Thu về Cao Bằng, đến thác Bản Giốc khi lúa chín vàng

Sau rằm tháng 8, chúng tôi ngược đường số 4 về với Cao Bằng, nơi có đầu nguồn Cốc Bó, về với khu rừng Trần Hưng Đạo, về với Bản Giốc...

Dường như mùa thu cũng là mùa hành hương của người Việt. Trời thu xanh thẳm, điểm vài vệt mây trắng. Từ thành phố Cao Bằng, xe chúng tôi bon theo đoạn đầu đường Hồ Chí Minh qua các huyện Hoà An, Hà Quảng về  Pác Bó. Con đường rộng thênh thang lọt giữa hai dải núi, đỉnh núi (tiếng địa phương gọi là”phia”) nối đỉnh núi… Mé dưới là "phia Dằng”, "phia Tẻo Lái”. Lên cao có "phia Các Mác”,”phia Khuổi Nậm”.
 
Khu di tích lịch sử Pác Bó vừa khánh thành đền thờ Bác Hồ, dù là ngày thường vẫn đông khách thập phương đến dâng hương. Trận mưa đêm trước chỉ làm mực nước dâng cao, còn nước suối Lê-nin vẫn trong văn vắt. 
 
 
Một cụ già ngồi ghi lại bài thơ về Pắc Bó

Tình cờ, tôi theo chân một tốp người, hai ông già ước tuổi cũng xấp xỉ tám mươi, mấy phụ nữ cũng chỉ kém vài mươi tuổi. Thấy các ông bà xăm xăm đòi lội nước vào đến "bàn đá” (Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng), tôi vội lên tiếng can ngăn: "Nước chảy mạnh lắm, các bác không nên vào”… Một ông lên tiếng: "Chúng tôi từ trong Nam ra. Đã đi đến đây phải đến tận cùng”. Một bà ghé tai tôi: "Ông ấy đang làm thơ về Pác Bó, nên muốn nhìn tận mắt”… Hỏi tên, ông cười không nói, chỉ cho biết vốn là nhà giáo, quê ở Bắc Giang, vượt Trường Sơn năm 1972... Trên đường quay ra, thấy ông ngồi bên vệ đường, tờ giấy trắng để trên đùi, cây bút lăm lăm trong tay. Tôi liếc vội mấy dòng chữ đầu, thấy ghi: "Con về Pác Bó hôm nay/ Rừng xanh, ngói đỏ, mây bay suối ngàn”.

Vâng. "Rừng xanh - Ngói đỏ” là cảnh tượng Pác Bó hôm nay cũng như trên nhiều nẻo đường Cao Bằng chúng tôi đi qua. Trong cái được, có cái mất. Được là được sự ấm no. Nhưng mất, là mất đi nhiều cảnh hoang sơ của núi rừng. Khi nhà cửa san sát che khuất tầm nhìn của du khách muốn”trông vời lưng núi”.

 
 
PV VOV trò chuyện với người dân thôn Keo Lin, xã Trung Phúc, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng).

Dọc con sông Trừng, từ Pác Bó chảy ra, giữa dãy Lục Khu - Mã Lịp là mộ Anh hùng - Liệt sĩ Kim Đồng dưới chân núi Tẻo Lái. Mùa này cánh đồng hai bên sông lúa đã chín vàng, ngô đã trổ cờ… Khu di tích đã được tôn tạo, từ ngoài nhìn vào chỉ thấy mấy cột cao lô nhô, làm tôi bâng khuâng nhớ lại mươi năm về trước, từ xa đã “gặp” anh Kim Đồng giữa xanh thẳm của núi rừng.

Thật là may, trên đường đi Bản Giốc, chúng tôi được một hướng dẫn viên rất nhiệt tình, từ cầu sắt Thông Huề dẫn chúng tôi theo sông Bác Vọng trên con đường liên xã qua xã Trung Phúc- xã Cảnh Tiên ra đến thị trấn Trùng Khánh. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Con đường đá nhỏ dọc theo dòng sông, nào ghềnh lớn, gềnh nhỏ nước tung bọt trắng xoá, những cây mộc miên (cây gạo) sừng sững ven đường, chiếc guồng nước chậm rãi quay, những mái nhà lợp ngói âm dương in bóng xuống mặt nước. Và những ruộng lúa vàng với những tốp người cần cù tay liềm bên chiếc máy tuốt lúa chạy xăng hối hả quay vòng…

Anh tên là Triệu Kim Cương, Giám đốc một doanh nghiệp ở tỉnh Cao Bằng. Trên đèo Mã Phục, Cương tận tình chọn chỗ đỗ xe thật chuẩn để chúng tôi có thể chụp toàn cảnh con đường đèo gập hình chữ V bên dưới. Cương tha thiết mời chúng tôi đi theo con đường nhỏ về quê Cương, thôn Cốc Lại xã Cảnh Tiên. Qua núi Keng Mạ (núi ngựa) theo con đường mới mở, Cương khoe đây là con đường nhà nước và nhân dân cùng làm. Trước khi có đường, người dân xã Trung Phúc muốn ra Trùng Khánh phải đi ngược ra Thông Huề hoặc luồn theo một cái hang sâu, rất vất vả. Nay có đường rồi, bớt hẳn 5-6km.  

