Những căn nhà bị bỏ hoang ở tuyến dân cư Mương Khai
Khó khăn sinh kế
Tại tuyến dân cư vượt lũ Bà Bổ ở xã Long Thành, huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) - nơi có gần 40 căn nhà được xây dựng từ năm 2007, nằm song song với tuyến đường N2 - một tuyến đường quốc lộ nối từ Tây Nguyên, Đông Nam bộ xuống miền Tây nhưng lại khá hiu hắt. Giải thích về điều này, bà Nguyễn Thị Bé, một hộ dân cư hiếm hoi đang sinh sống đó cho biết: Vào năm 2007, khi tới mua đất nền xây dựng ở đây mỗi hộ phải đóng 10 triệu đồng cộng thêm 9 triệu đồng được vay ưu đãi trong vòng 3 năm đầu không tính lãi cho diện tích nền là 20m2. Lúc đó, nhiều gia đình đã cố gắng vay mượn, bán những tài sản có giá trị để mua đất cất nhà với hy vọng sẽ tìm được một sinh kế lâu dài, không phải sống thấp thỏm âu lo trong cảnh mỗi năm phải chạy lũ tới 4 tháng như trước kia. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau mọi người mới nhận ra rằng, mặc dù ở đây không lo lũ lại nằm gần tuyến đường lớn nhưng rất khó sống. Đặc biệt là không có cách gì để kiếm ra tiền. Xung quanh nhà, đất đai không có, trồng rau ăn hàng ngày cũng khó khăn tính chi đến chuyện kiếm ra tiền. Rồi đồng ruộng lại ở xa, mùa lũ đến cũng không đánh bắt thủy hải sản được nên nhiều người đành cắn răng bỏ hoang nhà cửa, đất đai kéo nhau ra phía bờ sông Vàm Cỏ Tây ở bên kia quốc lộ để sinh sống kèm theo một khoản nợ lớn đối với họ là tiền vay ngân hàng 9 triệu đã sinh lãi lên chừng hơn chục triệu, và tiền xây nhà theo đúng mẫu chung gần 10 triệu. Có thể nói, bi kịch có nhà cửa nhưng phải mang nợ chừng 20 đến 30 triệu đồng lại phải bỏ nhà đi nơi khác tìm kế sinh nhai đang là tình trạng của nhiều hộ ở tuyến dân cư vượt lũ này.
Còn nhiều bất cập
Trong cái nắng oi ả của miền Tây mùa này, nước lũ đã tràn đồng ở nhiều khu vực khác nhau vùng Đồng Tháp Mười, nhiều nhà dân đang lo tìm cách tránh lũ. Tuy nhiên, trong tổng số hàng trăm căn nhà vượt lũ ở ấp Mương Khai, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa (Long An) thì có đến quá nửa là bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hai - một hộ dân sinh sống ở đây cho biết: Chúng tôi bắt đầu chuyển về đây từ năm 2006, khi ấy tổng số tiền tôi phải bỏ ra để sở hữu căn nhà này lên đến gần 40 triệu đồng. Trong khi ấy, tiền được ngân hàng cho vay lẫn tiền hỗ trợ của nhà nước cũng chỉ chưa đến 20 triệu đồng. Dự tính nơi này gần đường lộ, đi lại dễ dàng nên hi vọng trong ít năm sẽ kiếm đủ tiền trả nợ ngân hàng. Nào ngờ, ở ngoài này khó kiếm tiền hơn bởi nó xa ruộng đồng, xa kênh mương, không cách gì xoay xở ra tiền được. Thế nên, sau gần chục năm sinh sống ở đây ngoài việc mang nợ nhà nước, nợ ngân hàng và người thân, gia đình tôi hầu như vẫn phải di chuyển về nhà tranh ở nơi cư trú cũ. Ở đó, ngoài việc trồng rau, cây trái sinh sống thì ngày ngày còn đánh bắt được tôm cá, thủy hải sản. Nhìn chung, nhu cầu lương thực hàng ngày cũng đỡ phần nào, chỉ lo cấy trồng dành dụm cho con cái ăn học, trả nợ mà thôi. Có thể nói, tình trạng bỏ ra đống tiền để sở hữu một căn nhà ở tuyến dân cư vượt lũ rồi phải bỏ hoang di chuyển về nơi ở cũ đang là nỗi éo le của nhiều hộ dân ở nhiều tuyến cụm dân cư vượt lũ mà chúng tôi tiếp xúc ở khu vực này.
Theo Đại Đoàn Kết