗi khi có sự kiện lớn như cưới xin, ma chay...

Hàng năm vào hai kì, tết năm mới và cơm mới, có lễ cúng tổ tiên chung ở nhà người trưởng họ với các lễ vật rất đặc trưng như thịt sóc, cua, cá bống, ống rượu cần tượng trưng, vài bông lúa, khoai sọ, bó lá hạt cườm. Trên mâm cúng không dùng hương mà đốt nến bằng sáp ong. Những đồ thờ gia bảo của dòng họ bày ở bàn thờ là trống, nhạc ngựa, quả bầu, chén đựng rượu. Khi người trưởng họ mất, chỉ sau 3 năm người lên thay mới được quyền chuyển những đồ thờ này sang bàn thờ nhà mình. Người trưởng họ có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong họ, cưới xin, ma chay, cho người ra khỏi họ hoặc kết nạp thành viên mới vào họ. Những người cùng họ không được lấy nhau.

Trong mâm cỗ cúng tổ tiên của người Si La không thể thiếu thịt sóc. Theo qui định của tổ tiên truyền lại, mỗi năm, người Si La phải cúng sóc ba lần, vào dịp tết năm mới, tết mừng lúa mới và trong đám cưới. Nhất là khi ốm đau, bệnh hoạn, người Si La lại càng cần đến thịt sóc để làm lễ cúng, cầu cho tai qua, nạn khỏi.

Đối với người Si La con Sóc quan trọng đến độ, cộng đồng đưa ra hẳn một quy định: dòng họ nào không bắt được sóc để cúng tổ tiên thì không được ăn tết năm mới.

Nghi lễ cúng tổ tiên của người Si La được thực hiện ở bếp thiêng. Bếp thiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Si La. Vào những ngày lễ, tết các gia đình trong dòng họ sẽ mang lễ vật tới cúng tế ở bếp thiêng nhà ông trưởng họ, tưởng nhớ đến tổ tiên và cầu may.

Trong bếp thiên ở chỗ bàn thờ nhà người Si La có 3 hòn đá. Ngày xưa, người ta chôn thẳng đứng với chỗ thờ, một cái chôn thẳng đứng với cửa chính, một cái chôn theo hướng giường nằm của chủ hộ. Ba hòn đá này, một  tượng trưng cho tổ tiên, một hòn đá gác cửa, ngăn không cho những gì xấu xa, uế tạp vào nhà. Còn hòn kia thì gác chạn bát, để giữ gìn của cải cho gia đình.

Nếu làm khách của người Si La, bạn chú ý chớ có đạp chân vào bếp thiêng. Làm vỡ hòn đá nơi bếp thiêng là rất xúi quẩy, sẽ bị phạt. Nếu nhỡ làm vỡ hòn đá kia thì bị phạt, 2 đồng bạc, một chai rượu để mời thầy mo về cúng hồn cho gia đình bị vỡ hòn đá nơi bếp thiêng. Không may làm vỡ đá bếp thiêng thì dứt khoát phải làm lễ cúng, xin tổ tiên thứ lỗi, hứa sẽ không để xảy ra. Người Si La tin rằng, nếu không mời thầy về cúng rất có thể bị tai nạn, rủi ro, hoả hoạn.

Người Si La còn có rất nhiều nghi thức, lễ hội. Những nghi thức, lễ hội đó được diễn ra ngay trong đời sống hàng ngày của người dân phản ánh hiện thực cuộc sống đồng thời truyền tải những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và những quan điểm sống của con người.

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-cung-to-tien-doc-dao-cua-nguoi-si-la-o-lai-chau-a3553.html