 
 
Hoa đào mùa thu ở đồn biên phòng Đàm Thuỷ (Cao Bằng)... (Ảnh chụp 1/10/2015)

Đến Cốc Lại, Cương tự hào khoe, cả thôn từ trước đến nay không có một người ghiện hút nào. Cương giải thích "Cốc Lại” tiếng Tày có nghĩa là "gốc cây lai (trẩu)”. Triệu Kim Cương thổ lộ: "Cao Bằng rất nhiều cảnh đẹp, ngoài những di tích vốn nổi tiếng như Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, còn có đền Vua Lê, đền Viên Minh (thờ Dương Tự Minh- người Tày, một danh tướng qua ba đời vua Nhân Tông,  Thần Tông và Anh Tông nhà Lý) đền Kỳ Sầu (thờ Nùng Chí Cao)… Cao Bằng lại có nhiều quả ngon, vật lạ, món ăn ngon… nếu biết tận dụng để phát triển du lịch thì rất thuận lợi…".

Triệu Kim Cương khoe đang thí nghiệm ở Cao Bằng một mô hình du lịch theo cách du khách hoà nhập vào cuộc sống của cư dân địa phương, đồng thời đang ấp ủ một dự án xây dựng "làng du lịch sinh thái” cho khách nước ngoài. Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có bằng kỹ sư xây dựng, đã từng đi bộ đội, nếu muốn Cương có thể chọn cho mình một cuộc sống ở Thủ đô, hoặc “làm ông nọ bà kia” ở địa phương. Nhưng không, Cương muốn làm giàu cho quê hương, giúp bà con chòm xóm của mình làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Chia tay chúng tôi, Cương mời chúng tôi sớm quay lại Cao Bằng để thấy người Cao Bằng cũng năng động như ai.

Chúng tôi tin điều Cương nói. Mấy năm nay tận dụng sự phát triển của hệ thống đường giao thông, tỉnh mở hai tuyến xe buýt chạy từ thành phố Cao Bằng đi Pác Bó và Bản Giốc, hút được một lượng lớn khách trong tỉnh và khách thập phương theo xe khách đi đến. Tại thác Bản Giốc, tôi gặp một tốp 4 cô thợ dệt ở xóm Khào,xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên. Phùng Thị Thuỷ, cô thợ dệt có vẻ bạo dạn nhất cho biết các cô thường xuyên lên thác Bản Giốc chơi "vì đường đi tiện lắm”.

Lần này đến Bản Giốc, tôi không gặp được cựu binh Nông Kim Tướng ở bản Lũng Niếc xã Đàm Thủy. Anh em ở đồn biên phòng Đàm Thuỷ nói cứ khi nào rảnh rỗi, ông lại ra, vừa gẩy đàn vừa hát những điệu then ca ngợi non nước Cao Bằng. Nhưng chúng tôi đã gặp thêm nhiều người Cao Bằng tha thiết với mảnh đất quê hương và cùng có khát vọng vươn lên làm giàu. Đó là một điều vui.

Bản Giốc  dịp này lúa đã chín vàng bên dòng Quây Sơn. Thác nước tung bọt mờ cả một vùng. Đến thật gần, thấy trong dòng nước đang ào ạt tuôn chảy kia, có cả những vạt nước xanh. Xanh của bầu trời, xanh của cây xanh, xanh của làn nước trong vắt. Câu chuyện có thể ngừng ở đây nếu chúng tôi không bất ngờ gặp ở đồn biên phòng Đàm Thuỷ những bông hoa đào chúm chím trong nắng thu. Trung tá Lý Ngọc Danh, chính trị viên đồn Đàm Thuỷ  khoe: "Ở địa phương có giống hoa đào nở vào mùa Thu".

Không hiểu sao, tôi cứ mong giống hoa đào này bắt đầu xuất hiện từ mùa Thu năm Ất Dậu./.

Theo VOV.VN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thu-ve-cao-bang-den-thac-ban-gioc-khi-lua-chin-vang-a3446.html