Có kịp đệ trình UNESCO trong tháng 12.2015?
Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO ghi vào danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp từ ngày 24.11.2011. Vốn được xem là một trong những loại hình dân ca độc đáo của dân tộc, Hát Xoan còn được biết đến với tên gọi Hát cửa đình hay còn gọi là Khúc Đình Môn gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Thế nhưng, trải qua bao biến thiên Hát Xoan đang đứng trước nhiều thử thách trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thậm chí đứng nguy cơ mai một, thất truyền trong xã hội đương đại. Việc UNESCO ghi danh Hát Xoan Phú Thọ vào danh sách DSVHPVT, không chỉ khẳng định giá trị của di sản này mà hơn thế, còn đặt ra cho Hát Xoan nấc thang mới cần phải vượt qua, đó là thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Lực lượng nghệ nhân trẻ đã sẵn sàng kế tục trình diễn Xoan
Trước thực trạng đó, ngày 7.11.2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2058/QĐ- TTg phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020. Theo đó, một trong những mục tiêu của Đề án là: đến năm 2015, đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành DSVHPVT Đại diện của nhân loại. Theo quy định của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ DSVHPVT, các quốc gia thành viên cần hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO trước trong tháng 12.2015 để kịp đệ trình các Ban chuyên môn, Ban thư ký... của UNESCO trước khi hồ sơ di sản này được xem xét tại các Hội nghị của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003.
Về vấn đề này, Báo cáo thực hiện chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020 đề nghị Viện Âm nhạc VN, Ủy ban QG UNESCO VN tích cực đồng hành và hỗ trợ tỉnh Phú Thọ và Bộ VHTTDL trong lộ trình xây dựng và thực hiện các thủ tục nộp Báo cáo về tình trạng Hát Xoan tới UNESCO. Thực tế, trong các DSVHPVT của VN đã được UNESCO ghi danh ở nhiều danh sách khác nhau, cho đến nay chỉ có Hát Ca trù người Việt và Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO đưa vào Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp. Để được UNESCO chuyển các di sản thuộc danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách DSVHPVT Đại diện của nhân loại là cả một lộ trình gồm nhiều thủ tục mà VN chưa từng trải qua, thực hiện. Vì thế, việc hoàn thiện Báo cáo về tình trạng Hát Xoan trình UNESCO chuyển di sản này sang danh sách DSVHPVT Đại diện của nhân loại là trường hợp đầu tiên của VN rất cần sự chung sức, đồng thuận của nhiều phía.
Những bước chuyển mình tích cực
Điều đáng mừng là trong những năm qua, công tác thực hiện chương trình hành động bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ đã có những kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Ông Vũ Trường Thành, Phó GĐ Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tỉnh Phú Thọ đã đi tiên phong trong việc xây dựng đề án bảo tồn Hát Xoan, đề ra và thực hiện chính sách tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân ở các phường Xoan ở Phú Thọ ngay sau khi di sản được vinh danh. Điều dó đã có ý nghĩa khích lệ to lớn đối với nghệ nhân hát Xoan, đồng thời góp kinh nghiệm thực tiễn cho Nhà nước ban hành các chính sách, phê duyệt các đề án bảo vệ Hát Xoan, nhanh chóng đưa Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp”. Nếu năm 2010 chỉ có khoảng 13 CLB của những người yêu thích Xoan với tổng số 298 thành viên thì đến năm 2015 ở Phú Thọ đã có 30 CLB Xoan với 1.103 thành viên...
Bên cạnh công tác đào tạo lớp nghệ nhân Xoan kế cận và truyền dạy Xoan tại cộng đồng 4 phường Xoan gốc, công tác sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản các tài liệu ấn phẩm Hát Xoan cũng đã có những kết quả đáng ghi nhận. Với cuốn Tổng tập Hát Xoan Phú Thọ do Sở VHTTDL Phú Thọ phối hợp với Viện Âm nhạc VN xuất bản, có thể xem đây là bộ tài liệu nghiên cứu toàn diện về lịch sử, giá trị và về hoạt động bảo vệ từ năm 1957 đến nay của Xoan. 4.000 đĩa CD và 3.000 cuốn sách Hát Xoan Phú Thọ - Tuyển chọn 1 được ấn hành trong những năm qua cũng đã đem đến cho các nghệ nhân, nhà nghiên cứu... những tư liệu quý về di sản này. Từ năm 2012 đến 2015, công tác kiểm kê, cập nhật thông tin, dữ liệu về Hát Xoan Phú Thọ cũng được triển khai nghiêm túc, báo cáo thường xuyên Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVHPVT Quốc gia để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị ở tầm quốc gia.
Hơn thế, sự quan tâm cũng như quyết tâm của tỉnh Phú Thọ trong việc thực hiện chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ cũng đã được khẳng định bằng những con số ấn tượng về kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, tôn vinh nghệ nhân. Riêng năm 2012, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành chính sách công nhận danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan tỉnh Phú Thọ và đã phong tặng danh hiệu cao quý này cho 34 nghệ nhân cùng tiền thưởng 5 triệu đồng mỗi người. Nhiều di sản vật thể liên quan đến Hát Xoan cũng đã được trùng tu tôn tạo trong những năm qua như phục hồi Miếu Lãi Lèn, nơi được cho là phát tích của Xoan, tôn tạo Đình Thét làng Kim Đới xã Kim Đức, TP Việt Trì Phú Thọ... nhằm trả lại không gian diễn xướng quen thuộc của Xoan...
Một trong những nét đẹp của các phường Xoan là tục kết nghĩa, giao lưu tưởng đã một đi không trở lại nay đã được phục hồi giữa 4 phường Xoan gốc. Thực hiện kế hoạch liên tịch của Bộ GD&ĐT và Bộ VHTTDL về việc sử dụng di sản văn hóa để dạy học, 80/90 trường học ở Việt Trì, Phú Thọ đã được gắn kết Hát Xoan với các chương trình của nhà trường. Bên cạnh các nghệ nhân cao tuổi, tính đến nay Hát Xoan đã đào tạo được 62 nghệ nhân kế cận có khả năng diễn xướng, truyền dạy Hát Xoan. 31 bài cơ bản của 3 chặng Hát Xoan cũng đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho các lớp nghệ nhân kế cận này. Đáng ghi nhận hơn cả, theo Báo cáo thực hiện chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020 của Sở VHTTDL Phú Thọ nhìn nhận là: “Điều quan trọng hơn là chúng ta tạo được lớp khán giả cho Hát Xoan”.
Theo Văn hóa