Con bản sống mòn giữa rừng hoang

Mấy chục năm nay, một con bản xập xệ nơi đầu con suối Pâr Ay, xã Hồng Thủy (A Lưới, TT –Huế) sống co cụm giữa rừng hoang tự cung – cấp, không có tên gọi, không có già bản, không điện- đường- trường- trạm...

Men theo lối mòn như sợi chỉ dẫn hơn 7-8 km, nơi trú ngụ của dân làng không tên gọi sống lay lắt giữa rừng giáp biên giới Việt – Lào.


Lối mòn dẫn lên bản bùn lầy nhầy nhụa khiến đường rất khó đi

Lay lắt giữa rừng

Chúng tôi ngược dòng Pâr Ay tìm đến con bản không tên giữa cơn mưa xám xịt cả núi rừng, lạnh căm. Lối mòn dẫn vào bản đầy bùn lầy lội, cuốc bộ hơn 4 tiếng đồng hồ, ngôi làng đơn sơ lấp ló hiện ra sau dãy rừng già, những căn nhà sàn xập xệ bên bờ suối nép mình vào dãy núi A Sàng.

Nơi đầu con suối Pâr Ay dẫn lên bản, một căn nhà tềnh toàng bốc mùi hôi nước tiểu và phân gia súc. Trong nhà 4, 5 đứa trẻ sàn sàn đầu nhau mặt mũi tím tái vì lạnh và đói đang chui rúc trong cái tấm chăn mỏng tang đen ngòm... Tôi hỏi: “Cha mẹ các cháu đi đâu cả rồi?”. Đứa lớn mới ngóc đầu ra nói giọng run cầm cập: “Bố với mẹ đi nương từ lúc tụi cháu còn đang say ngủ... tối mới về đó...”. Từng cơn gió núi ùa về rét buốt, đám trẻ lại ríu rít bám vào nhau trong cái chăn mỏng ấy mặc cơn gió lay căn nhà siêu vẹo. Trước đây, vì tìm kiếm kế sinh nhai mà người dân nhiều nơi lặn lộn vượt núi, băng rừng ngược dòng suối Pâr Ay màu mỡ làm điểm dừng chân, nhưng với tập tục canh tác lạc hậu nên đến nay dân làng vẫn rơi vào cái vòng luẩn quẩn của cái đói, cái nghèo. Chúng tôi tìm gặp già Quỳnh Phê (hơn 70 tuổi)_ người già nhất bản, đúng lúc già đang cặm cụi đan lát, già Quỳnh Phê nói giọng sang sảng: “Làng hình thành lâu lắm rồi, già cũng không nhớ nữa. Mới đầu nơi đây chỉ lác đác vài cái chòi đựng thóc, ngô... thôi à. Về sau này nhiều nhà đến phát rẫy, làm chòi ở lại, lâu dần mới có bản. Mấy mùa lúa rẫy rồi dân bản chỉ làm lụng cố kiếm cái bỏ bụng mà “lết” qua bữa thôi à.”



Bao đời nay dân bản không tên sống bó buộc với núi rừng nên có nguy cơ “tuyệt chủng”

Những đứa trẻ tầm 12 đến 15 tuổi mặt mũi nhợt nhạt, đứa thì ở trần đứa thì trùm đầu... mặc cơn mưa rừng không ngớt rền rĩ vẫn cứ “oằn” lưng bé nhỏ vác những bó củi, bao sắn... nặng trĩu “nối đuôi nhau”  lội qua con dốc trơn trượt đầy bùn lầy... “Từ nhỏ cháu đã quen leo núi theo mẹ vô rừng vác củi, gùi sắn, bắp... nên không thấy mệt đâu.” Cậu bé Hồ Pam (12 tuổi) nói rồi cậu nhìn đám bạn cùng cười vang cả núi rừng... Anh Quỳnh Pên (40 tuổi) tay chân lấm bùn, mồ hôi nhễ nhại trên lưng chất đầy thóc nặng trĩu hì hục lên dốc đầy bùn lầy, anh mệt nhọc nói: “Rẫy nhà mình xa lắm. Sớm nào đi mình cũng chỉ kịp mang theo củ sắn luộc từ hôm trước... cho cái bụng đỡ kêu. Nhà 5 mặt con làm cực nhọc cũng không đủ ăn đâu. Mà không đi thì  nuôi nhau bằng cái chi.” Anh vừa mới dứt lời thì đứa con út “lôi” cái nồi cơm to tướng đen kịt, vô tư cào cấu cơm sắn cháy còn bám dính miệng nồi ăn ngấu nghiến.

