Quảng Ngãi: Phong tục mai mối trong hôn nhân của người Hrê xưa

Phong tục mai mối trong dựng vợ gả chồng của người Hrê bao đời nay là một trong những nét đẹp truyền thống trong đời sống hôn nhân của họ.


Trai gái Hrê xưa dựng vợ gả chồng đều qua mai mối

Đồng bào dân tộc Hrê ở miền núi Quảng Ngãi từ lâu đời đã hình thành nên bản sắc văn hóa truyền thống rất rõ nét. Trong đó phải kể đến các phong tục trong đời sống hôn nhân. Đối với người Hrê ở Quảng Ngãi, chuyện dựng vợ gả chồng trước tiên là do người đi mai mối (đi hỏi) gầy dựng nên, hoặc là do hai bên gia đình kết bạn làm sui gia với nhau, tức cha mẹ sắp đặt con cái lấy vợ lấy chồng theo ý của mình, làm sui với nhau lúc con còn nhỏ, thậm chí còn đang trong bụng mẹ. Tuy nhiên, khi đến lúc chuẩn bị tổ chức đám cưới cho đôi vợ chồng cũng phải có người mai mối do hai bên gia đình thống nhất mời, hoặc một bên gia đình mời.

Người mai mối vợ chồng cũng có thể là đàn ông hoặc đàn bà đã lớn tuổi, có khiếu ăn nói, được nhiều người trong cộng đồng quý trọng, và cũng có thể là người thân, họ hàng gia đình bên trai hoặc bên gái.

Để cho công việc được chắc chắn hơn, thường thì người mai mối tìm hiểu, thăm dò tình cảm người con gái trước, rồi mới thăm dò con trai. Nếu thấy hai người có vẻ ưng ý, có cảm tình với nhau thì người mai mối tiếp tục tìm hiểu, thăm dò cha mẹ của hai bên. Cảm thấy thuận buồm xuôi gió thì người mai mối mới đến tận nhà hai bên gia đình, đặt vấn đề chính thức.

Khi hai bên đều đã đồng ý, lúc này người mai mối có nhiệm vụ làm trung gian mối liên hệ giữa hai bên gia đình. Tất cả mọi hoạt động quan trọng của hai bên gia đình đều có sự tham gia góp ý kiến của người mai mối, xem như một thành viên của hai gia đình vậy, được hai bên gia đình hết sức quý trọng, tiếp đãi chu đáo hơn.

Từ khi đã đồng ý làm sui với nhau, hai bên gia đình thống nhất ngày để nhà gái cõng củi cho nhà trai, gọi là “Pôơq loang unh ca proi”. Nhà gái chọn các chị em phụ nữ trong làng khoảng 20 - 30 người (tùy theo khả năng) đi lên rừng kiếm củi để cõng về cho nhà trai. Nhà trai chuẩn bị cơm, rượu ngon để tiếp đãi đoàn cõng củi nhà gái. Một thời gian sau nhà gái cũng tổ chức công việc gì đó để cho nhà trai làm. Và đây cũng là dịp để cho chú rể tương lai thể hiện tài năng của mình đối với gia đình nhà vợ.

Sau đó có thể trong năm, hoặc một hai năm sau, thậm chí lâu hơn nữa mới có thể tổ chức đám cưới cho đôi vợ chồng trẻ. Trong thời gian chưa tổ chức đám cưới, người mai mối luôn giữ mối liên hệ mật thiết với hai bên gia đình; đồng thời theo dõi diễn biến tâm tư tình cảm của hai đứa trẻ, phòng ngừa những dèm pha của thiên hạ, khi nào được tổ chức đám cưới xong mới được xem là đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, sau khi đôi nam nữ đã thành vợ thành chồng, người làm mai còn có trách nhiệm vun vén cho hạnh phúc của lứa đôi....

Thông qua người làm mai, hai bên gia đình hiểu được ý định, cùng nhau thỏa thuận những vấn đề cần thiết, chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đón dâu đón rễ về nhà. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người làm mai là thăm dò, thỏa thuận giữa hai bên gia đình về việc đón dâu hay đón rễ. Việc đón dâu hay đón rễ của người Hrê là do đôi trai gái, và do hai bên gia đình cùng thống nhất với nhau. Thường thì gia đình khó khăn về kinh tế sẽ được ưu tiên hơn nếu muốn đón dâu hay đón rễ.

Giờ đây phong tục mai mối không còn tồn tại trong hôn nhân của người Hrê nơi đây nhưng nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong phong tục hôn nhân của người Hrê xưa. 

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-ngai-phong-tuc-mai-moi-trong-hon-nhan-cua-nguoi-hre-xua-a3542.html