Sinh đẻ nhiều vẫn... đói

Mặc dù nghèo đói, khó khăn là vậy nhưng chuyện sinh nở của dân làng lại vô tư đến “lạ kì”, những nhà có từ 6- 9 mặt con ở đây là không hiếm. Già Quỳnh Phê chỉ tay  những căn nhà xập xệ chênh vênh bên dọc suối của họ hàng già đang “an cư” nhà nào cũng có tới 6, 7 đứa con. Dẫn tới căn nhà cheo leo bên sườn dốc của vợ chồng Quỳnh Thay và Kăn Nguôi mới 30- 35 tuổi nhưng họ đã có10 mặt con, già Quỳnh Phê bảo: “Ở bản A Đeng (Bắc Sơn) không có đất trồng trọt và “sinh đẻ” nên nhiều hộ như vợ chồng nó vô đây “lập bản” hơn chục năm rồi. Nhà nhiều con cái học hành chi. Sau này lớn rồi thì lên nương làm rẫy, tích cóp của cải để mà lấy vợ, gả chồng xây dựng cuộc sống.”

Con cái lớn lên không phải đến trường lớp học cái chữ mà lũ lượt kéo nhau theo mẹ cha lên nương làm rẫy, trường lớp của các em là những tấm nương ngô, nương lúa trên đồi. Ngày ngày các em đều phải chăm chỉ lên rẫy, vào rừng làm lụng để cho cái miệng bớt “khô khốc”, cái bụng đỡ kêu... Cu Pái mới 15 tuổi đang dừng nghỉ bên đường, ái ngại cho biết: “Ngày trước ở làng Ca Cú (Hồng Vân) cháu học đến lớp 3 thì nghỉ vì cái đầu lẩn thẩn nhét mãi mà cái chữ không chịu vô nên cháu theo bố mẹ lên nương rẫy để nuôi mấy đứa em còn nhỏ. Ở bản cháu ai cũng thế...từ bản phải “cuốc” bộ mấy quả đồi mới tới trường đó chú...”. Không học hành, không điện, không trường, không trạm... nghèo đói và lạc hậu là cảnh tượng mà dân bản nơi đầu con suối Pâr Ay đã và đang sống cùng.

“Dân bản ở đầu suối Par Ay là những cư dân đến từ các làng khác một cách tự do, họ sống tách biệt nơi dọc con suối. Hầu hết dân bản nhà đều đông con, thiếu thốn đủ bề. Không điện, không có đường, trường học... Trước đây nhà nước có vận động về nơi ở mới (khu tái định cư Pâr Ay) mà dân bản không chịu bởi thiếu đất sản xuất và chăn thả...” Anh Hồ Văn Đức Trưởng thôn Pâr Ay, lí giải.



Già Quỳnh Phê: “Ưng cho con cháu đi học nhưng xa trường lớp. Lớn rồi lên nương làm rẫy thì cần chi học hành nữa...”

Trời rét buốt, những cơn mưa dai dẳng mù mịt núi rừng khiến cảnh vật giữa núi rừng ảm đạm đến tê tái. Trong màn mưa bạc xám, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt bạc phách, teo tóp bên bếp lửa của những đứa trẻ giữa rừng sâu đợi chờ miếng ăn của mẹ cha mang về cứu các em qua cơn đói. Mặc, trời rét mướt dân làng vẫn cặm cụi vào rừng, lên rẫy mưu sinh khi bóng chiều khuất dần dưới chân núi họ mới lom khom mò đường về khép lại một ngày mưu sinh trong cái chuỗi dài đăng đẵng của cuộc đời... Màn đêm tĩnh mịch những bó đuốc được thắp lên le lói giữa núi rừng hoang vu, già trẻ lớn bé ngồi xếp gối bên bếp lửa, mơ về một ngày mai cuốc sống no đủ hơn, có đường để đi, điện thắp sáng và trường cho con em học cái chữ...những ước mơ ấy xem ra vẫn chưa thể với tới và cao xa vời vợi như dãy A Sàng sừng sững...

Anh Nguyễn Văn Nhã, cán bộ Tư pháp xã Hồng Thủy, cho biết: “Ngôi làng đã hình thành từ những cuộc di dân tự do chủ yếu là của đông bào Pa Cô ở thôn Ca Cú (Hồng Vân), bản A Đeng (Bắc Sơn)... họ sinh sống giữa chốn rừng già gần giáp biên giới Việt – Lào nên ít ai biết đến sự tồn tại của dân làng. Mãi đến năm 2008 theo chủ trương của cấp trên, xã đã vận động bà con nhập khẩu để chúng tôi dễ quản lí cũng như hỗ trợ, chu cấp thuốc men, chăn màn và các nhu yếu phẩm khác nhưng đến nay chỉ gần 10 hộ đồng ý nhập vào Hồng Thủy...”


Nguyễn Đức Nhơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/con-ban-song-mon-giua-rung-hoang-a3414.html